Những bước tiến của kinh tế tư nhân - Bài 1: Bước đột phá tư duy

Lịch sử 90 năm phát triển của Đảng Cộng sản Việt Nam ghi nhận những bước đột phá trong tư duy phát triển. Một trong những bước tiến lớn về nhận thức, bước đổi mới tư duy của Đảng phải kể đến đó là đưa kinh tế tư nhân thành động lực quan trọng của nền kinh tế.

Chú thích ảnh
Nhà máy Thaco Mazda của Công ty Cổ phần ô tô Trường Hải. Ảnh: Thống Nhất/TTXVN

Qua từng thời kỳ Đại hội Đảng, sự tồn tại và phát triển cũng như vai trò của khu vực kinh tế tư nhân dần được khẳng định và nhấn mạnh tầm quan trọng. Nhìn lại quá trình nhận thức về kinh tế tư nhân từ Đại hội VI của Đảng đến nay, Đảng đã luôn chú trọng đến phát triển khu vực kinh tế này.

Bước tiến lớn về nhận thức

Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ VI (năm 1986) đã đề ra đường lối đổi mới, với chủ trương đa dạng hoá các loại hình sở hữu, phát triển nền kinh tế hàng hoá nhiều thành phần từ mô hình kinh tế đơn thành phần là nhà nước.

Đảng thừa nhận kinh tế thị trường là phương thức phát triển kinh tế năng động nhất mà nhân loại đã tìm ra, là sản phẩm của nền văn minh nhân loại, chứ không phải chỉ là sản phẩm riêng của chủ nghĩa tư bản. Đây là bước ngoặt về đổi mới tư duy của Đảng, mở đường cho đất nước phát triển, để người dân thực hiện quyền tự do kinh doanh.

Tuy nhiên, từ chỗ kỳ thị kinh tế thị trường chuyển sang thừa nhận và phát triển kinh tế thị trường, Việt Nam không tránh khỏi tình trạng “rón rén”, “dò đá qua sông” khi phát triển kinh tế tư nhân trong nước, nhất là doanh nghiệp tư nhân.

Đến Đại hội VII, đặc biệt từ Hội nghị Trung ương 2, Khóa VII (1992) kinh tế tư nhân đã được coi trọng và khuyến khích phát triển “không hạn chế về quy mô và địa bàn hoạt động trong những lĩnh vực mà pháp luật không cấm”.

Kể từ đó, qua các Đại hội IX, X, XI, XII, vấn đề phát triển kinh tế tư nhân nhiều lần được đưa ra thảo luận. Chủ trương “Hoàn thiện cơ chế chính sách tạo thuận lợi phát triển mạnh kinh tế tư nhân ở hầu hết các ngành và lĩnh vực kinh tế, trở thành một động lực quan trọng của nền kinh tế” được chỉ rõ.

Đại hội IX của Đảng (năm 2001) khẳng định: “Kinh tế thị trường định hướng XHCN có nhiều hình thức sở hữu, nhiều thành phần kinh tế; trong đó, kinh tế nhà nước giữ vai trò chủ đạo; kinh tế nhà nước cùng với kinh tế tập thể ngày càng trở thành nền tảng vững chắc”.

Đại hội quyết định “Khuyến khích phát triển kinh tế tư bản tư nhân rộng rãi trong những ngành, nghề sản xuất, kinh doanh mà pháp luật không cấm. Tạo môi trường kinh doanh thuận lợi về chính sách, pháp lý để kinh tế tư bản tư nhân phát triển trên những định hướng ưu tiên của Nhà nước, kể cả đầu tư ra nước ngoài; khuyến khích chuyển thành doanh nghiệp cổ phần, bán cổ phần cho người lao động, liên doanh, liên kết với nhau, với kinh tế tập thể và kinh tế nhà nước. xây dựng quan hệ tốt giữa chủ doanh nghiệp và người lao động”.

Cụ thể hóa quan điểm của Đại hội IX, Hội nghị lần thứ 5 ban Chấp hành Trung ương khóa IX (năm 2002) thông qua Nghị quyết số 14-NQ/TW, ngày 18/3/2002 "Về tiếp tục đổi mới cơ chế, chính sách, khuyến khích và tạo điều kiện phát triển kinh tế tư nhân". Đây là lần đầu tiên kể từ khi đổi mới, Trung ương có một nghị quyết chuyên đề về kinh tế tư nhân.

