Vẫn là “nút thắt” 2414
Theo ông Hồ Xuân Hiền, Trưởng Ban Quản lý Dự án Sông Hậu 1- Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN), tính đến đầu tháng 8/2019, tiến độ tổng thể của Dự án đạt 76,39%, chậm khoảng 22,77% về tỷ trọng khối lượng công việc và chậm gần 2 năm về thời gian so với tiến độ Hợp đồng EPC đã ký.
Cụ thể, công tác thiết kế đến nay đạt 98,68%, công tác mua sắm đạt 96,51%, công tác thi công đạt 73,92%.
Theo đó, Dự án đã cơ bản hoàn thành thi công các hạng mục thiết bị lò hơi và thiết bị phụ, tuabin máy phát và thiết bị phụ, máy biến áp chính, hệ thống xử lý nước, lò phụ khởi động, hệ thống điều khiển phân tán (DCS).
Tuy nhiên, các thiết bị công nghệ phụ trợ như hệ thống cung cấp than, hệ thống nước làm mát tuần hoàn, hệ thống thải tro xỉ, hệ thống khử lưu huỳnh (FGD) đang triển khai chậm so với kế hoạch, đặc biệt là phần xây dựng.
Ông Hiền cho biết, nguyên nhân chính khiến Dự án chậm tiến độ đến thời điểm này là do các vướng mắc trong thanh quyết toán với các nhà thầu xây dựng dựa trên cơ chế giá theo hợp đồng điều chỉnh 2414 (theo Quyết định số 2414/QĐ-TTg ngày 11/12/2013 của Thủ tướng Chính phủ).
Theo đó, trong 3 năm qua, Ban Quản lý không có cơ sở xác định giá thanh toán chính thức mà chỉ có thể tạm thanh toán với nhà thầu. Vì vậy, tiến độ giải ngân theo cơ chế này chỉ là 39% trong khi tiến độ xây dựng thực tế của tổng thầu là hơn 76%. Điều này khiến nhà thầu không đủ kinh phí để thực hiện do phải bỏ ra chi phí lớn hơn so với chi phí tạm thanh toán, gây ảnh hưởng tiến độ thi công, ông Hiền chỉ rõ.
Thêm vào đó, một số định mức gia công, chế tạo thiết bị phụ trợ, lắp đặt của Dự án Sông Hậu 1 đã được Bộ Công Thương ban hành, tuy nhiên chưa có ý kiến, thống nhất của Bộ Xây dựng nên chưa có đủ cơ sở pháp lý cho cả Chủ đầu tư và Tổng thầu áp dụng (Định mức dự toán thiết kế, chế tạo theo Quyết định số 2572/QĐ-BCT ngày 23/4/2013 và bộ định mức lắp đặt thiết bị nhà máy nhiệt điện theo Quyết định số 3814/QĐ-BCT ngày 26/12/2006).
Hiện PVN đã uỷ quyền cho Ban Quản lý Dự án ký hợp đồng với Viện Kinh tế-Bộ Xây dựng khảo sát, tính toán hệ thống định mức đơn giá cơ bản làm cơ sở để thanh toán với nhà thầu theo đơn giá mới. Thực tế là tất cả các phần thiết bị phải nhập khẩu của nước ngoài, việc thanh toán không vướng mắc gì, còn tất cả các phần việc làm trong nội địa do các nhà thầu trong nước triển khai trên thực tế đều bị vướng cơ chế giá theo hợp đồng điều chỉnh 2414, ông Hiền cho biết.
Ngoài vướng mắc trong thanh toán, một nguyên nhân quan trọng khác khiến Dự án chậm tiến độ còn là do sự chậm trong thi công đường dây 500 kV Sông Hậu-Đức Hoà dài 120 km nằm trong Quy hoạch Tổng Sơ đồ điện 7.
Theo tiến độ được phê duyệt, ngày 30/6/2019, tuyến đường dây 500 kV này phải hoàn thành nhưng theo tiến độ mà Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) thông báo thì phải đến cuối năm 2019 mới có thể đóng điện.
Hiện EVN có phương án làm tạm 37 km đường dây 22 kV đấu tạm cho Dự án để phục vụ chạy thử, nghiệm thu. Tuy nhiên, đường dây tạm này này chỉ phục vụ được công suất 20 MVA trong khi để chạy thử toàn bộ nhà máy cần công suất 80 MVA.
Vì vậy, Dự án bắt buộc phải chạy từng phần và vì vậy ảnh hưởng không nhỏ tới tiến độ phát điện thương mại của Dự án Sông Hậu 1, ông Hiền cảnh báo.
Gỡ vướng để “về đích”
Theo Thứ trưởng Bộ Công Thương Hoàng Quốc Vượng, nguồn điện quốc gia giai đoạn 2021-2025 được dự báo sẽ bị thiếu hụt nên việc đưa vào vận hành các dự án nguồn điện mới rất quan trọng với hệ thống điện quốc gia; trong đó có dự án Nhiệt điện Sông Hậu 1.
Vì vậy, tại buổi làm việc mới đây với Ban Quản lý Dự án Sông Hậu 1, Thứ trưởng Bộ Công Thương Hoàng Quốc Vượng đồng thời là Phó trưởng Ban Chỉ đạo Quốc gia về phát triển Điện lực đã yêu cầu Tổng thầu LILAMA, PVN và Ban Quản lý Dự án Sông Hậu 1 rút ngắn tiến độ hoàn thành, mục tiêu là đưa Tổ máy 1 vận hành thương mại vào đầu năm 2021, tổ máy 2 vận hành thương mại vào giữa năm 2021.
Theo đó, ông Vượng yêu cầu PVN triển khai các giải pháp về đảm bảo dòng tiền, cơ chế thanh toán cho Tổng thầu/nhà thầu phụ trong nước để đẩy nhanh tiến độ hoàn thành dự án sớm nhất.
Cụ thể, PVN cần sớm làm việc với Bộ Xây dựng để thống nhất các định mức, đơn giá xây dựng đang trình, làm cơ sở xác định giá trị hoàn thành, giá trị thanh toán cho Dự án.
Bên cạnh đó, PVN và EVN cần thống nhất phương án bàn giao, quản lý vận hành sân phân phối 500 kV Sông Hậu, trình cấp thẩm quyền xem xét trên nguyên tắc EVN chuẩn bị nhân sự và sớm nhận bàn giao tài sản, công tác quản lý vận hành để đảm bảo cấp điện cho Dự án Sông Hậu 1 chạy thử và nghiệm thu.
Theo Trưởng Ban Hồ Xuân Hiền, để chuẩn bị cho Dự án vào vận hành, Ban Quản lý Nhiệt điện Sông Hậu 1 đã phát hành thư mời các nhà thầu than về nhu cầu và các thông số quan tâm.
Ban Quản lý cũng đã xây dựng phương án vận tải than cung cấp cho bằng đường sông với tàu 10.000 tấn, từ đó trung chuyển bằng các tàu nhỏ đến Nhà máy.
Hiện PVN đã phê duyệt kế hoạch lựa chọn nhà thầu. Dựa trên kế hoạch được phê duyệt, Ban Quản lý Dự án phối hợp với tư vấn để thẩm định lại số liệu về thông số than, phương án vận chuyển chuẩn bị phát hành hồ sơ mời thầu quốc tế rộng rãi trong quý III này.
Theo tính toán, Dự án cần hơn 3 triệu tấn than/năm cho 2 tổ máy phát điện. Việc nhập than sẽ sớm triển khai để phục vụ chạy thử và đốt lò vào đầu năm 2020. