Lãnh đạo một số doanh nghiệp tư nhân chia sẻ với phóng viên Thông tấn xã Việt Nam những đánh giá về chủ trương của Đảng trong phát triển kinh tế tư nhân, đóng góp của khu vực kinh tế này với sự phát triển của đất nước.
Bà Hương Trần Kiều Dung, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Tập đoàn FLC:
Nhiều chính sách đột phá
Những năm qua, Đảng và Nhà nước đã có nhiều chính sách đột phá, thể hiện quan điểm, nhận thức đổi mới về kinh tế tư nhân mà trọng tâm là Nghị quyết 10-NQ/TW về phát triển kinh tế tư nhân trở thành một động lực quan trọng của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa (Nghị quyết 10-NQ/TW).
Sau hơn hai năm thực thi với sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị từ Trung ương đến địa phương, có thể nói Nghị quyết 10-NQ/TW đã tiếp tục mở đường, đưa kinh tế tư nhân trở thành một khu vực năng động, sáng tạo, giàu năng lực cạnh tranh và có tác động mạnh mẽ tới toàn bộ nền kinh tế.
Một trong những thay đổi rõ rệt nhất đó là việc các doanh nghiệp tư nhân ngày càng tham gia sâu vào những lĩnh vực trọng điểm mà trước đây gần như vắng bóng, chỉ có doanh nghiệp nhà nước hoặc doanh nghiệp FDI tham gia.
Những dự án quy mô hàng nghìn tỷ đồng tư nhân thực hiện trên nhiều lĩnh vực quan trọng như du lịch, hàng không, công nghiệp chế tạo… đã và đang đóng vai trò quan trọng cho tăng trưởng bứt phá của kinh tế Việt Nam những năm gần đây. Điều này cho thấy các doanh nghiệp tư nhân hoạt động năng động, hiệu quả hoàn toàn có đủ khả năng cạnh tranh và phát triển bền vững trong hầu hết các lĩnh vực của nền kinh tế.
Đơn cử như FLC, thông qua chuỗi quần thể nghỉ dưỡng, sân golf tiêu chuẩn quốc tế và mạng bay kết nối các thị trường du lịch tiềm năng trong và ngoài nước của Bamboo Airways, chúng tôi đang hình thành một hệ sinh thái sản phẩm, dịch vụ đồng bộ, để đáp ứng nhu cầu ngày càng gia tăng của người dân, du khách.
Trong hệ sinh thái đó, việc phát triển gắn kết chặt chẽ giữa du lịch và hàng không không chỉ góp phần quảng bá rộng rãi thương hiệu du lịch Việt Nam ra quốc tế mà còn thực hiện hiệu quả chính sách “mở cửa bầu trời”, nhằm nhanh chóng phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn như mục tiêu mà Đảng và Chính phủ đã hướng tới trong các năm gần đây.
Nhìn từ thực tiễn hoạt động kinh doanh của một doanh nghiệp tư nhân hoạt động đa ngành, chúng tôi nhận thấy hiện vẫn còn một số vướng mắc cần sự hỗ trợ của Đảng, Chính phủ để tạo lập môi trường kinh doanh minh bạch, thuận lợi cho khu vực kinh tế tư nhân.
Những bất cập của thủ tục hành chính vẫn là một gánh nặng lớn đối với doanh nghiệp. Mặc dù vấn đề cải cách thủ tục hành chính đang được Chính phủ đặc biệt quan tâm với rất nhiều chính sách cắt giảm điều kiện kinh doanh, nhưng trên thực tế chúng tôi thấy có nhiều thủ tục vẫn còn tồn tại hiện tượng chỉ cắt giảm về số lượng nhưng thời gian thực hiện thì không thay đổi, thậm chí có những thủ tục còn kéo dài hơn do vướng quy trình nội bộ.
Chúng tôi tổng hợp bình quân để lấy một văn bản trả lời từ các bộ, ngành thì mất tới vài tháng, thậm chí có khi phải cả năm. Thực trạng này đang cản trở rất lớn đến chủ trương cải cách hành chính của Chính phủ cũng như hiệu quả kinh doanh của doanh nghiệp.
Hệ thống pháp luật cũng còn nhiều quy định chưa rõ ràng, thiếu nhất quán, chứa đựng mâu thuẫn giữa quy định của pháp luật với những văn bản dưới luật, khiến cho cả cơ quan nhà nước và chính quyền địa phương đều gặp nhiều khó khăn, lúng túng trong việc hướng dẫn nhà đầu tư triển khai dự án, dẫn đến làm giảm tính cạnh tranh của môi trường kinh doanh và cơ hội đầu tư của doanh nghiệp.
Bên cạnh đó, Chính phủ cũng chưa có những giải pháp cụ thể để tạo hành lang phát triển cho những doanh nghiệp tư nhân lớn, đặc biệt là doanh nghiệp có chiến lược đầu tư trong các lĩnh vực mũi nhọn, để họ có thể đóng góp tối đa vào sự đi lên bền vững của nền kinh tế.
Ví dụ, Luật Đầu tư chưa có ưu đãi hợp lý cho các doanh nghiệp khi đầu tư vào lĩnh vực du lịch, đặc biệt là các dự án quy mô lớn. Như các dự án nghỉ dưỡng của FLC có quy mô từ vài trăm đến vài ngàn hecta, sở hữu hàng trăm hạng mục nhưng chúng tôi phải đi xin giấy phép xây dựng cho từng hạng mục nhỏ, tốn rất nhiều thời gian. Thậm chí có khi mất vài năm chỉ cho vấn đề thủ tục. Điều này có thể làm giảm sự thu hút đầu tư của khối tư nhân vào những lĩnh vực mà Chính phủ xác định là mũi nhọn.
Sự bất bình đẳng giữa doanh nghiệp tư nhân và doanh nghiệp nhà nước hoặc doanh nghiệp FDI đôi khi vẫn còn hiện diện. Để giải quyết vấn đề này, chúng tôi rất hy vọng môi trường kinh doanh của Việt Nam sẽ tiếp tục có những thay đổi mang tính chiến lược, như: tiếp tục bãi bỏ độc quyền, đặc quyền ở các lĩnh vực không còn cần thiết phải giữ thế độc quyền của doanh nghiệp Nhà nước; đảm bảo cơ chế kinh tế thị trường giữ vai trò quyết định trong việc huy động và phân bổ các nguồn lực để doanh nghiệp tư nhân và Nhà nước có thể cùng nhau phát triển.
Ông Ngô Minh Hải, Chủ tịch Hội đồng quản trị Tập đoàn TH:
Thêm các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp và nông dân
Thời gian qua, Đảng và Nhà nước đã có nhiều chính sách hỗ trợ để “cởi trói” cho các doanh nghiệp phát triển, đặc biệt là tập đoàn lớn, doanh nghiệp tư nhân. Đây cũng là động lực để các doanh nghiệp tư nhân mạnh dạn đầu tư mở rộng sản xuất, tạo ra các sản phẩm tốt.
Tuy nhiên, vẫn còn nhiều doanh nghiệp gặp khó khăn, nhất là đối với những doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp vẫn còn khó khăn khi tiếp cận đất đai, nguồn vốn, công nghệ...
Thực tế, Tập đoàn TH đã đầu tư rất lớn cho việc sản xuất công nghệ cao nhưng việc hưởng lợi từ các chính sách của Nhà nước vẫn còn gặp nhiều vướng mắc. Nhưng Tập đoàn TH vẫn luôn kiên định với con đường đã chọn và đang phát triển đúng hướng.
Tôi cho rằng, để doanh nghiệp tư nhân phát triển mạnh hơn nữa cần có thêm các thay đổi về cơ chế chính sách của Nhà nước.
Bên cạnh đó, các chính sách của Nhà nước cũng cần quan tâm hơn đến người nông dân, bởi họ là những người trực tiếp sản xuất. Thời gian qua, chúng ta cũng đã nói rất nhiều về việc người nông dân phải được chú trọng và quan tâm nhiều nhất. Nhưng cho đến bây giờ những nông hộ có hợp tác với Tập đoàn TH trong chuỗi sản xuất vẫn tự lực cánh sinh là chính. Và người nông dân chỉ dựa vào doanh nghiệp để hợp tác làm ăn, trong khi đó, họ vẫn chưa được hưởng lợi nhiều từ các chính sách của Nhà nước.
Bài 4: Để Nghị quyết 52 đi vào cuộc sống