Những áp lực từ việc FED tăng lãi suất USD

Về lâu dài, tăng lãi suất ảnh hưởng mạnh nhất đến các doanh nghiệp xuất khẩu có khoản vay lớn tính bằng đồng USD. Vì tỷ giá tăng đồng nghĩa các doanh nghiệp phải gánh thêm chi phí vốn vay vào hoạt động sản xuất kinh doanh trong kỳ.

Trong 2 ngày 16 và 17/12 Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) họp bàn về việc tăng lãi suất cơ bản nhằm kích thích nền kinh tế Mỹ. Theo dự đoán của nhiều chuyên gia, FED có khả năng tăng lãi suất hiện đang ở mức rất thấp gần 0%, thêm 0,25%. Để hiểu rõ hơn về ảnh hưởng của việc này FED đến thị trường Việt Nam, PV báo Tin Tức đã trao đổi với TS Bùi Quang Tín, Khoa quản trị kinh doanh Đại Học Ngân hàng TP Hồ Chí Minh,

Doanh nghiệp xuất nhập khẩu bị ảnh hưởng mạnh

TS Bùi Quang Tín, Khoa quản trị kinh doanh Đại học Ngân hàng TPHCM.

Theo TS Tín, trong trường hợp FED tăng lãi suất lên 0,25% thì vẫn không thể ngay lập tức  tác động lên thị trường tài chính toàn cầu, trong đó có Việt Nam. Bởi lãi suất mà Mỹ dự kiến tăng lần này là lãi suất cơ bản và đây chỉ là lãi suất tham chiếu cho hệ thống ngân hàng tại Mỹ. Các ngân hàng  tại Mỹ và trên thế giới có tăng lãi suất đồng USD không còn tuỳ thuộc vào nhiều yếu tố khác, như cung cầu USD trên thị trường, rủi ro…

Nhưng về lâu dài, tác động của việc tăng lãi suất này ảnh hưởng mạnh nhất đến các doanh nghiệp xuất khẩu có khoản vay lớn tính bằng đồng USD. Vì tỷ giá tăng đồng nghĩa các doanh nghiệp phải gánh thêm chi phí vốnvay vào hoạt động sản xuất kinh doanh trong kỳ. Bên cạnh đó, lợi suất đầu tư của các nhà đầu tư khối ngoại bị ảnh hưởng đáng kể sau khi có quyết định điều chỉnh tỷ giá.

Ngoài ra, tăng lãi suất cũng khiến giá đồng USD tăng trên thị trường thế giới, kéo theo đồng tiền các nước khác bị mất giá, trong đó có Việt Nam. Theo TS Tín, đây sẽ là áp lực lên chính sách tỷ giá nói riêng và chính sách tiền tệ nói chung của Việt Nam trong 2016 và các năm tiếp theo. Nhưng mức độ tác động bao nhiêu thì cần xem xét thêm tổng hợp các yếu tố khác của nền kinh tế trong thời gian tới.

Chưa nên phá giá VNĐ theo FED

Cũng theo TS Tín, mặc dù tỷ giá USD có tác động mạnh đến doanh nghiệp xuất khẩu thì Việt Nam vẫn chưa nên phá giá tiền VNĐ ngay thời điểm này. Việc tiếp tục phá giá VNĐ sẽ giúp hàng hoá của Việt Nam tăng tính cạnh tranh trên thị trường quốc tế trong dài hạn, giảm tâm lý găm giữ ngoại tệ, doanh nghiệp tiếp cận dễ dàng hơn với nguồn cung,… nhưng chúng ta sẽ gặp nhiều thiệt thòi nếu phá giá quá mức.

Thực tế cho thấy, Việt Nam vừa tạo lập được thế ổn định của thị trường tiền tệ sau nhiều năm có những bất ổn của kinh tế vĩ mô, đồng thời tỷ giá hối đoái đã được duy trì ổn định. Chúng ta nên tiếp tục như vậy trong vài năm tới. Số liệu của Tổng cục thống kê cho thấy, xuất khẩu vẫn tiếp tục tăng trưởng cao trong nhiều năm qua khi tỷ giá được điều hành ổn định như hiện nay.

Theo cập nhật tại Đồng hồ nợ công thế giới, tính tại thời điểm ngày 30/10/2015, nợ công Việt Nam đã ở mức hơn 93 tỷ USD, chiếm tỉ lệ 45,9% GDP. Trong khi đó, Bộ Tài chính công bố tỷ lệ nợ công cuối năm nay vào khoảng 61,3% GDP. Nếu phá giá VNĐ quá mức cần thiết thì sẽ làm cho gánh nặng nợ công quy ra VNĐ sẽ ngày càng cao. Trong khi đó, nguồn thu về của nền kinh tế khi phá giá thì chưa rõ ràng và thường có tác động trong dài hạn.

Ngoài ra, Việt Nam nhập khẩu nguyên vật liệu, trang thiết bị ngày càng nhiều để phục vụ cho phát triển, đặc biệt là nhập khẩu để phục vụ cho việc xuất khẩu hàng hoá. Trong khi đó, hiệu quả từ việc phá giá hỗ trợ cho xuất khẩu không thể phát huy trong ngắn hạn và cũng chưa phải là yếu tố duy nhất để quyết định đến việc gia tăng xuất khẩu của Việt Nam. Như vậy, hàng hoá nhập khẩu vào Việt Nam lại trở nên đắt hơn cho doanh nghiệp và người dân Việt Nam. Việc này làm cho giá cả hàng hoá trong nước tăng theo và làm cho lạm phát gia tăng, từ đó làm ảnh hưởng đến các cân đối lớn của nền kinh tế, ví dụ như lạm phát, GDP, tỷ giá, lãi suất,…

Nên nâng lãi suất VNĐ

Với những ảnh hưởng trên, TS Bùi Quang Tín cho rằng, Ngân hàng nhà nước (NHNN) cần nâng lãi suất VNĐ thêm khoảng 0,25% - 1% cùng với việc tiếp tục cam kết giữa ổn định tỷ giá USD/VNĐ ít nhất đến cuối năm 2015.

Việc tăng lãi suất này một phần để tăng giá trị và vị thế của đồng VNĐ, phần khác là nhằm giữ được các nguồn tiền gửi USD của các tổ chức, cá nhân không rút về nước. Khi chênh lệch giữa lãi suất VNĐ và USD được nới rộng ra thêm một mức hợp lý thì nguồn tiền gửi USD sẽ không giảm đi hoặc duy trì ổn định, thậm chí vẫn tăng bất kể FED có tăng lãi suất hay không (lãi suất VNĐ tăng sẽ giúp giữ lại dòng vốn USD nước ngoài không bị rút khỏi VN), từ đó nguồn cung USD trên thị trường sẽ dồi dào trong dịp cuối năm và tâm lý đầu cơ cũng vì thế mà không còn.

NHNN có thể sử dụng các công cụ của chính sách tiền tệ để  nâng lãi suất VNĐ, như kênh thị trường mở, dự trữ bắt buộc,… “Tuy nhiên, NHNN không nên để cho lãi suất thị trường tăng quá 1% so với hiện nay, tốt nhất là chỉ nên để lãi suất tăng từ 0,25-1%, nhằm tránh gây khó khăn cho các doanh nghiệp khi tiếp cận vốn ngân hàng”, TS Tín nói.

Hải Yên
FED tăng lãi suất: Quyết định “cực chẳng đã”?
FED tăng lãi suất: Quyết định “cực chẳng đã”?

Có vẻ như việc từ bỏ chính sách nới lỏng tiền tệ hại nhiều hơn lợi cho nước Mỹ. Vậy tại sao FED vẫn quyết định tăng lãi suất, đặc biệt trong bối cảnh cuối năm nhu cầu lưu thông tiền tệ rất lớn?

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN