Nhiều làng nghề tạo việc làm ổn định cho lao động địa phương

Những năm gần đây, các làng nghề, cơ sở nghề nông thôn trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc đã chủ động nâng cao năng lực sản xuất, mở rộng thị trường để ổn định sản xuất, phát triển ngày càng toàn diện hơn.

Các làng nghề, cơ sở nghề nông thôn trên địa bàn tỉnh ngày càng thu hút nhiều lao động vào việc làm ổn định, đặc biệt là thu nhập lao động ở một số làng nghề tại tỉnh giờ đây đã cao bằng hoặc gần ngang bằng với lao động ở các khu công nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) với trang thiết bị công nghệ hiện đại, tiên tiến trên địa bàn tỉnh.

Chú thích ảnh
Đến xã Yên Đồng, huyện Yên Lạc những ngày chớm đông mới thấy hết không khí nhộn nhịp của làng nghề. Ảnh: vinhphuc.gov.vn

Đến làng nghề làm chăn, ga, gối, đệm xã Yên Đồng, huyện Yên Lạc những ngày đầu tháng 12/2020, có thể dễ dàng nhận thấy không khí lao động sản xuất hăng say cùng tiếng máy móc vang lên không dứt từ bên trong những khu xưởng.
 
Theo thống kê của UBND xã Yên Đồng, nghề sản xuất chăn, ga, gối, đệm ở xã hiện đã phát triển ở 8/8 thôn, với hơn 600 hộ làm nghề. Từ làng nghề sản xuất thủ công lạc hậu, đến nay,Yên Đồng đã có cả trăm doanh nghiệp, cơ sở sản xuất được đầu tư trang bị máy móc hiện đại, tạo ra những sản phẩm chất lượng, tiêu thụ ở thị trường trong và ngoài nước.
 
Nghề sản xuất chăn, ga, gối, đệm ở Yên Đồng đã giúp hàng nghìn lao động nông nhàn ở địa bàn có việc làm, thu nhập từ 5-6 triệu đồng/người/tháng và nghề này vẫn đang được các cấp chính quyền địa phương có các cơ chế hỗ trợ đầu tư, tạo mặt bằng để mở rộng sản xuất. Trên thực tế, đã có một số doanh nghiệp trả lương cho người lao động trên dưới 10 triệu đồng/tháng.

Thị trấn Yên Lạc (huyện Yên Lạc) có 4/4 thôn được công nhận làng nghề mộc truyền thống với khoảng 2.000 hộ dân làm nghề mộc thường xuyên và hàng chục doanh nghiệp liên quan tới kinh doanh sản xuất gỗ, đồ gỗ thu hút khoảng 5.000 lao động. Sản phẩm của làng nghề là các mặt hàng quen thuộc như giường, tủ, bàn ghế, cửa sổ, cửa chính...

Một số cơ sở làm nghề lớn và hộ gia đình ở thị trấn Yên Lạc những năm gần đây đã phát triển phong phú, đa dạng với sản phẩm cầu thang, ốp trần, ốp tường, sản xuất ván sàn nhà… Bên cạnh đó, nhiều hộ làm nghề dần hoạt động chuyên môn hóa vào một số sản phẩm, công đoạn nhất định, liên kết sản xuất tạo sản phẩm hoàn chỉnh.

Anh Dương Văn Tuấn ở thôn Đoài, thị trấn Yên Lạc- một người làm nghề mộc tại cơ sở của gia đình cho biết, lao động tại làng nghề mộc ở thị trấn ngày càng cao nhờ làng nghề phát triển toàn diện. Với các nhóm việc nhẹ nhàng, công việc không phức tạp người lao động trong làng nghề hiện nay được trả phổ biến 250.000 đồng/ngày; thợ có sức khỏe và có tay nghề vững mức thu nhập trên dưới 400.000 đồng/ngày và đặc biệt thợ giỏi nghề có thể thu nhập tới 1 triệu đồng/ngày.

Ông Nguyễn Kim Sơn, Bí thư Đảng ủy xã Tề Lỗ (Yên Lạc) cho biết, bên cạnh các làng nghề truyền thống thì các cơ sở ngành nghề ở nông thôn cũng phát triển mạnh, giải quyết nhiều lao động có việc làm ở nông thôn. Toàn xã Tề Lỗ hiện có hơn 540 hộ kinh doanh, buôn bán máy xúc, máy ủi; trong đó, có khoảng 300 hộ đã được quy hoạch vào cụm công nghiệp Tề Lỗ.

Nhu cầu mở rộng sản xuất, kinh doanh vẫn rất lớn và hiện còn gần 200 hộ chưa được quy hoạch vào cụm công nghiệp...Tất cả các cơ sở nghề và hộ làm nghề ở Tề Lỗ thu hút hàng ngàn lao động với mức thu nhập từ 7 đến 10 triệu đồng/tháng/người...

Bà Nguyễn Thị Kim Dinh, Phó Trưởng phòng Quản lý lao động, Ban Quản lý các Khu công nghiệp tỉnh Vĩnh Phúc cho hay, các doanh nghiệp trong các khu công nghiệp ở Vĩnh Phúc, đặc biệt các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) ở Vĩnh Phúc với trình độ khoa học công nghệ hiện đại, năng lực sản xuất tốt tăng mạnh về số lượng đã giúp người dân có công ăn việc làm, thu nhập ổn định.
 
Nếu như năm 2014, các khu công nghiệp tỉnh Vĩnh Phúc có 42.540 công nhân, thu nhập bình quân của công nhân lao động phổ thông từ 3,2-3,4 triệu đồng/người/tháng thì đến tháng 10/2020, các doanh nghiệp trong các khu công nghiệp nói chung ở Vĩnh Phúc đang hoạt động ổn định, giải quyết việc làm cho hơn 90.000 lao động và lao động phổ thông ở các khu công nghiệp hiện có thu nhập bình quân từ 7-8 triệu đồng/người/tháng. Có được điều này là do Vĩnh Phúc có hàng loạt cơ chế chính sách để thu hút đầu tư, đồng thời giải quyết công ăn việc làm cho lao động và đã đạt được những kết quả tích cực.
Thu nhập của lao động ở các làng nghề, cơ sở nghề nông thôn trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc được cải thiện, ngày càng nâng cao là những tín hiệu vui mừng, tích cực.

Tuy nhiên, đây cũng là vấn đề đòi hỏi các doanh nghiệp có vốn đầu tư trong nước và nước ngoài đang hoạt động ở các khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc cần quan tâm chăm lo đến đời sống vật chất, tinh thần, các chế độ hợp pháp chính đáng hơn nữa để thu hút thêm lực lượng lao động từ vùng nông thôn, khiến mọi công nhân lao động yên tâm làm việc, luôn xác định gắn bó với doanh nghiệp. 

Khi hàng loạt làng nghề, ngành nghề ở vùng nông thôn Vĩnh Phúc cũng rất cần lao động, nhất là lực lượng lao động trẻ, khỏe, được đào tạo về chuyên môn...người lao động đã thêm nhiều quyền lựa chọn cho mình công việc phù hợp với sở trường, mức thập theo năng lực cá nhân...

Nguyễn Trọng Lịch (TTXVN)
Làng nghề khô cá khan hiếm nguồn cá đồng
Làng nghề khô cá khan hiếm nguồn cá đồng

Nhắc về Đồng Tháp là nhắc đến mùa nước nổi – khoảng thời gian mang về nguồn tài nguyên thủy sản dồi dào, nuôi sống biết bao thế hệ con người nơi đây.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN