Ninh Thuận: Hiệu quả từ mô hình phát triển kinh tế mới

Nhằm tạo bước đột phá trong phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh, được sự cho phép của Thủ tướng Chính phủ, tỉnh Ninh Thuận đã thuê Tập đoàn Monitor của Mỹ- là tập đoàn chuyên tư vấn về chiến lược phát triển hàng đầu thế giới- xây dựng chiến lược phát triển kinh tế xã hội tỉnh Ninh Thuận giai đoạn 2011-2020 và tầm nhìn đến 2030.


Đồng thời, thuê Tập đoàn Arup của Anh lập đồ án quy hoạch phát triển thành phố Phan Rang-Tháp Chàm và quy hoạch dãi ven biển của tỉnh. Hiện quy hoạch tổng thể kinh tế-xã hội của tỉnh đang trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.



Dự án phát triển điện gió tại Ninh Thuận

Một trong những giải pháp quan trọng trong chiến lược phát triển của tỉnh là tập trung cải thiện môi trường đầu tư, nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh, phấn đấu đưa Ninh Thuận trở thành một trong những tỉnh dẫn đầu cả nước về năng lực cạnh tranh, nhằm huy động tối đa các nguồn lực cho đầu tư phát triển.


Với quyết đó, UBND tỉnh Ninh Thuận đã quyết định thành lập Văn phòng Phát triển Kinh tế Ninh Thuận (EDO), chính thức đi vào hoạt động ngày 19/3/2010. Đây là mô hình mới, duy nhất trên cả nước, được xây dựng trên cơ sở ý tưởng của Monitor và mô hình Cơ quan phát triển kinh tế (EDB) của Singapore.


Với hình thức tổ chức là đơn vị sự nghiệp công, Văn phòng Phát triển kinh tế vừa trực thuộc Sở kế hoạch và Đầu tư, đồng thời chịu sự chỉ đạo trực tiếp của Chủ tịch UBND tỉnh. Bên cạnh chức năng, nhiệm vụ giúp UBND tỉnh vận động thu hút các nguồn vốn đầu tư bao gồm vốn các thành phần kinh tế, kể cả đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), các nguồn vốn hỗ trợ phát triển chính thức ODA và các nguồn vốn viện trợ phi chính phủ nước ngoài (NGO), EDO còn là đầu mối hướng dẫn tiếp nhận và xử lý hồ sơ dự án đầu tư từ khâu đăng ký ban đầu đến triển khai dự án; hỗ trợ các nhà đầu tư tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai thực hiện dự án.


Các nhà đầu tư đến với Ninh Thuận chỉ cần tiếp xúc với một đầu mối là Văn phòng phát triển kinh tế để hoàn tất các thủ tục liên quan về thành lập doanh nghiệp, xin chủ trương đầu tư, cấp giấy chứng nhận đầu tư đến khâu xây dựng, đất đai, môi trường, đền bù giải phóng mặt bằng và các thủ tục cấp phép liên quan khác để có thể triển khai dự án


Các thủ tục hành chính do Văn phòng phát triển kinh tế tiếp nhận được chia làm 3 nhóm gồm: (1) Các thủ tục xử lý cấp ngay tại EDO là những thủ tục đơn giản như đăng ký kê khai thuế, cấp mã số thuế, trích lục sơ đồ vị trí, giới thiệu địa điểm đầu tư… (2) Đối với những thủ tục thuộc thẩm quyền tham mưu của Sở Kế hoạch và Đầu tư như chấp nhận chủ trương địa điểm, cấp giấy chứng nhận đầu tư sẽ do EDO tiếp nhận và tham mưu sở Kế hoạch và Đầu tư trình UBND tỉnh; (3) Đối với các thủ tục thuộc thẩm quyền giải quyết các sở, ngành địa phương như thủ tục về xây dựng, đất đai, môi trường… EDO tiếp nhận và chuyển trực tiếp đến sở, ngành địa phương xử lý theo thẩm quyền và trả kết quả tại EDO ”.


Các thủ tục trên sẽ được EDO, có sự tham gia làm việc kiêm nhiệm của đại diện các Sở, ngành liên quan (gồm TNMT, Xây dựng, Cục Thuế, Trung tâm phát triển Quỹ đất, Phòng ĐKKD, Công an tỉnh), tiếp nhận và xử lý trả kết quả cho nhà đầu tư theo quy trình “Một cửa liên thông” ban hành Quyết định số 290/2010/QĐ-UBND ngày 17/3/2010 của UBND tỉnh.


Các quy trình thủ tục được kết hợp thực hiện đồng thời, theo hướng đơn giản hóa, thời gian giải quyết được rút ngắn từ 30%-50% so với quy định, tạo thuận lợi tối đa cho các nhà đầu tư. Các vấn đề khó khăn vướng mắc phát sinh, sẽ được Ban chỉ đạo EDO do Chủ tịch UBND tỉnh làm trưởng ban, Phó chủ tịch làm phó trưởng ban thường trực, các thành viên gồm lãnh đạo các sở, ngành và địa phương liên quan chỉ đạo xử lý kịp thời thông qua cơ chế họp định kỳ hoặc đột xuất khi cần.


Qua 1 năm hoạt động, thời gian chưa nhiều, tuy nhiên những kết quả đạt được đã khẳng định sự đúng đắn và hiệu quả của mô hình mới. Hoạt động EDO đã tạo bước đột phá trong cải thiện môi trường đầu tư, góp phần nâng cao Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI), đẩy mạnh thu hút đầu tư của tỉnh nhà, được các nhà đầu tư, Phòng thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) và cộng đồng doanh nghiệp trong và ngoài nước đánh giá cao.


