Ninh Thuận hoàn thành phân bổ trên 87% kế hoạch vốn đầu tư công

Năm 2023, tỉnh Ninh Thuận được Thủ tướng Chính phủ giao tổng kế hoạch vốn trên 3.146 tỷ đồng.

Đến thời điểm này, tỉnh đã phân bổ chi tiết hơn 2.762 tỷ đồng, đạt trên 87% kế hoạch; trong đó, vốn trong nước là 2.428 tỷ đồng và vốn nước ngoài trên 718 tỷ đồng.

Chú thích ảnh
Làm đường giao thông nông thôn mới tại xã Phước Nam nối với tuyến đường Văn Lâm-Sơn Hải, huyện Thuận Nam. Ảnh minh họa: Công Thử/TTXVN

Theo nhận định của Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Ninh Thuận, việc giải ngân vốn đầu tư công năm nay được dự đoán sẽ gặp không ít khó khăn do khối lượng vốn đầu tư công năm nay nhiều hơn năm trước. Cụ thể, nhiều nguồn vốn bổ sung và phải hoàn thành trong năm 2023 như chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, nhiều dự án quy mô lớn phải thi công hoàn thành trong năm 2023 nhưng khó khăn về khả năng cân đối vốn.

Ngoài ra, các yếu tố như giá cả nguyên nhiên vật liệu được dự báo sẽ tiếp tục biến động khó lường, tác động trực tiếp đến hoạt động đầu tư xây dựng, thi công của các nhà thầu, làm ảnh hưởng đến tiến độ dự án. Bên cạnh đó, số vốn thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia năm nay khá lớn với trên 277,5 tỷ đồng, chưa kể là nguồn vốn còn tồn của năm 2022 chuyển sang là hơn 69,4 tỷ đồng. Trong khi đó, nhiều văn bản hướng dẫn thực hiện các chương trình chưa đồng bộ, gây khó khăn cho việc triển khai thực hiện dự án.

Giải ngân vốn đầu tư công được tỉnh Ninh Thuận xác định là nhiệm quan trọng để tạo động lực thúc đẩy phát triển kinh tế. Do đó năm 2023, Ninh Thuận quyết tâm phân bổ hết nguồn vốn; đồng thời nêu cao tinh thần trách nhiệm, tập trung tháo gỡ khó khăn, vướng mắc liên quan trong đầu tư thực hiện các dự án để phát huy hiệu quả nguồn vốn được phân bổ.

Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Thuận Trần Quốc Nam nêu rõ, đây là một trong những nhiệm vụ quan trọng của cả hệ thống chính trị. Vì vậy, UBND tỉnh đề nghị người đứng đầu các sở, ngành và địa phương xem đây là trách nhiệm phải thực thi; đồng thời phải chịu trách nhiệm trước UBND tỉnh nếu như thiếu tinh thần trách nhiệm trong kiểm tra, giám sát… để dự án gặp phải vướng mắc về đền bù, giải phóng mặt bằng.

Khi được phân bổ vốn, người đứng đầu các sở, ngành và địa phương phải khẩn trương chỉ đạo lập kế hoạch đầu tư công để bảo đảm tiến độ, giải ngân các chương trình dự án theo đúng kế hoạch đề ra, phát huy hiệu quả đầu tư, góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế; đồng thời bám sát các mục tiêu, căn cứ, nguyên tắc, yêu cầu, trình tự lập, thẩm định, phân bổ kế hoạch đầu tư công theo quy định để chuẩn bị đầu tư thực hiện dự án; thường xuyên tổ chức giao ban với chủ đầu tư để tháo gỡ khó khăn, xử lý kịp thời vướng mắc để dự án thi công đảm bảo tiến độ.

Bên cạnh đó, người đứng đầu các sở, ngành và địa phương cần khẩn trương hoàn tất thủ tục đầu tư các dự án khởi công mới để quyết định phân bổ chi tiết nguồn vốn; khi được giải ngân kế hoạch vốn, cần khẩn trương triển khai đấu thầu triển khai thi công.

Đối với các dự án khởi công mới chưa giao kế hoạch vốn, chính quyền các địa phương phải khẩn trương trình phê duyệt để có cơ sở giao vốn. Chủ đầu tư các dự án phải thường xuyên giám sát, song hành với nhà thầu trong quá trình triển khai thi công dự án để kịp thời xử lý vướng mắc phát sinh. Đặc biệt cần quan tâm, tập trung đẩy nhanh tiến độ các dự án trọng điểm đang thi công hiện nay như tuyến đường giao thông từ huyện Ninh Sơn đi lên huyện Đức Trọng (tỉnh Lâm Đồng); tuyến đường tránh Văn Lâm-Sơn Hải nối với quốc lộ 1A; tuyến đường nối cao tốc Bắc-Nam với cảng biển tổng hợp Cà Ná…

Theo Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Ninh Thuận, năm 2022 tỉnh chỉ giải ngân được 91,7% nguồn vốn kế hoạch vốn Trung ương giao và đạt 85,4% kế hoạch UBND tỉnh giao. Cụ thể là không đạt mục tiêu giải ngân vốn theo chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và của tỉnh đề ra. Ngoài 14 đơn vị có tỷ lệ giải ngân đạt trên 95% kế hoạch, đạt mục tiêu Nghị quyết số 124/NQ-CP ngày 15/9/2022 của Chính phủ thì vẫn còn một số đơn vị có tỷ lệ giải ngân nguồn vốn đạt thấp. Một số dự án có vốn bố trí lớn nhưng giải ngân không đạt kế hoạch như: Dự án nâng cao hiệu quả sử dụng nước cho các tỉnh bị ảnh hưởng bởi hạn hán chỉ đạt 17,3%; dự án hồ chứa nước Sông Than chỉ đạt trên 57%...

Nguyên nhân giải ngân vốn đạt thấp được xác định là khâu chuẩn bị đầu tư, lập kế hoạch vốn, việc khảo sát, thiết kế chưa sâu kỹ dẫn đến dự án phải điều chỉnh bổ sung nhiều lần; đền bù, giải phóng mặt bằng chưa tốt đã làm ảnh hưởng đến tiến độ triển khai dự án; một số nhà thầu thiếu năng lực đã làm dự án bị chậm tiến độ; việc nghiệm thu dự án, thanh toán khối lượng công việc chưa kịp thời cũng đã dẫn đến khó khăn cho giải ngân… Cùng với đó, việc giao vốn bổ sung của Trung ương cho tỉnh còn chậm (tới khoảng cuối năm mới giao) cũng dẫn tới khó khăn trong việc giải ngân vốn đối với tỉnh.

Công Thử (TTXVN)
Bộ Tài chính đề nghị đẩy nhanh giải ngân vốn đầu tư công với 4 địa phương
Bộ Tài chính đề nghị đẩy nhanh giải ngân vốn đầu tư công với 4 địa phương

Trên cơ sở kết quả làm việc với các địa phương của Tổ công tác số 5, Bộ Tài chính đã có công văn số 3780/BTC-ĐT báo cáo Thủ tướng Chính phủ về tình hình kiểm tra, đôn đốc, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc đẩy mạnh giải ngân kế hoạch vốn đầu tư công năm 2023 theo Quyết định số 235/QĐ-TTg đối với 4 địa phương Đắk Nông, Gia Lai, Đồng Nai, Bình Dương.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN