Những bước tiến của kinh tế tư nhân - Bài 4: Để Nghị quyết 52 đi vào cuộc sống

Với lợi thế năng động, thích ứng nhanh, doanh nghiệp tư nhân bắt đầu chuyển đổi để bắt nhịp với cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, dù đang gặp những rào cản nhất định. Đồng hành cùng doanh nghiệp, Nghị quyết số 52 - NQ/TW về một số chủ trương, chính sách chủ động tham gia cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư (Nghị quyết 52) được xem là “kim chỉ nam” cho doanh nghiệp bứt phá trong xu thế này.

Chú thích ảnh
Xe VinFast của tập đoàn Vingroup, thương hiệu xe Việt đầu tiên tại Việt Nam. Ảnh: TTXVN

Đang có những rào cản

Nghị quyết 52 đặt ra mục tiêu đến năm 2030, Việt Nam duy trì xếp hạng về chỉ số GII thuộc nhóm 40 nước dẫn đầu thế giới. Kinh tế số chiếm trên 30% GDP; năng suất lao động tăng bình quân khoảng 7,5%/năm. Đến năm 2045, Việt Nam sẽ trở thành một trong những trung tâm sản xuất và dịch vụ thông minh, trung tâm khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo thuộc nhóm dẫn đầu khu vực châu Á...

Đây là nghị quyết toàn diện, tổng thể đầu tiên của Đảng về chủ trương, chính sách của Việt Nam tham gia cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, được giới doanh nghiệp đón nhận tích cực và có những chuyển động ban .

Ông Nguyễn Đức Cường, Giám đốc Công ty TNHH Sản xuất và Thương mại Hikari Việt Nam nhìn nhận, để tận dụng những cơ hội từ Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, đòi hỏi sự quyết tâm, đam mê và yêu nghề. Doanh nghiệp phải xác định rõ mục tiêu của mình để từ đó có bước đi đầu tư công nghệ, nhân lực.

Công ty Weldcom – hiện đang là nhà cung cấp linh kiện cho Nhà máy sản xuất ô tô VinFast và một số công ty ô tô khác. Ông Hồ Hồng Thiên, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty chia sẻ kinh nghiệm, để được là nhà cung cấp, Công ty đã phải đi sâu vào giải pháp công nghệ trong cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Quá trình này được cải tiến tích lũy liên tục ở các khâu sản xuất mô-đun, vỏ khung ô tô cũng như tham gia công đoạn làm sản phẩm liên quan đến kim loại.

Còn bà Đào Thị Trang, Giám đốc Công ty cổ phần Vay mượn (vaymuon.vn) chia sẻ, công nghệ thông tin là lĩnh vực đi đầu đón làn sóng Cách mạng công nghiệp lần thứ tư. “Hoạt động trong lĩnh vực này nên chúng tôi đã thay đổi nhất định, dùng công nghệ để thay thế nhân sự, hạn chế sức người”,  bà Trang cho biết.

Song bên cạnh đó, những vấn đề về vốn, nguồn nhân lực cũng như việc đầu tư cho mặt bằng sản xuất cũng là trở ngại với doanh nghiệp. Một ví dụ được doanh nghiệp đưa ra là, để sản xuất một bộ phanh ô tô phải đầu tư cả trăm tỷ đồng cho máy móc thiết bị trong khi tiềm lực của nhiều doanh nghiệp chưa đủ mạnh.

Hiện nay, doanh nghiệp vẫn dựa vào lợi thế lao động giá rẻ vốn sẽ dần dần mất đi, nhất là trong bối cảnh Cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Thêm vào đó, việc chưa liên kết được với các doanh nghiệp lớn để có được đầu ra ổn định cũng là nguyên nhân khiến doanh nghiệp Việt còn “tự ti” khi tham gia vào cuộc cCch mạng công nghiệp lần thứ tư.

"Doanh nghiệp Việt Nam cần có sự đầu tư và liên danh, liên kết tạo thành chuỗi gia công đáp ứng yêu cầu của khách hàng; tăng cường hợp tác thì mới có thể tận dụng được thế mạnh của nhau để đi vào chuyên môn hóa. Như thế, doanh nghiệp mới có thể sẵn sàng tham gia vào cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư", ông Nguyễn Quang Vinh, Công ty TNHH Vật liệu Tầm Nhìn Việt nói.

Đưa Nghị quyết 52 vào cuộc sống

Cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư mở ra cho doanh nghiệp nhiều cơ hội để mở rộng sản xuất, đầu tư công nghệ song việc thực thi thể chế và đồng hành của chính sách ra sao để đưa Nghị quyết 52 vào cuộc sống là điều họ mong mỏi, nhất là với doanh nghiệp vừa và nhỏ.

Ông Nguyễn Văn Kết, Giám đốc Công ty Cơ khí SKD Việt Nam cho hay, Nghị quyết 52 có ý nghĩa rất quan trọng, nhưng quan trọng hơn là việc triển khai Nghị quyết để tận dụng được những cơ hội của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, tạo ra những động lực mới và tạo tiềm năng thúc đẩy phát triển kinh tế.

Chỉ rõ hơn, ông Kết cho rằng, các quy định phải rõ ràng, linh hoạt và tạo thuận lợi để doanh nghiệp vươn lên. Việc thực hiện Nghị quyết 52 ra sao, hỗ trợ được doanh nghiệp những gì và đường hướng phát triển trong chủ trương, chính sách… phải được làm rõ để tránh việc thiếu minh bạch.

Ngoài câu chuyện về vốn, đất đai nhà xưởng thì các chính sách về thuế, hỗ trợ đào tạo, công nghệ, nhân lực cho Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư… cũng rất quan trọng.

Việt Nam hiện đang có những rào cản nhất định về thể chế để cải thiện trình độ khoa học công nghệ cho doanh nghiệp. “Hiện nay, theo quy định, doanh nghiệp công nghệ cao được hưởng rất nhiều ưu đãi nhưng muốn hưởng được những ưu đãi này còn gặp trở ngại”, ông Đàm Bạch Dương, Vụ trưởng Vụ Công nghệ cao, Bộ Khoa học và Công nghệ cũng thừa nhận.

Song ông Dương cũng cho biết thêm, trên cơ sở đề xuất của doanh nghiệp, các bộ ngành sẽ có những giải pháp chính sách phù hợp tháo gỡ cho doanh nghiệp công nghệ để họ là động lực cho lực lượng doanh nghiệp trong Cách mạng công nghiệp lần thứ tư.

Bộ Khoa học Công nghệ cũng xây dựng các phương án theo tinh thần Nghị quyết 52, cụ thể xây dựng và trình Chính phủ ban hành chiến lược về doanh nghiệp công nghệ, tiếp tục chương trình về đổi mới sáng tạo khởi nghiệp, chương trình khoa công nghệ cấp quốc gia... để hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư.

Có ý kiến ví von rằng trong cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư người ta hay đo lường bằng tốc độ, sự thay đổi rất nhanh. Chính vì vậy, thể chế, chính sách cũng phải thực sự linh hoạt, tiến kịp cùng với sự thay đổi của công nghệ và các loại mô hình kinh doanh mới.

TS. Trần Toàn Thắng, Trưởng Ban Dự báo kinh tế ngành và Doanh nghiệp, Trung tâm Thông tin và Dự báo Kinh tế xã hội Quốc gia nhận định rằng, làn sóng công nghệ nào cũng cần Nhà nước tạo ra môi trường để thúc đẩy doanh nghiệp đầu tư đổi mới công nghệ. Những điều này có thể làm doanh nghiệp hiện thực hoá được hay bỏ lỡ cơ hội trong cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Và tất nhiên, ngoài nỗ lực từ Nhà nước, cần có sự vào cuộc và chia sẻ của các doanh nghiệp.

Bài cuối: "Hạt nhân" gắn kết người lao động và doanh nghiệp

Trần Trung (TTXVN)
Những bước tiến của kinh tế tư nhân - Bài 3: Tạo môi trường kinh doanh minh bạch
Những bước tiến của kinh tế tư nhân - Bài 3: Tạo môi trường kinh doanh minh bạch

Đảng và Nhà nước đã có nhiều chính sách đột phá, thể hiện quan điểm, nhận thức đổi mới về kinh tế tư nhân đưa khu vực kinh tế này ngày càng phát triển, đóng góp vai trò quan trọng cho nền kinh tế.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN