Đối với giải phóng mặt bằng, vấn đề nan giải nhất là vướng hệ thống hạ tầng kỹ thuật. Tại tỉnh Đồng Nai, có 1 đường điện 220 kV và 1 đường điện 500 kV chưa được nâng cao để đảm bảo an toàn thi công và khai thác.
Ngoài ra, gần 50 vị trí cột điện trung thế, đường viễn thông, đường điện chiếu sáng, đường điện dân sinh và đường ống nước chưa di dời. Trên địa bàn Bình Thuận, việc di dời đường điện 500 kV đang được tiến hành, tuy nhiên, tại gói thầu số 2 vẫn còn 9 cột điện hạ thế và 3 vị trí đường ống nước chưa di dời.
Năm nay, mùa mưa đến sớm, hơn 3 tháng qua, mỗi tháng có từ 10 đến 23 ngày mưa, điều này khiến việc thi công nền đường gặp rất nhiều khó khăn. Ngoài ra, giá nhiên, vật liệu tăng cao, ảnh hưởng rất lớn đến tiến độ triển khai dự án.
Đại diện Ban Quản lý dự án Thăng Long cho biết, để khắc phục những khó khăn, thời gian qua, các nhà thầu tranh thủ lúc trời nắng ráo để thi công nền đường, những lúc mưa tập trung nhân lực làm cầu và các hạng mục khác. Đồng thời dồn toàn bộ lực lượng thi công tại những khu vực đã có mặt bằng sạch.
Đến nay, trên toàn tuyến cao tốc các nhà thầu đã đắp nền đường K98 và K95 đạt từ 70% đến 80%, móng cấp phối đá dăm hơn 48 km (đạt gần 50%) và đang đẩy mạnh việc bê tông nhựa các loại; phấn đấu hoàn thành tuyến cao tốc vào cuối năm 2022.
Để tạo thuận lợi cho quá trình thi công cao tốc, Ban Quản lý dự án Thăng Long đang phối hợp với tỉnh Đồng Nai và Bình Thuận nhằm di dời toàn bộ hệ thống hạ tầng kỹ thuật trong tháng 7 này.
Cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây thuộc Dự án xây dựng một số đoạn đường bộ cao tốc trên tuyến Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2017 - 2020. Tuyến đường có chiều dài 99 km, từ Bình Thuận đến Đồng Nai; được xây dựng với 6 làn xe, tốc độ tối đa 120 km/h.