Đưa hoạt động kinh tế trở lại quỹ đạo
Trong giai đoạn từ cuối tháng 5 đến đầu tháng 6/2021, số ca lây nhiễm mới ở Đức đã giảm mạnh, trung bình 2.000-5.000 ca/ngày, chỉ bằng 1/10 so với giai đoạn tháng 3-5/2021. Kết quả này là sự kết hợp của nhiều yếu tố, trong đó đáng chú ý là tỷ lệ tiêm chủng tăng mạnh, có ngày đạt 1,3 triệu liều/ngày. Đến nay đã có gần 48% dân số được tiêm ít nhất một liều, 25% đã được tiêm hai liều.
Trong bối cảnh diễn biến đại dịch COVID-19 đã dịu lại và các biện pháp phòng dịch dần được nới lỏng, Hiệp hội công nghiệp Đức đã bắt đầu thúc đẩy kế hoạch nới lỏng biện pháp phòng dịch bắt buộc trong các ngành sản xuất, nhằm đưa hoạt động kinh tế trở lại bình thường.
Cụ thể, Hiệp hội công nghiệp Đức đã đệ trình kế hoạch 10 điểm lên Chính phủ liên bang, đề xuất các bước đưa hoạt động sản xuất kinh doanh trở lại bình thường.
Theo kế hoạch này, những tiến bộ trong chiến dịch tiêm chủng và việc đưa hoạt động sản xuất kinh doanh trở lại trạng thái bình thường phải được liên kết chặt chẽ với nhau. Người lao động sẽ được tạo điều kiện đi lại và quay trở lại làm việc bình thường tại các doanh nghiệp; các biện pháp xét nghiệm nhanh COVID-19 sẽ được dỡ bỏ. Tuy nhiên, nhà nước vẫn nên tiếp tục kéo dài các khoản trợ cấp cho người lao động.
Hiệp hội công nghiệp Đức cũng đề xuất mở cửa lại toàn bộ nền kinh tế theo từng bước, phù hợp với việc dỡ bỏ dần các quy định phòng dịch trên cơ sở tỷ lệ người dân được tiêm chủng.
Trên phạm vi toàn cầu, Hiệp hội Công nghiệp Đức cũng kêu gọi các nước nới lỏng quy định xuất nhập cảnh để hoạt động đi lại, vận chuyển hàng hóa được thực hiện dễ dàng hơn, giúp nhanh chóng khôi phục nền kinh tế toàn cầu.
Kể từ ngày 1/7 tới, Đức sẽ dỡ bỏ cảnh báo đi lại với hầu hết các nước, bên cạnh đó Chính phủ Đức cũng sẽ dỡ bỏ phần lớn khuyến cáo đối với việc ra nước ngoài của công dân. Đức chỉ duy trì trong danh sách hạn chế một số nước có tỷ lệ lây nhiễm cao hoặc những nơi có biến thể virus như Anh hoặc Ấn Độ.
Ngày 11/6 vừa qua, Đức đã khởi động "hộ chiếu vaccine", được gọi là CovPass, nhằm tạo thuận lợi hơn cho những người đã tiêm đủ hoặc đã xét nghiệm virus được đi lại thuận tiện, nhất là qua lại biên giới giữa các nước EU hoặc các nước khác công nhận hệ thống này.
Những tín hiệu lạc quan
Sự lạc quan của người tiêu dùng Đức cũng đã được thể hiện rõ khi họ đặt kỳ vọng cao vào việc nền kinh tế sẽ sớm phục hồi.
Kết quả một cuộc khảo sát do công ty nghiên cứu thị trường GfK công bố hồi cuối tháng Năm cho biết, niềm tin của người tiêu dùng về tương lai đã hồi phục từ mức âm 8,6 điểm trong tháng Tư lên âm 7 điểm trong tháng Năm. Chỉ số kỳ vọng kinh tế cũng tăng 34 điểm, lên 41,1 điểm - mức cao nhất trong vòng 3 năm qua.
GfK dự báo người dân Đức sẽ bắt đầu chi tiêu nhiều hơn trong nửa cuối năm nay khi tiêu dùng trong nước được kỳ vọng sẽ giành lại vai trò là động lực chính thúc đẩy tăng trưởng kinh tế cùng với xuất khẩu.
Đối với xuất khẩu, nền kinh tế định hướng xuất khẩu của Đức đang đạt được những kết quả đáng khích lệ nhờ nhu cầu mạnh mẽ từ Mỹ, Trung Quốc và EU. Xuất khẩu của Đức đã gia tăng tháng thứ 12 liên tiếp trong tháng 4/2021. Có được điều này là nhờ sự phục hồi của kinh tế toàn cầu sau giai đoạn điêu đứng vì dịch COVID-19 hồi năm 2020.
Riêng trong tháng 4/2021, Đức đã xuất khẩu số hàng hóa trị giá 118,8 tỷ euro, cao hơn 47,7% so với cùng kỳ năm 2020. Đối tác lớn nhất nhập hàng hóa của Đức là Mỹ, với mức tăng trưởng tăng gần 60% so với cùng kỳ năm ngoái, xuất khẩu sang Anh cũng đạt trên 64% và các nước EU là 58%.
Tuy nhiên, xuất khẩu trong tháng Tư chỉ tăng 0,3% so với tháng trước đó và thấp hơn dự báo của các chuyên gia. Trái với xuất khẩu, nhập khẩu của Đức trong tháng Tư chỉ đạt 96,3 tỷ euro, giảm 1,7% so với tháng trước đó. Điều này dẫn tới cán cân thương mại trong tháng này đạt thặng dư 15,5 tỷ euro.
Cho đến nay, cả nhập khẩu và xuất khẩu của Đức đều chưa đạt được mức trước cuộc khủng hoảng COVID-19. Các chuyên gia cho rằng sự khan hiếm nguyên liệu và các sản phẩm thay thế đang gây sức ép lên sản xuất công nghiệp. Tuy vậy, ngành công nghiệp ít nhất đã cũng thành công trong việc xuất khẩu hàng hóa.
Trong khi đó, các chuyên gia Ngân hàng trung ương Đức Bundesbank cho biết, nền kinh tế Đức đang ở giai đoạn đầu của thời kỳ tăng trưởng mạnh mẽ. Theo Chủ tịch Bundesbank, ông Jens Weidmann, nền kinh tế Đức đang vượt qua khủng hoảng do đại dịch COVID-19 và sản lượng kinh tế vào mùa Hè này có thể đạt mức trước khủng hoảng.
Bundesbank dự báo tăng trưởng kinh tế của Đức đạt 3,7% trong năm nay, tăng mạnh so với mức dự báo 3% đưa ra cuối năm ngoái. Ngân hàng trung ương này cũng tự tin hơn về năm 2022 so với thời điểm 6 tháng trước. Các nhà kinh tế của Bundesbank dự báo nền kinh tế lớn nhất châu Âu có thể đạt tăng trưởng 5,2% trong năm tới, tăng từ dự báo 4,5% trước đó.
Năm ngoái, đại dịch COVID-19 đã đẩy kinh tế Đức vào cuộc suy thoái sâu nhất kể từ cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2009, thời điểm Tổng sản phẩm quốc nội của Đức giảm 4,8%. Trong quý I/2021, GDP của Đức giảm 1,8% so với quý trước đó.
Một số nhà kinh tế cho rằng nền kinh tế Đức sẽ phục hồi tốt trong năm nay, một phần nhờ hàng tỷ euro viện trợ của chính phủ. Bộ trưởng Bộ Kinh tế liên bang Peter Altmaier dự báo tăng trưởng kinh tế ở nước này có thể đạt 4% trong năm nay.
Để hạn chế những tác động tiêu cực tới nền kinh tế trong quá trình phục hồi cũng như tiếp tục ứng phó hiệu quả với đại dịch, Chính phủ Đức cũng như Quốc hội Đức đã đồng ý kéo dài tình trạng khẩn cấp trên toàn quốc cho tới tháng Chín. Điều này sẽ giúp Chính phủ có năng lực để huy động công cụ cũng như ban hành các chính sách phù hợp để kịp thời ứng phó với các diễn biến của đại dịch.