Nông dân Nam Định điêu đứng vì chồn nhung đen

Hàng trăm hộ nông dân của các xã Giao An, Giao Thanh, Giao Thiện, Giao Xuân.... của huyện Giao Thủy, tỉnh Nam Định đã bỏ ra hàng chục, thậm chí hàng trăm triệu đồng/hộ để đầu tư nuôi chồn nhung đen với mong muốn làm giàu nhanh. Thế nhưng, từ mô hình nuôi chồn nhung theo kiểu đa cấp, bà con nông dân giờ chỉ biết kêu trời khi phải ôm những khoản nợ khổng lồ, còn chủ mô hình đã "cao chạy xa bay".

Giá trị thực trên thị trường của chồn nhung đen chỉ khoảng 200.000 đồng/đôi, song loài động vật gặm nhấm du nhập từ Nam Mỹ này đã được đẩy giá lên gấp hàng chục lần và được biến tướng thành sản phẩm "kinh doanh đa cấp trá hình" len lỏi đến các vùng nông thôn Nam Định. Với ước mơ "làm giàu siêu tốc", nhiều hộ không mấy khá giả, thậm chí là nghèo ở nhiều xã của huyện Giao Thủy (Nam Định) không ngại thế chấp sổ đỏ vay ngân hàng, vay mượn của họ hàng, anh em để đầu tư hàng chục đến hàng trăm triệu đồng tham gia mô hình nuôi chồn nhung đen.

Nhiều hộ dân ở huyện Giao Thủy (Nam Định) điêu đứng vì nuôi chồn nhung đen.


Là xã nghèo ven biển, Giao An có nhiều hộ nhất tham gia mô hình chăn nuôi chồn nhung đen, với hơn 100 hộ thuộc 21 xóm của xã. Hộ nuôi ít cũng có 5 - 7 đôi, hộ nuôi nhiều có tới 50 đôi. Người cung cấp con giống chồn nhung đen cho nông dân Nam Định là ông Đoàn Việt Châu, có địa chỉ tại Xóm Mỏ, xã Dân Hạ, huyện Kỳ Sơn, tỉnh Hòa Bình. Theo hợp đồng có thời hạn 28 tháng mà các hộ ký với ông Châu, các hộ mua chồn nhung đen giống của ông Châu với giá 4 triệu đồng/cặp (1 đực, 1 cái), sau đó được ông Châu bao tiêu sản phẩm với giá 2 triệu đồng/cặp (bất kể đực hay cái); người nuôi phải nộp 500.000 đồng cho mỗi lần chồn mẹ sinh con. Sau khi hợp đồng hết thời hạn, các hộ phải hủy đàn chồn (làm thực phẩm) hoặc bán lại cho ông Châu giá 500.000 đồng/đôi. Và nếu tiếp tục tham gia mô hình, các hộ phải mua con giống mới với giá như trước là 4 triệu đồng/cặp. Hàng trăm hộ nông dân của nhiều xã trên địa bàn huyện Giao Thủy đã đổ xô tham gia mô hình vì theo bài toán kinh tế, mỗi cặp chồn bố mẹ đẻ 3 - 4 lứa/năm, mỗi lứa từ 1 - 4 con, trung bình cho 8 - 9 chồn con. Như vậy, người nuôi đầu tư 40 triệu đồng nuôi 10 cặp chồn bố mẹ, sau 1 năm có 80 - 90 chồn con, thu 80 - 90 triệu đồng, lãi hơn nhiều so với nuôi lợn nái.

Ông Nguyễn Văn Hưng, Chi cục trưởng Chi cục Thú Y tỉnh Thừa Thiên - Huế cho biết, chồn nhung đen mà người dân đang nuôi hiện nay chưa có tên trong danh sách các vật chăn nuôi nông nghiệp, là loại vật có ngoại hình giống chuột nhưng không có đuôi, lông màu đen, khối lượng khi trưởng thành đạt 600-800 gam. Đối với người đưa giống về và người nuôi khi chưa được phép là sai phạm.


Tuy nhiên, chỉ sau một thời gian ngắn mô hình của ông Châu đã lộ rõ là đường dây lừa đảo. Nhiều hộ cho biết: Ông Châu đã không thực hiện cam kết bao tiêu đầu ra theo hợp đồng. Ông Châu chỉ mua vài con thời gian đầu với giá 1 triệu đồng/con, thanh toán đầy đủ, nhưng sau đó người nuôi chồn không thể liên lạc được. Giờ các hộ đã phá đàn, không nuôi nữa. Thịt chồn nhung đen rất khó ăn vì rất nhão, nhạt, không ngon bằng chuột đồng nên hầu hết các hộ cho chồn nhung vào bao tải đem chôn vì nếu để xổng ra ngoài sẽ gây hại cho môi trường.


