Công trường rực sáng trong đêm
22 giờ tối tại gói thầu số 7 trên công trường dự án cao tốc Cam Lộ - La Sơn đi qua địa bàn huyện Phong Điền, tỉnh Thừa Thiên - Huế vẫn sáng rực ánh đèn pha cùng tiếng máy chạy liên tục của xe lu, xe ủi, xe ô tô chở đất thi công xuyên đêm để kịp tiến độ. Gói thầu số 7 có chiều dài hơn 8 km, hiện nay đoạn tuyến này đã cơ bản hoàn thành việc thảm nhựa mặt đường, tuy nhiên vẫn còn gần 200 m tại đây đang thi công phần nền đường do vị trí này phát sinh nền đất yếu cần có thời gian để xử lý.
Ông Nguyễn Hữu Quyến, cán bộ kỹ thuật phụ trách gói thầu số 7 cho biết, mấy tháng trở lại đây liên doanh nhà thầu đều bố trí công nhân cùng hàng chục phương tiện máy móc thiết bị thực hiện làm 3 ca, 4 kíp liên tục ngày đêm để bù đắp lại khoảng thời gian chậm trước đây do thiếu nguồn vật liệu đất đắp cũng như ảnh hưởng thời tiết mưa lũ, dịch bệnh. Với vị trí đất nền yếu còn lại, các nhà thầu đang đẩy nhanh đắp nền và phấn đấu sẽ hoàn thành thảm lớp nhựa mặt đường C12.5 vào đầu tháng 10/2022.
“Khi làm việc buổi tối, ngoài việc hỗ trợ công nhân bữa ăn tăng ca, nhà thầu còn trả lương làm thêm theo giờ ở mức cao hơn 1,5 lần so với làm ca vào ban ngày nên anh em công nhân cũng phấn khởi quyết tâm hoàn thành khối lượng còn lại để sớm thông toàn tuyến cao tốc này”, anh Nguyễn Văn Chương, một lái xe lu, chia sẻ.
Tuyến cao tốc Cam Lộ - La Sơn có chiều dài hơn 98 km với 11 gói thầu; trong đó các gói thầu 5, 6, 7 đi qua địa bàn huyện Phong Điền, thị xã Hương Trà và thành phố Huế thời gian qua bị chậm so với tiến độ chung của dự án do nhiều nguyên nhân khác nhau.
Gói thầu số 6 có chiều dài 8,5 km, hiện đã hoàn thành thảm bê tông nhựa 2,5 km, các hạng mục cầu, cống trên tuyến cơ bản đã làm xong. Hiện nay, chiều dài còn lại của đoạn tuyến này các nhà thầu đang tập trung thi công phần móng mặt đường. Theo anh Nguyễn Dương Ngọc, chỉ huy trưởng Công ty xây dựng Thành Phát, gói thầu số 6 giai đoạn đầu bị “hụt hơi” về tiến độ do bị động thiếu nguồn vật liệu đất đắp nền đường. Trong 2 năm đầu tiên, các nhà thầu trong liên doanh chỉ đắp được khoảng 20 - 30% khối lượng, rồi chuyển qua tập trung lầm cầu, cống trên tuyến, chờ đợi các mỏ đất được cấp phép để thi công.
“Nhờ Chính phủ ban hành kịp thời một số Nghị quyết để tháo gỡ “nút thắt” về nguồn vật liệu đất đắp nên nhiều mỏ đất mới trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên - Huế được bổ sung vào khai thác phục vụ dự án từ cuối năm 2021. Đến nay, tại gói thầu số 6 đã hoàn thành cơ bản phần đắp nền đường, đang chuyển qua giai đoạn thi công phần móng mặt đường trước khi thảm nhựa.
Trên công trường, các nhà thầu trong liên doanh cũng phối hợp hỗ trợ nhau về thiết bị máy móc, phấn đấu hết tháng 9 sẽ làm xong phần móng mặt để qua tháng 10 thi công phần mặt đường bê tông nhựa. Mặc dù khó khăn lớn đã tạm qua, nhưng lo ngại nhất hiện nay là điều kiện thời tiết khi Thừa Thiên - Huế đang chuẩn bị bước vào mùa mưa, bão nên đơn vị thi công phải tranh thủ làm ngày đêm để về đích theo như yêu cầu chỉ đạo của Chính phủ”, anh Nguyễn Dương Ngọc cho biết.
Hiệp đồng về đích
Trong chuyến đi khảo sát thực tế toàn tuyến cao tốc Cam Lộ - La Sơn vào tháng đầu tháng 9/2022, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành đánh giá cao nỗ lực của tỉnh Thừa Thiên - Huế, tỉnh Quảng Trị, Bộ Giao thông vận tải, Ban quản lý dự án, đặc biệt là các nhà thầu. Đây là đoạn cao tốc có sản lượng hoàn thành cao nhất trong số 4 dự án thành phần của tuyến cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 1 dự kiến hoàn thành trong năm 2022, với sản lượng đạt trên 94% giá trị hợp đồng.
Thời gian qua, Ban quản lý Dự án đường Hồ Chí Minh (đại diện chủ đầu tư Dự án cao tốc Cam Lộ - La Sơn) đã phối hợp chặt chẽ với các nhà thầu, đơn vị tư vấn, giám sát thường xuyên bám sát công trường để cùng nhau tháo gỡ những vướng mắc phát sinh trong thực tế, tìm ra hướng giải quyết.
Anh Nguyễn Dương Ngọc, chỉ huy trưởng Công ty Xây dựng Thành Phát thi công gói thầu số 6 chia sẻ, cách đây vài tháng khi cơn “bão giá” xuất hiện đúng vào thời điểm nhà thầu đang tranh thủ thời tiết thuận lợi để tăng tốc, đã gây ra những khó khăn rất lớn cho doanh nghiệp, nhất là biến động về giá của mặt hàng xăng dầu.
“Vào giai đoạn thi công cao điểm trong tháng 6, tháng 7, thiết bị máy móc của đơn vị mỗi ngày tiêu thụ từ 5.000 - 6.000 lít dầu, trong khi giá trên thị trường vào thời điểm đó cao gấp gần 2,5 lần so với mức giá dự thầu, làm đội chi phí lên rất lớn. Tuy nhiên, thời gian gần đây nhờ các giải pháp kịp thời của Quốc hội, Chính phủ đã giúp bình ổn lại giá cả xăng dầu về mức giá như trước đây; qua đó giúp các nhà thầu thi công vơi bớt khó khăn”, anh Ngọc cho biết.
Hiện nay, hàng tháng, đại diện chủ đầu tư, đơn vị tư vấn, giám sát đều cho thành lập các đoàn đi tháo gỡ những vướng mắc về thủ tục hồ sơ, tạo điều kiện cho nhà thầu làm xong đến đâu nghiệm thu đến đó, để có nguồn vốn quay vòng phục vụ thi công.
Ông Đào Văn Tiến, chỉ huy trưởng Công ty 122 Vĩnh Thịnh thi công gói thầu số 5 cho biết, với tinh thần chia sẻ khó khăn cùng doanh nghiệp, Ban quản lý Dự án đường Hồ Chí Minh đã tạo điều kiện để giải ngân kịp thời đối với khối lượng công việc hoàn thành, giúp nhà thầu chống chịu được với đợt “báo giá” căng thẳng vừa qua, chủ động được nguồn tài chính để dốc toàn lực hoàn thành gói thầu phụ trách.
Mặc dù, khối lượng công việc còn lại của dự án cao tốc Cam Lộ - La Sơn hiện không nhiều, khoảng gần 6%. Tuy nhiên, nếu các bên không có những giải pháp cụ thể, quyết liệt sẽ ảnh hưởng đến tiến độ về đích dự án vào cuối tháng 10 như cam kết trước lãnh đạo Chính phủ.
Ông Tạ Gia Mạnh Hưng, Trưởng phòng Điều hành dự án 2, Ban quản lý Dự án đường Hồ Chí Minh kiến nghị, tỉnh Thừa Thiên - Huế cần đẩy nhanh tiến độ di dời hạ tầng kỹ thuật đường điện cao thế cũng như một số vị trí giải phóng mặt bằng phát sinh. Hiện nay, những đường gom dân sinh đã được nhà thầu thi công song song với tuyến chính; còn những tuyến đường hoàn trả, khi nhà thầu dừng vận chuyển vật liệu thi công cao tốc, Ban quản lý dự án sẽ chỉ đạo đơn vị thiết kế tiến hành khảo sát để nhà thầu thi công bàn giao dứt điểm cho địa phương.
Đoạn tuyến cao tốc Cam Lộ - La Sơn là 1 trong 11 dự án thành phần cao tốc Bắc Nam phía Đông được khởi công từ tháng 9/2019, có tổng chiều dài xây dựng là 98,35 km, đi qua địa bàn tỉnh Quảng Trị và Thừa Thiên - Huế; trong đó, đoạn tuyến của tỉnh Thừa Thiên - Huế là 66,4 km. Dự án tổng mức đầu tư khoảng 7.669 tỷ đồng từ nguồn vốn trái phiếu Chính phủ. Giai đoạn đầu, dự án được đầu tư với quy mô hai làn xe, bề rộng nền đường là 12 m, riêng các đoạn vượt xe có quy mô 4 làn xe, bề rộng nền đường là 23 m, dự kiến sẽ hoàn thành vào cuối tháng 10/2022 và đưa vào khai thác hoạt động trong tháng 11/2022. Giai đoạn hoàn chỉnh, tuyến cao tốc này sẽ có quy mô 4 làn xe, bề rộng nền đường là 23 m.