Ông Đoàn Ngọc Có, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Gia Lai cho biết, đến nay, toàn tỉnh có trên 1.400 ha cây trồng bị thiệt hại do hạn hán và chủ yếu là cây lúa với hơn 1.303 ha. Ngoài ra, do ảnh hưởng của hạn hán, một số đập dâng trên địa bàn tỉnh đã bắt đầu xảy ra tình trạng khô hạn, gây khó khăn cho người dân trong công tác tưới tiêu cây trồng.
Cụ thể, trong hơn 1.412 ha cây trồng bị thiệt hại do hạn hán tại Gia Lai, huyện Chư Sê bị thiệt hại nặng nhất với gần 500 ha, tiếp đến là Đắk Đoa (gần 320 ha), Mang Yang (162,5 ha), Chư Păh (90,56 ha),… Riêng cây lúa, có gần 1.020 ha bị thiệt hại hoàn toàn, gần 268 ha bị thiệt hại nặng đến rất nặng và gần 16 ha bị thiệt hại một phần. Trong khi đó, 103 ha rau, hoa màu bị ảnh hưởng chủ yếu ở mức độ thiệt hại nhẹ. Hầu hết các diện tích thiệt hại đều nằm ngoài khu vực tưới của các công trình thủy lợi.
Đối với các công trình thủy lợi trên địa bàn tỉnh Gia Lai, mực nước hiện tại so với dung tích thiết kế đạt từ 4,45% (hồ Đăk Dăng) đến 83,46% (hồ Hà Ra Bắc), tạm thời đảm bảo cung cấp nguồn nước tưới cho bà con nông dân. Tuy nhiên, trước nguy cơ hạn hán có thể kéo dài, tỉnh Gia Lai đã lên phương án tiếp nước từ các hồ chứa nhiều nước sang các hồ chứa còn ít nước. Đồng thời, bố trí tưới luân phiên để tránh thiệt hại cho các diện tích cây trồng.
Đối với các đập dâng, hiện nay có một số đập đã hết nước như đập dâng Ia Lâu, Ia Vê, An Phú, Plei Wâu, đập đất An Mỹ… Ngoài ra, một số đập dâng có mực nước xuống thấp, khả năng xảy ra khô hạn, chiều cao cột nước trước cống từ 0,1 - 0,48m.
Theo ông Đoàn Ngọc Có, hiện nay, nguồn nước các hồ chứa, đập dâng, sông suối trên địa bàn tỉnh Gia Lai thiếu hụt từ 42 - 70%, tình hình hạn hán đang xảy ra. Tuy nhiên, do được dự báo trước nên ngành nông nghiệp tỉnh Gia Lai và các địa phương đã chủ động xây dựng kế hoạch, kịch bản ứng phó với hạn hán như dừng sản xuất ở các vùng thiếu nước tưới.
Ngoài ra, tỉnh chuyển đổi được một số diện tích trồng lúa nước sang trồng cây trồng khác chịu được hạn hoặc sử dụng ít nước; nạo vét kênh mương, khơi thông dòng chảy; cùng các chủ đập lên lịch tưới luân phiên, tiết kiệm nước, ưu tiên nguồn nước dành cho các loại cây trồng đang vào thời kỳ ra hoa, kết trái cũng như các loại cây công nghiệp dài ngày. Từ ngày 27 - 31/3/2020, một số địa phương trên địa bàn tỉnh có mưa dông vài nơi, giúp giảm tình trạng khô khốc do hạn hán gây nên.
“Hiện nay, tỉnh đã thu hoạch được trên 25% trong tổng diện tích gần 70.700 ha gieo trồng của vụ Đông Xuân 2019 - 2020. Nhờ các biện pháp đề ra ngay từ đầu vụ, diện tích thiệt hại của các loại cây trồng trên địa bàn tỉnh đã được giảm thiểu. Chúng tôi cũng đã lên kế hoạch rà soát, thống kê để có phương án hỗ trợ thiệt hại cho bà con nông dân”, ông Đoàn Ngọc Có cho biết thêm.
Tại tỉnh Điện Biên, thời gian qua lượng mưa ít, mực nước tại các hồ chứa xuống thấp dẫn đến nhiều diện tính lúa Đông Xuân bị khô hạn, thiếu nước.
Theo báo cáo của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Điện Biên, vụ Đông Xuân 2019 - 2020, toàn tỉnh gieo cấy hơn 9.500 ha lúa. Hiện nay, hầu hết các hồ chứa nước trên địa bàn tỉnh Điện Biên như: Pá Khoang, Pe Luông, Nậm Ngam, Hồng Sạt, Bồ Hóng, Huổi Phạ… đều đang rơi vào tình trạng thiếu nước.
Tính đến cuối tháng 3/2020, trên địa bàn tỉnh Điện Biên có khoảng 570 ha lúa đã và đang bị thiệt hại do hạn hán, thiếu nước; gần 500 ha diện tích lúa có nguy cơ bị hạn hán, thiếu nước. Huyện Điện Biên có gần 50 ha lúa đã bị thiệt hại, gần 150 ha đang bị thiệt hại và hơn 300 ha đang có nguy cơ bị hạn hán, thiếu nước. Các địa phương khác như thành phố Điện Biên Phủ, huyện Mường Ảng, Tuần Giáo cũng có nhiều diện tích lúa đã, đang và có nguy cơ bị thiệt hại do hạn hán, thiếu nước sản xuất.
Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Điện Biên đã phối hợp với chính quyền các địa phương yêu cầu UBND các xã tăng cường kiểm tra, rà soát tổng hợp báo cáo tình hình nguồn nước, hạn hạn, thiếu nước trên địa bàn; tổ chức huy động nhân dân tu sửa, nạo vét kênh mương, điều tiết nước đảm bảo mùa vụ; tuyên truyền, vận động nhân dân nâng cao ý thức trong việc sử dụng nước tiết kiệm.
Bên cạnh đó, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Điện Biên cũng đã yêu cầu Trạm Khuyến nông - Khuyến ngư huyện tăng cường kiểm tra, hướng dẫn quy trình chăm sóc lúa đối với các diện tích hạn hạn, thường xuyên thiếu nước.
Ngành nông nghiệp tỉnh cũng đã tổ chức lắp đặt và vận hành các trạm bơm dã chiến tận dụng nguồn nước từ các sông, suối, ao, hồ để bơm chống hạn tại các khu vực khoanh vùng sản xuất bị thiếu nước.
Cụ thể, Công ty trách nhiệm hữu hạn quản lý thủy nông Điện Biên cũng đã lắp đặt 5 trạm bơm, với tổng số 12 máy bơm, công suất mỗi máy là 150 - 200 m3/h, tại các xã: Thanh Hưng,Thanh Luông và Thanh Yên (huyện Điện Biên) để cung ứng nước tưới tiêu cho nhiều diện tích lúa trên địa bàn.
Đối với diện tích lúa đang bị hạn, UBND các huyện cũng đã chỉ đạo UBND các xã huy động nhân dân tham gia chống hạn như thuê máy bơm, điều tiết nước, tưới luân phiên đảm bảo nước cho cây trồng.