Tiếp xúc với chúng tôi, ông Vũ Đức Thông (xóm 9, xã Giao An) chia sẻ: Tôi đầu tư 80 triệu đồng mua 20 đôi chồn nhung đen, 4 lồng nuôi giá 2 triệu/chiếc, tổng vốn là 88 triệu đồng. Gia đình tôi chuyên làm nông nghiệp, làm gì có tiền, tôi phải thế chấp sổ đổ vay ngân hàng và vay mượn bên ngoài để có đủ số tiền. Ông Châu cho người đến nhà tôi thu mua và đã thanh toán cho gia đình tôi hơn chục triệu, còn nợ hơn 40 triệu đồng, giờ tôi liên lạc với ông ấy không được. Gia đình tôi hiện lâm vào cảnh khốn đốn, không biết lấy tiền đâu ra để trả nợ. Theo ông Thông, hiện có tới cả trăm hộ trên địa bàn xã Giao An lâm vào cảnh ngộ giống hộ ông, như hộ bà Hòa (xóm 9) nuôi 25 đôi; ông Đoàn Văn Sơn (xóm 12) nuôi tới 150 đôi; ông Mai Hậu (xóm 9) nuôi 25 đôi; ông Tú (xóm 9), ông Trưởng (xóm 15)... Ông Thông cho biết thêm ông sẽ cùng với các hộ làm đơn tố cáo hành vi lừa đảo của ông Châu tới Công an huyện Giao Thủy và Công an tỉnh Nam Định.

Xuất hiện một Đoàn Việt Châu tại Thừa Thiên - Huế

Tại Thừa Thiên - Huế, hiện cũng rộ lên việc nhiều người dân bị lừa và vỡ nợ do nuôi chồn nhung đen đa cấp. Số lượng thống kê ban đầu, đã có hàng ngàn con chồn nuôi, tập trung ở xã Phú Mậu (huyện Phú Vang), phường An Tây (thành phố Huế), thị trấn Bình Điền và xã Bình Thành (thị xã Hương Trà).

Chồn nhung xâm nhập vào địa bàn tỉnh Thừa Thiên - Huế thông qua một đối tượng tên là Đoàn Việt Châu, trú tại xã Dân Hạ, huyện Kỳ Sơn, tỉnh Hòa Bình; đã bán hoặc cho nông dân thuê nuôi giống chồn này. Đến nay, sau gần 4 tháng nuôi, một số cặp giống ban đầu đã sinh sản, các hộ nuôi liên lạc với Đoàn Việt Châu để bán con giống, nhưng không thể liên lạc được.


Theo ông Trần Văn Vọng, Chủ tịch UBND xã Giao An, chính quyền địa phương đã thông báo trên đài phát thanh xã cảnh báo bà con nhưng nhiều hộ ngấm ngầm nuôi. Lãi đâu chẳng thấy, nhiều hộ giờ lâm vào cảnh điêu đứng vì vay mượn nhiều tiền. Đích thân ông Vọng đã nhiều lần gọi điện cho ông Châu đề nghị ông thanh toán để bà con đỡ khổ nhưng từ nhiều tháng nay vẫn không liên lạc được.


Trao đổi với phóng viên, ông Phùng Văn Nhân, Phó Chủ tịch UBND huyện Giao Thủy khẳng định: Huyện không có chủ trương cho bà con nuôi chồn nhung đen vì loài này hiện không có trong danh mục các vật nuôi nông nghiệp, không rõ nguồn gốc và chưa có kết quả khảo nghiệm đánh giá tích cực. Các hộ tự ý nuôi theo hợp đồng với ông Đoàn Việt Châu, chính quyền các xã cũng không báo cáo lên huyện. UBND huyện mới đã chỉ đạo các xã, thị trấn trên địa bàn tổ chức rà soát, thống kê tình hình..


Nguyễn Trường

Nuôi chồn nhung đen đa cấp - một thủ đoạn lừa dân
Nuôi chồn nhung đen đa cấp - một thủ đoạn lừa dân

Tại Thừa Thiên - Huế, hiện đang rộ lên việc nhiều người dân bị lừa và vỡ nợ do nuôi chồn nhung đen đa cấp. Điều đáng nói là, việc phát hiện và vào cuộc chậm của các cơ quan chức năng và chính quyền đã gây thiệt hại nặng nề cho người nuôi chồn nhung.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN