Điểm sáng xuất, nhập khẩu
Tại họp báo thông tin tình hình kinh tế - xã hội quý I/2024, Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê Nguyễn Thị Hương cho biết: "Nét nổi bật, đóng góp tích cực vào kết quả chung của tăng trưởng quý I/2024, trước hết phải đề cập đến xuất, nhập khẩu. Tính chung quý I/2024, tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa đạt 178,04 tỷ USD, tăng 15,5% so với cùng kỳ năm trước, trong đó xuất khẩu tăng 17%, nhập khẩu tăng 13,9% . Cán cân thương mại hàng hóa xuất siêu đạt 8,08 tỷ USD. Đây là con số tích cực trong bối cảnh khó khăn về thương mại toàn cầu đang suy giảm".
Về mặt hàng, trong tổng số 45 mặt hàng xuất khẩu chính trong quý I/2024 có đến 35/45 (đạt 77,8%) nhóm hàng tăng so với cùng kỳ năm 2023 và chiếm đến 91,3% tổng trị giá mặt hàng xuất khẩu. Trong đó một số mặt hàng xuất khẩu chủ lực tăng mạnh so với cùng kỳ năm trước, như: Điện tử máy tính và linh kiện tăng 30,3%; Gỗ và sản phẩm gỗ tăng 18,9%. Một số mặt hàng xuất khẩu nông lâm sản có lợi thế của Việt Nam tăng trưởng tốt so với cùng kỳ như: cà phê tăng 54,2%; hạt điều tăng 20,2%; rau quả tăng 25,8%; gạo tăng 40%.
Về thị trường, đều có sự tăng trưởng khá so với cùng kỳ năm trước ở hầu hết các thị trường xuất khẩu chủ lực của Việt Nam, cụ thể như: Trung Quốc tăng 5,2%; Hoa Kỳ tăng 26%; Nhật Bản tăng 6,4%; Thị trường EU tăng 16,3%... Hoa Kỳ là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam với kim ngạch ước đạt 26,2 tỷ USD. Trung Quốc là thị trường nhập khẩu lớn nhất của Việt Nam với kim ngạch ước đạt 29,4 tỷ USD.
Tổng cục trưởng Nguyễn Thị Hương cho rằng, có được kết quả như trên là nhờ Chính phủ đã có sự chỉ đạo quyết liệt các bộ ngành, địa phương và sự quyết tâm của doanh nghiệp. Đã tận dụng được các cơ hội của các hiệp định thương mại tự do, tăng cường việc xúc tiến thương mại và quảng bá sản phẩm của Việt Nam ra thị trường quốc tế; khẳng định chất lượng hàng hóa của Việt Nam ngày càng được thế giới tin dùng. Bên cạnh đó cũng có thể thấy xu hướng cầu thế giới về một số mặt hàng của Việt Nam cũng đã bắt đầu phục hồi, đây là tín hiệu rất đáng mừng trong bối cảnh vẫn còn nhiều thách thức.
Việt Nam là điểm đến của dòng vốn FDI
Theo thông tin được Tổng cục Thống kê công bố, vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) thực hiện tại Việt Nam trong quý I/2024 ước đạt 4,63 tỷ USD, tăng 7,1% so với cùng kỳ năm trước.
"Những năm qua, mặc dù dòng vốn đầu tư thương mại và đầu tư của thế giới rất hạn hẹp, nhưng Việt Nam vẫn là điểm sáng thu hút vốn đầu tư nước ngoài, thể hiện rõ ở việc tăng liên tục qua các năm. Thu hút nhiều nguồn vốn FDI và lượng khách du lịch quốc tế tăng cũng là điểm sáng đóng góp vào tăng trưởng quý I/2024. Những con số thống kê đã thể hiện sự nỗ lực của Việt Nam trong việc kết nối với thế giới, khẳng định được vị thế và uy tín của Việt Nam trên trường quốc tế", Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê Nguyễn Thị Hương nhấn mạnh.
Tính chung quý I/2024, khách quốc tế đến Việt Nam ước đạt hơn 4,6 triệu lượt người, tăng 72% so với cùng kỳ năm trước và tăng 3,2% so với cùng kỳ năm 2019 - năm chưa xảy ra dịch Covid-19.
Theo kịch bản của Nghị quyết 01 của Chính phủ, mục tiêu tăng trưởng năm 2024 đạt từ 6%-6,5%. Trong đó, quý I có mức tăng trưởng tương ứng 5,2% và 5,6%. Như vậy, nhìn tổng thể bức tranh kinh tế, kết quả tăng trưởng quý I đạt 5,66% đang sát với kịch bản cao (5,6%).