Trên cơ sở nhận định về thực trạng kinh tế tư nhân, Nghị quyết Hội nghị Trung ương 5 khóa IX thống nhất chủ trương và đề ra các giải pháp cụ thể nhằm tạo môi trường kinh doanh thuận lợi về chính sách, pháp lý và tâm lý xã hội để các doanh nghiệp của tư nhân phát triển rộng rãi trong những ngành, nghề sản xuất, kinh doanh mà pháp luật không cấm, không hạn chế về quy mô, nhất là trên những định hướng ưu tiên của Nhà nước.

Tại Đại hội X (năm 2006), Đảng có những khẳng định mới về vai trò của kinh tế tư nhân khi coi kinh tế tư nhân là bộ phận cấu thành không thể thiếu, có vị trí quan trọng đặc biệt và ý nghĩa chiến lược trong nền kinh tế thị trường định hướng XHCN; đồng thời, khuyến khích thành phần kinh tế này phát triển mạnh mẽ hơn nữa trong những năm tiếp theo của công cuộc đổi mới đất nước.

Đại hội XI của Đảng (năm 2011) tiếp tục xác định phải hoàn thiện cơ chế, chính sách để phát triển mạnh kinh tế tư nhân trở thành một trong những động lực của nền kinh tế. Có thể thấy, quan niệm coi kinh tế tư nhân là “một trong những động lực của nền kinh tế” trong 2 kỳ Đại hội X và XI phản ánh bước tiến mới trong tư duy của Đảng về vị trí, vai trò của kinh tế tư nhân trong nền kinh tế Việt Nam.

Tại Đại hội XII (năm 2016), Đảng tiếp tục khẳng định kinh tế tư nhân là một động lực quan trọng của nền kinh tế. Văn kiện Đại hội XII nhấn mạnh việc: “Hoàn thiện cơ chế, chính sách khuyến khích, tạo thuận lợi phát triển mạnh kinh tế tư nhân ở hầu hết các ngành và lĩnh vực kinh tế, trở thành một động lực quan trọng của nền kinh tế”. 

Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương 4 khóa XII tiếp tục xác định rõ việc phát triển mạnh khu vực kinh tế tư nhân Việt Nam cả về số lượng, chất lượng, thực sự là một động lực quan trọng trong phát triển kinh tế.

Luật Doanh nghiệp có hiệu lực từ năm 2000 đã tạo ra cuộc bùng nổ lần thứ hai trong phát triển kinh tế tư nhân. Tuy nhiên, sau hơn 30 năm Đổi mới, đến tháng 6/2017, lần đầu tiên Ban chấp hành Trung ương (khóa XII) ban hành Nghị quyết 10-NQ/TW “Phát triển kinh tế tư nhân trở thành một động lực quan trọng của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa”.

Có thể nói, chưa bao giờ kinh tế tư nhân lại được Đảng, Nhà nước quan tâm như hiện nay. Việc lần đầu tiên một nghị quyết riêng về phát triển kinh tế tư nhân được ban hành là dấu ấn lớn, là kết quả của quá trình thay đổi nhận thức, đột phá tư duy qua các thời kỳ.

Triển khai nghị quyết của Đảng, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết 98-NQ/CP, ngày 3/10/2017 về Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết số 10-NQ/TW. Trong hơn 2 năm qua, với tinh thần đồng hành cùng doanh nghiệp, cả hệ thống chính trị đã vào cuộc quyết liệt hỗ trợ kinh tế tư nhân phát triển. Theo đó, nhiều cơ chế, chính sách đã được ban hành và nhiều giải pháp đã được triển khai để cải thiện môi trường kinh doanh và tháo gỡ kịp thời các khó khăn, vướng mắc góp phần phát triển kinh tế tư nhân theo đúng chủ trương, đường lối của Đảng.

Những dẫn chứng trên cho thấy sự xác nhận thành phần kinh tế tư nhân trong nền kinh tế đất nước là cả quá trình nhận thức của Đảng, phù hợp với xu thế phát triển của nhân loại và tình hình thực tế của đất nước, hoàn toàn đúng với chủ trương phát triển nền kinh tế thị trường, định hướng xã hội chủ nghĩa, phù hợp với quan điểm phát huy nội lực để xây dựng và bảo vệ Tổ quốc của Đảng. Đây chính là thành quả của sự đổi mới tư duy lãnh đạo kinh tế của Đảng, là sự nỗ lực của khu vực kinh tế tư nhân.

Phát huy vai trò “rường cột”

Những quan điểm, đường lối của Đảng về phát triển kinh tế tư nhân đã đóng góp lớn vào sự phát triển chung của nền kinh tế. Tại phiên chất vấn của Kỳ họp lần thứ 8 Quốc hội khóa XIV, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã khẳng định: Đảng, Nhà nước coi kinh tế tư nhân là một trong những động lực quan trọng phát triển đất nước, thể hiện rõ qua việc Ban Chấp hành Trung ương đã ban hành nghị quyết về phát triển kinh tế tư nhân.

“Chúng ta vui mừng Việt Nam đã có trên 800.000 doanh nghiệp tư nhân. Các địa phương đã chỉ đạo phát triển kinh tế tư nhân, các cấp, các ngành có liên quan được giao chương trình hành động để phát triển kinh tế tư nhân. Kinh tế tư nhân đã đóng góp khoảng 40% GDP của cả nước. Có nhiều tập đoàn tư nhân đổi mới khoa học, công nghệ, đầu tư những sản phẩm có chất lượng cao, giá trị gia tăng cao, ứng dụng một số tiến bộ kỹ thuật mới trong phát triển. Đảng, Nhà nước hoan nghênh phát triển kinh tế tư nhân và tạo mọi điều kiện để tiếp tục phát triển kinh tế tư nhân”, Thủ tướng nhấn mạnh.

Thực tế cho thấy, tại Việt Nam, các tập đoàn kinh tế tư nhân ngày càng khẳng định vai trò và đóng góp to lớn cho nền kinh tế, trở thành mũi nhọn tại một số lĩnh vực kinh tế như: du lịch, chế biến thực phẩm, công nghệ viễn thông... Điển hình trong đó là Vingroup, Sun Group, Thaco, Masan, FPT… Các tập đoàn này không chỉ dẫn đầu ở các lĩnh vực hoạt động trong nước, mà đã và đang xây dựng, phát triển thành công những sản phẩm, công trình mang tầm vóc khu vực và thế giới, giúp thăng hạng vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế.

Mặc dù đã có sự phát triển vượt bậc, nhưng những đóng góp của kinh tế tư nhân vẫn chưa đạt được như kỳ vọng của Đảng, Nhà nước và toàn dân. Khu vực kinh tế tư nhân vẫn chưa phát huy hết được tiềm năng của mình để thực sự đóng vai trò là một động lực quan trọng của nền kinh tế, đặc biệt trong bối cảnh cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đang diễn ra mạnh mẽ. Khu vực kinh tế tư nhân của Việt Nam vẫn thiếu vắng một lực lượng doanh nghiệp “đầu tàu” đủ mạnh để có thể dẫn dắt “đoàn tàu” doanh nghiệp Việt Nam tham gia chuỗi sản xuất, chuỗi giá trị trong nước và quốc tế.

Nhìn ra thế giới, các nền kinh tế mạnh đều dựa vào những doanh nghiệp tư nhân dẫn đầu. Hàn Quốc, từ một quốc gia nghèo nàn, lạc hậu đã lột xác với “Kỳ tích sông Hàn” nhờ các tập đoàn tư nhân lớn hay siêu lớn. Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc trong những lần gặp gỡ doanh nghiệp, doanh nhân đều nhắn gửi một thông điệp rằng, nền kinh tế Việt Nam chỉ có thể hùng mạnh khi có những doanh nghiệp đủ năng lực cạnh tranh toàn cầu. Chính vì vậy, các chuyên gia cũng cho rằng cần xây dựng và phát triển các tập đoàn kinh tế tư nhân mạnh có vai trò dẫn dắt nền kinh tế.

TS Phan Đức Hiếu, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu và quản lý kinh tế Trung ương cho rằng, Chính phủ cần ban hành cơ chế, chính sách kiến tạo để phát triển các tập đoàn kinh tế tư nhân mạnh; tạo điều kiện để doanh nghiệp tư nhân lớn và lớn được. Chính phủ cần tạo dựng môi trường thuận lợi, xây dựng, khuyến khích hình thành và phát triển các trung tâm đổi mới sáng tạo và start up, hướng dẫn và đào tạo, nâng cao năng lực quản lý, năng lực tổ chức sản xuất, năng lực tiếp nhận và áp dụng công nghệ mới nhằm tạo ra một làn sóng khởi nghiệp và tinh thần doanh nghiệp mạnh mẽ trong xã hội.

Theo TS Lê Duy Bình, chuyên gia kinh tế, cần có một chính sách khẳng định rõ ràng về việc các doanh nghiệp tư nhân trong nước sẽ là trụ cột của nền kinh tế quốc dân và của năng lực cạnh tranh quốc gia. Trong nội bộ khu vực doanh nghiệp, cần có các biện pháp chính sách nhằm thúc đẩy quá trình tái phân bổ nguồn lực giữa những khu vực doanh nghiệp có khả năng sử dụng nguồn lực (vốn, lao động, đất đai) hiệu quả hơn.

Đất nước đang bước vào giai đoạn mới với kỷ nguyên của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư và quá trình hội nhập kinh tế quốc tế ngày càng sâu rộng. Ở giai đoạn mới đòi hỏi vai trò của kinh tế tư nhân cần được phát huy hơn nữa đóng góp nhiều hơn cho nền kinh tế. Trước những cơ hội và thách thức mà cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đặt ra đối với kinh tế tư nhân cần phải có những giải pháp để tận dụng tối đa các cơ hội và vượt qua những thách thức, khó khăn góp phần đẩy mạnh kinh tế tư nhân.

Để phát huy được vai trò của khu vực tư nhân trong bối cảnh cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, theo TS Đặng Đức Anh, Phó Giám đốc Trung tâm Thông tin và Dự báo Kinh tế - xã hội Quốc gia cho rằng, Chính phủ cần tiếp tục có các chính sách hỗ trợ kinh tế tư nhân đổi mới sáng tạo, hiện đại hoá công nghệ và phát triển nguồn nhân lực, nâng cao năng suất lao động.

Thực hiện giải pháp này chính là khuyến khích, tạo mọi cơ hội cho doanh nghiệp tư nhân tiếp cận và ứng dụng công nghệ tiên tiến trong sản xuất kinh doanh. Chính phủ cần khuyến khích các cơ sở khoa học, các nhà quản lý, các nhà khoa học liên kết với doanh nghiệp trong việc đào tạo nguồn nhân lực cho các doanh nghiệp và chuyển giao công nghệ mới, tiên tiến cho doanh nghiệp.

Nhiều chuyên gia đánh giá, việc cải thiện tốt năng lực và năng suất lao động, khả năng cạnh tranh là những điểm then chốt mà các doanh nghiệp cần hướng tới trong cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư. TS Lê Xuân Sang, Viện phó Viện Kinh tế Việt Nam cho rằng, bên cạnh các chính sách hỗ trợ của Nhà nước, bản thân các doanh nghiệp cũng cần đẩy mạnh đầu tư, phát triển nghiên cứu khoa học - công nghệ, xây dựng nguồn nhân lực có chất lượng cao nắm bắt được công nghệ hiện đại. Các doanh nghiệp cũng cần nghiên cứu phát triển, ứng dụng khoa học, công nghệ; mua bán, chuyển giao các sản phẩm khoa học, công nghệ mới…

Cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư ảnh hưởng sâu rộng đến đời sống kinh tế - xã hội, mang đến nhiều cơ hội nhưng đồng thời cũng đặt ra nhiều thách thức cho lĩnh vực kinh tế tư nhân. Nếu không tận dụng được, cơ hội sẽ qua đi, đồng thời làm gia tăng khó khăn và thách thức.

Bài 2: Tiếp tục trợ lực cho kinh tế tư nhân

Quốc Huy (TTXVN)
Bên lề kỳ họp thứ 8, Quốc hội khoá XIV: Tạo được niềm tin của khu vực kinh tế tư nhân
Bên lề kỳ họp thứ 8, Quốc hội khoá XIV: Tạo được niềm tin của khu vực kinh tế tư nhân

Theo các đại biểu Quốc hội, để tạo thêm sức bật cho việc tăng trưởng kinh tế thời gian tới cần phải tiến hành cải cách thể chế, tạo niềm tin và môi trường cạnh tranh tốt cho các doanh nghiệp tư nhân.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN