Theo khảo sát được công ty tiếp thị Intage Inc. thực hiện với khoảng 6.000 cửa hàng bán lẻ, doanh số bán thuốc hỗ trợ tim mạch (có tác dụng chống lại tình trạng trống ngực và các bệnh liên quan đến tim mạch khác) đã tăng 1,8 lần so với năm trước. Trong khi vitamin B1, một sản phẩm cũng được du khách nước ngoài ưa chuộng, đứng thứ 4 với mức tăng 48%.
Theo Intage, doanh số bán 2 dòng sản phẩm này đã giảm rất sâu khi đại dịch COVID-19 hoành hành khiến các nước phải hạn chế di chuyển, ảnh hưởng tới lượng khách du lịch đến Nhật Bản. Hiện nay, doanh số bán các sản phẩm này cũng phục hồi nhanh chóng khi du khách nước ngoài đến Nhật Bản tăng trở lại.
Đứng thứ 2 về doanh số bán ra các sản phẩm tiêu dùng hằng ngày tại Nhật Bản là dòng sản phẩm son môi, tăng 65% so với năm ngoái và đã phục hồi về mức tương đương 83% doanh số trước đại dịch. Sản phẩm này được sử dụng nhiều hơn nhờ các quy định bắt buộc đeo khẩu trang cũng đã được nới lỏng.
Tương tự son môi, kết quả khảo sát các siêu thị, nhà thuốc và các cửa hàng khác do Intage thực hiện trong 10 tháng đầu năm 2023 cho thấy doanh số bán phấn má và kem dưỡng môi cũng tăng. Đáng chú ý, que thử COVID-19 vẫn được quan tâm với doanh số bán ra đứng thứ 3, tăng 59% so với năm trước, trong bối cảnh số ca bệnh tăng trong mùa Hè.
Doanh số các mặt hàng dược phẩm khác cũng tăng, trong đó thuốc trị cảm cúm đứng thứ 5, thuốc trị ho đứng thứ 6, phần nào phản ánh thực trạng các ca bệnh cúm mùa và truyền nhiễm tăng. Ngược lại, các sản phẩm như nhiệt kế, khử khuẩn và khẩu trang vốn bán chạy trong thời kỳ đại dịch lại chứng kiến doanh số giảm sâu nhất, khoảng 25% đến 39%.
Ngoài ra, do nắng nóng thiêu đốt vào mùa Hè, doanh số bán các sản phẩm như kính râm, nước hoa quả và nước uống đóng chai cũng có xu hướng tăng.