Với mô hình EDO cùng với chiến lược phát triển mới của tỉnh, đã thu hút được sự quan tâm của các nhà đầu tư là Tập đoàn lớn có uy tín, thương hiệu trên thế giới như Tập đoàn Posco, Huyndai, Siemen, PoLo Beach, Morgan, Federal Owens; Enfinity (Bỉ).


Từ ngày thành lập đến nay, EDO đã tiếp nhận và tham mưu UBND tỉnh chấp thuận chủ trương, cấp Giấy chứng nhận đầu tư 70 dự án, tổng vốn đăng ký 160 ngàn tỷ đồng (tương đương 8 tỷ USD) tăng gấp nhiều lần so với bình quân các năm trước đây, trong đó đã cấp Giấy chứng nhận đầu tư cho 34 dự án tổng vốn 4.000 tỷ đồng, các dự án còn lại đã được UBND tỉnh ký thoả thuận ghi nhớ hoặc chấp thuận chủ trương đầu tư.


Trong đó có một số dự án có quy mô lớn đang hoàn tất thủ tục, dự kiến sẽ được trao Giấy chứng nhận đầu tư nhân dịp Lễ kỷ niệm một năm ngày thành lập EDO 19/3/2011 sắp tới như dự án Nhà máy điện gió, điện mặt trời có tổng vốn đăng ký gần 0,9 tỷ USD của Công ty Enfinity (Bỉ), dự án khu du lịch cao cấp mũi Dinh tổng vốn đầu tư 4,5 tỷ USD của Công ty Polo Beach (Hồng Kông)…


Lĩnh vực đăng ký kinh doanh tiếp nhận giải quyết 697 hồ sơ, trong đó có 593 được giải quyết sớm và đúng hạn trong thời gian 3 ngày làm việc. Các lĩnh vực khác đã có trên 21 hồ sơ được tiếp nhận chuyển xử lý và trả kết quả tại EDO theo đúng quy trình và thời gian quy định .


Có thể nói, với việc áp dụng quy trình một cửa liên thông tại EDO, thời gian giải quyết các hồ sơ dự án đầu tư được rút ngắn đáng kể so với trước đây, trong đó lĩnh vực đầu tư giảm từ 5-10 ngày làm việc so với quy định; lĩnh vực liên thông đăng ký kinh doanh, đăng ký thuế, khắc dấu giảm từ 8 xuống còn 3 ngày làm việc; đối với các thủ tục đơn giản như cấp mã số thuế, giới thiệu địa điểm đầu tư, trích lục sơ đồi vị trí, đăng ký kê khai thuế... được cám bộ kiêm nhiệm các Sở ngành tại EDO thực hiện trả kết quả ngay trong ngày làm việc, được cộng đồng doanh nghiệp và các nhà đầu tư cũng như các Bộ ngành trung ương, VCCI qua các đợt làm việc tại tỉnh đánh giá cao về mô hình mới của tỉnh.


Thông qua cơ chế một cửa liên thông tại EDO, các vấn đề khó khăn, vướng mắc của các nhà đầu tư trong quá trình thực hiện thủ tục, triển khai dự án đầu tư, được xử lý kịp thời, nhất là thông qua cơ chế họp giao ban định kỳ của Ban chỉ đạo EDO. Việc thực hiện các dự án đã có những chuyển biến rõ nét, nhiều dự án đã được tháo gỡ khó khăn vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ thi công.


Cùng với thu hút đầu tư các thành phần kinh tế, hoạt động EDO cũng đã góp phần đẩy mạnh thu hút các nguồn vốn ODA, NGO nhằm hoàn thiện cơ sở hạ tầng, xóa đói giảm nghèo, lồng ghép các nguồn lực hỗ trợ phục vụ các mục tiêu phát triển của tỉnh. Đến nay, trên địa bàn tỉnh có 24 dự án ODA đang triển khai thực hiện tổng vốn 2.661 tỷ đồng (vốn ODA 2.254 tỷ đồng), ngoài ra từ ngày thành lập đến nay, EDO do cũng đã hỗ trợ đẩy nhanh hoàn tất các thủ tục để triển khai các dự án mới của sử dụng nguồn tài trợ của Chính phủ Bỉ, IFAD, JICA, Arập-Xêút, OFID, Đức, Hàn Quốc trên các lĩnh vực y tế, giáo dục đào tạo, giao thông, thủy lợi, cấp thoát nước với tổng vốn cam kết trên 60 triệu USD; Đối với nguồn vốn EDO, EDO đã tiếp cận vận động tài trợ mới các tổ chức Đông Tây Hội (EMW), AAV, nguồn vốn tài trợ quy mô nhỏ của Đại sứ quán Nhật Bản... cho các lĩnh vực giáo dục, cấp nước sinh hoạt, vệ sinh môi trường, không chỉ dừng ở vận động tài trợ, EDO còn hỗ trợ các chủ đầu tư tư, nhà tài trợ trong khảo sát, lập trình duyệt dự án, đến nay số dự án đã hoàn thành đi vào hoạt động góp phần nâng cao đời sống nhân dân vùng dự án.


Với những quyết tâm trên, tỉnh Ninh Thuận hy vọng sẽ tạo được chuyển biến mới trong cải thiện môi trường đầu tư, nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh trong những năm tới, làm động lực thực hiện chiến lược phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh Ninh Thuận đến 2020 và tầm nhìn đến năm 2030;


N.H

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN