Thị trấn Yên Lạc có 4/4 thôn được công nhận làng nghề mộc truyền thống với khoảng 2.000 hộ làm nghề mộc thường xuyên và hàng chục doanh nghiệp kinh doanh sản xuất gỗ, thu hút khoảng 5.000 lao động. Sản phẩm của làng nghề là các mặt hàng quen thuộc như giường, tủ, bàn ghế, cửa, cầu thang, ốp trần, ốp tường, ván sàn… Các hộ và cơ sở sản xuất, kinh doanh trong làng nghề đã đầu tư, mua sắm máy cưa, máy xẻ gỗ hiện đại, lò sấy gỗ, phòng và thiết bị phun sơn; đưa vào sử dụng các thiết bị tiên tiến nhằm giải phóng sức lao động của con người, nâng cao chất lượng và tính thẩm mỹ của sản phẩm.
Nghề mộc góp phần giải quyết việc làm và tạo thu nhập ổn định cho nhiều lao động địa phương. Tuy nhiên, môi trường ở thị trấn Yên Lạc lại khá ô nhiễm. Ngày nắng nóng, mùi hóa chất, mùi sơn nồng nặc bốc lên từ nhà ra ngõ, từ những xưởng mộc nằm san sát nhau và từ những đống gỗ ngồn ngộn ven đường. Chủ các xưởng mộc đã xây tường ngăn hoặc sử dụng bạt che, vách ngăn, quạt thông gió, máy hút bụi để giảm bớt ô nhiễm Mặc dù vậy, trên thực tế, bụi gỗ và mùi sơn vẫn lan tỏa trong không khí. Thêm vào đó là rác thải mạt cưa vương vãi, chảy tràn vào cống rãnh. Ngay gần trường học ở thị trấn, hàng chục cơ sở sản xuất, kinh doanh đồ mộc hoạt động, khiến không khí các lớp học bị ô nhiễm.
Là trung tâm sản xuất đồ mộc của huyện Yên Lạc và tỉnh Vĩnh Phúc, gỗ từ các nơi đổ về thị trấn Yên Lạc nhiều vô kể. Cả thị trấn có hơn 500 đầu xe ô tô các loại. Các gia đình tận dụng mọi khoảng sân, góc nhà, lối đi, ngõ ngách, vỉa hè, bờ ruộng làm nơi tập kết gỗ, khiến không gian làng nghề càng thêm bức bối.
Bên cạnh làng nghề mộc, các làng nghề khác cũng ô nhiễm nghiêm trọng. Làng nghề Tề Lỗ (huyện Yên Lạc) có 300 - 400 bãi “mổ” ô tô, xe cơ giới lớn nhỏ, trong đó có gia đình có tới 2 - 3 bãi. Cả làng nghề luôn có cả chục ngàn chiếc xe ô tô cùng các loại máy xúc, máy ủi, xe cẩu xếp tràn lan khắp thôn xóm, ven ao hồ, đồng ruộng chờ tháo dỡ để phân loại phụ tùng, chi tiết còn tốt mang bán lại cho các cơ sở sửa chữa, gia công. Sau thời gian tháo dỡ vài tuần hoặc vài tháng, các loại sơn bị bong tróc, gioăng cao su, xăm lốp, nhựa mềm và nhựa cứng, dầu nhớt trong máy thải ra ngoài với số lượng lớn.
Theo người dân làng nghề Tề Lỗ, các chất thải không có khả năng tái chế này thường được đốt hủy hoặc vứt ra môi trường cùng với nhiều loại thải rác đã làm cho hệ thống cống rãnh quá tải, một số khu vực nước thải ứ đọng ảnh hưởng đến môi trường sinh hoạt… Nhiều loại vật liệu cùng chất thải khó phân hủy chất đống, nhất là tại các đường lớn, ngõ nhỏ. Khi thời tiết thay đổi, mùi hôi, mùi khét nồng nặc khắp nơi; các ao hồ, kênh mương đen đặc nước thải.
Theo báo cáo của UBND xã Tề Lỗ, toàn xã hiện có hơn 540 hộ kinh doanh, buôn bán máy xúc, máy ủi, trong đó có hơn 300 hộ đã được quy hoạch vào cụm công nghiệp Tề Lỗ. Nhu cầu mở rộng sản xuất, kinh doanh vẫn rất lớn và hiện còn gần 200 hộ chưa được quy hoạch vào cụm công nghiệp, đang loay hoay tìm nơi tập kết hàng hóa. Từ năm 2018, xã giải phóng mặt bằng và đưa vào sử dụng hai bãi rác thải tập trung với tổng diện tích 4.400 m2 thay thế cho bãi rác khác phải đóng cửa phục vụ cho dự án đường vành đai 3. Tuy nhiên, việc thu gom và xử lý rác triệt để sau tận thu phế liệu ở Tề Lỗ vẫn là bài toán chưa có lời giải bởi các hộ làm nghề đông, phân tán, thu gom khó, giá thành xử lý đắt.
Để giải quyết tình trạng ô nhiễm làng nghề, tỉnh Vĩnh Phúc đã yêu cầu các cơ quan chức năng phối hợp cùng chính quyền cơ sở tập trung tuyên truyền về tác hại của các loại chất thải, nước thải với môi trường; yêu cầu các địa phương, nhất là các làng nghề làm tốt công tác thu gom và xử lý nước thải, quy hoạch các cụm làng nghề..., giúp người dân mở rộng sản xuất.
Hội đồng nhân dân tỉnh ban hành nhiều cơ chế hỗ trợ, Ủy ban nhân dân tỉnh chỉ đạo các cấp, ngành, địa phương hỗ trợ các cơ sở sản xuất đầu tư xây dựng, lắp đặt hệ thống xử lý chất thải. Tuy nhiên, việc triển khai hỗ trợ gặp nhiều khó khăn do không nhận được sự ủng hộ của các cơ sở sản xuất, hộ gia đình ở làng nghề. Nguyên nhân là do việc đầu tư lắp đặt và vận hành hệ thống xử lý chất thải sẽ làm tăng chi phí sản xuất, tăng giá thành sản phẩm, khó cạnh tranh.
Ủy ban nhân dân tỉnh Vĩnh Phúc chỉ đạo quy hoạch thành lập 16 cụm công nghiệp, làng nghề sản xuất tập trung với tổng diện tích quy hoạch là 344 ha để từng bước di dời các cơ sở sản xuất ra khỏi khu dân cư. Thế nhưng, việc di dời các cơ sở sản xuất gặp rất nhiều khó khăn, hầu như vẫn dậm chân tại chỗ.
Theo ông Nguyễn Văn Khước, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Vĩnh Phúc, tháng 3/2020, tỉnh đã triển khai thực hiện thí điểm hỗ trợ và huy động nhân dân tham gia xây dựng, cải tạo cống rãnh thoát nước, khắc phục ô nhiễm môi trường. Với phương châm "Nhà nước và nhân dân cùng bàn, cùng làm", "nơi nào dễ làm trước, khó làm sau và nhân dân đồng thuận cao thi làm", tính đến đầu tháng 9/2020, toàn tỉnh đã xây dựng, cải tạo được 534,6 km cống rãnh (trong đó 507 km xây mới và 27,6 km được cải tạo, sửa chữa), hoàn thành trước thời hạn 3 tháng và vượt mục tiêu 500 km so với chỉ tiêu. Tổng kinh phí thực hiện là 1.136,738 tỷ đồng; trong đó ngân sách tỉnh hỗ trợ 536,738 tỷ đồng; huy động đóng góp từ nhân dân là 600 tỷ đồng, tương đương khoảng 3 triệu ngày công lao động.
Thời gian tới, tỉnh Vĩnh Phúc chỉ đạo triển khai đề án, kế hoạch, phương án quản lý giảm thiểu, phân loại, thu gom, vận chuyển, tái sử dụng, tái chế, xử lý chất thải rắn trên địa bàn đã được phê duyệt. Tỉnh đề nghị Bộ Tài nguyên và Môi trường sớm ban hành hướng dẫn kỹ thuật, quy trình quản lý trong việc phân loại, lưu giữ, tập kết, trung chuyển, vận chuyển, sơ chế, tái sử dụng, tái chế, xử lý, thu hồi năng lượng từ chất thải rắn sinh hoạt và chất thải rắn thông thường; hướng dẫn trình tự, thủ tục, nội dung cải tạo, phục hồi môi trường của bãi chôn lấp chất thải rắn sinh hoạt và quy trình đóng bãi chôn lấp chất thải rắn sinh hoạt...