Nhiều vướng mắc trong phát triển huyện đảo Kiên Hải

Kiên Hải là một trong 2 huyện đảo của tỉnh Kiên Giang có 23 đảo nổi lớn nhỏ; trong đó dân cư sinh sống trên 11 đảo, với 4 đơn vị hành chính, gồm 4 xã: Hòn Tre, Lại Sơn, An Sơn và Nam Du.

Chú thích ảnh
Một góc xã Hòn Tre, huyện Kiên Hải. 

Trong chiến lược phát triển kinh tế - xã hội, huyện đảo Kiên Hải gặp rất nhiều khó khăn, vướng mắc về vị trí địa lý, cơ chế chính sách, thu hút đầu tư... do đó, huyện đang rất cần những giải pháp đồng bộ để tháo gỡ, tạo điều kiện thuận lợi cho Kiên Hải phát triển.

Ông Huỳnh Hoàng Sơn, Chủ tịch UBND huyện Kiên Hải chia sẻ, thực hiện chiến lược phát triển kinh tế - xã hội, Kiên Hải có những thuận lợi và khó khăn đan xen. Thuận lợi của Kiên Hải được thiên nhiên ưu đãi nhiều cảnh quan để phát triển du lịch và điều kiện môi trường sinh thái biển, đảo khai thác, nuôi trồng thủy sản. Song, Kiên Hải gặp không ít khó khăn, vướng mắc là những rào cản rất khó tháo gỡ để huyện đảo ngày càng phát triển hơn.

Chủ tịch UBND huyện Kiên Hải phân tích, địa hình huyện đảo chia cắt, xa đất liền, các đảo nằm độc lập, cách trở cho việc đi lại giữa các xã trong huyện; giữa huyện, xã với đất liền và mất nhiều thời gian. Việc lập một số quy hoạch chuyên ngành chậm so với yêu cầu như: Lập bản đồ địa chính, quy hoạch phát triển du lịch, quy hoạch xây dựng, quy hoạch nuôi trồng thủy sản…

Kiên Hải có đất rừng phòng hộ hơn 1.286 ha, chiếm 52,3% diện tích tự nhiên của huyện, nhưng quy hoạch đất rừng còn nhiều bất cập, gây khó khăn trong việc mời gọi thu hút đầu tư và đầu tư cơ sở hạ tầng kỹ thuật. Tình trạng bao chiếm, lấn chiếm đất rừng, đất công, xây dựng trái phép, không phép diễn ra ở một số nơi trên đảo khá phức tạp.

Ngoài ra, kể từ thời điểm thực hiện quy định tại Điều 79, Luật Tài nguyên, Môi trường biển và Hải đảo, giữ nguyên hiện trạng, không được phép đầu tư, xây dựng mới công trình trong phạm vi 100 m tính từ đường mực nước triều cao trung bình nhiều năm về phía đất liền hoặc về phía trong đảo thì huyện đảo Kiên Hải càng khó khăn, vướng mắc hơn. Hầu như các dự án, công trình đầu tư phát triển kinh tế - xã hội, nhất là du lịch đều “vướng”, trong trạng thái “nằm chờ”. Là huyện đảo đặc biệt khó khăn, nhưng vướng một số cơ chế, chính sách nên chưa thực sự thúc đẩy mạnh mẽ và khuyến khích đầu tư khai thác tiềm năng, lợi thế của Kiên Hải.

Cùng với đó, dự án, công trình đầu tư tại các xã đảo, huyện Kiên Hải chưa đồng bộ; cơ sở hạ tầng và các dịch vụ du lịch chưa tương xứng với tiềm năng phát triển. Hầu hết các cơ sở dịch vụ du lịch do người dân tự đầu tư quy mô nhỏ lẻ nên còn nhiều hạn chế, yếu kém về cơ sở vật chất và phương thức hoạt động; Chưa lập quy hoạch du lịch chi tiết nên chưa thu hút được các nhà đầu tư lớn vào lĩnh vực du lịch.

Chú thích ảnh
Bờ kè chắn sóng phục vụ tránh trú bão cho tàu thuyền và nuôi cá lồng bè ở đảo Hòn Tre, xã Hòn Tre, huyện Kiên Hải. 

Chủ tịch UBND huyện Kiên Hải Huỳnh Hoàng Sơn cho biết: “Năm 2018, huyện đảo Kiên Hải đón gần 271.450 lượt du khách tham quan, du lịch, cao nhất từ trước đến nay, vượt 8,5% kế hoạch, tăng gần 40% so với năm 2017. Qúy I/2019, đón hơn 70.500 lượt du khách, tăng trên 62% so với cùng kỳ, cho thấy du lịch Kiên Hải đang trên đà phát triển tích cực, tạo điều kiện nội lực thúc đẩy nhiều lĩnh vực ngành nghề khác phát triển, giải quyết việc làm cho lao động địa phương, nâng lên đời sống nhân dân. Vì vậy, nhu cầu về cơ sở hạ tầng phục vụ phát triển du lịch Kiên Hải và các lĩnh vực ngành nghề khác là rất lớn và cấp bách. Tuy nhiên, Kiên Hải rất khó khăn trong thu hút đầu tư do vướng cơ chế, chính sách, suất đầu tư cao…”

Ngoài ra, từ khi du lịch Kiên Hải phát triển đến nay, nhất là quần đảo Nam Du, Lại Sơn được công nhận khu du lịch địa phương thì du khách nhiều nơi đến, nhiều tổ chức, cá nhân trong và ngoài tỉnh đến xin dự án đầu tư, mua đất, thuê đất đầu tư làm du lịch dẫn đến giá đất tăng cao, gây áp lực, tạo thêm khó khăn trong quản lý đất đai, xây dựng trên địa bàn huyện. Mặt khác, phần lớn diện tích huyện Kiên Hải là núi đá và rừng phòng hộ nên việc chọn nơi đổ, xử lý rác thải rất nan giải, tình trạng ô nhiễm môi trường là vấn đề bức xúc của huyện đảo.

Để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, Chủ tịch UBND huyện Kiên Hải Huỳnh Hoàng Sơn nhấn mạnh, huyện thực hiện tốt sự phối hợp với các sở, ngành chức năng của tỉnh để hoàn thành việc lập bản đồ địa chính; rà soát, điều chỉnh và bổ sung quy hoạch sử dụng đất đai giai đoạn 2016 - 2020; quy hoạch về xây dựng, quy hoạch phát triển du lịch… làm cơ sở để thu hút đầu tư, triển khai các dự án đầu tư theo quy hoạch.

Bên cạnh đó, huyện nâng cao năng lực quản lý Nhà nước về quản lý, sử dụng đất đai, xây dựng, nhất là kiểm tra, xử lý nghiêm việc lấn chiếm đất đai xây dựng công trình trái phép, chuyển mục đích sử dụng đất, lấn chiếm đất rừng, mua bán đất rừng trái phép…

Huyện đảo Kiên Hải đẩy mạnh khai thác và nuôi trồng thủy sản gắn với phát triển du lịch sinh thái biển, dưới tán rừng; tạo điều kiện thuận lợi để mời gọi các nhà đầu tư tham gia đầu tư các dự án nuôi trồng thủy sản ven biển, quanh đảo, các dự án phát triển du lịch sinh thái, các dự án mở rộng không gian phát triển của các đảo Nam Du, An Sơn, Lại Sơn… Linh hoạt, vận dụng thực hiện tốt các cơ chế, chính sách của Nhà nước, của tỉnh về phát triển du lịch gắn với bảo vệ môi trường sinh thái, nhằm khai thác có hiệu quả tiềm năng, nguồn lực, thế mạnh về điều kiện tự nhiên, tài nguyên để phát triển du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn.

Trước mắt, Kiên Hải tiếp tục tranh thủ nguồn vốn chương trình biển Đông - Hải đảo đẩy nhanh tiến độ đầu tư cơ sở hạ tầng kinh tế - xã hội tại Nam Du, An Sơn; mời gọi doanh nghiệp có năng lực, kinh nghiệm đầu tư dự án lấn biển tại Củ Tron, xã An Sơn; triển khai dự án lấn biển Hòn Ngang, xã Nam Du để mở rộng không gian phát triển của đảo, giải quyết tốt hơn về đất ở, đất sản xuất, kinh doanh cho nhân dân.

Kiên Hải cũng tạo điều kiện cho các doanh nghiệp đầu tư các dự án phát triển du lịch quy mô lớn, chất lượng cao tại bãi Cây Mến (An Sơn), Hòn Mấu (Nam Du), bãi Thiên Tuế (Lại Sơn); triển khai các dự án xây dựng đường quanh đảo Nam Du, trung tâm thương mại, xử lý rác… Đầu tư máy phát điện cho An Sơn và Nam Du đảm bảo phát điện phục vụ sinh hoạt, sản xuất của nhân dân và du lịch.

Huyện khuyến khích các doanh nghiệp vận tải nâng cao chất lượng hoạt động các tuyến tàu từ thành phố Rạch Giá ra các đảo huyện Kiên Hải và ngược lại đảm bảo tốt hơn, an toàn, tiện lợi, nhanh chóng cho nhân dân, khách du lịch…

Bài và ảnh: Lê Huy Hải (TTXVN)
Đưa hàng bình ổn giá về vùng sâu, biên giới và xã đảo
Đưa hàng bình ổn giá về vùng sâu, biên giới và xã đảo

Từ ngày 13 - 26/1/2019, tỉnh Kiên Giang tổ chức 9 chuyến hàng hóa bình ổn giá về vùng sâu, biên giới và hải đảo phục vụ nhu cầu mua sắm của nhân dân dịp Tết Nguyên đán Kỷ Hợi 2019.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN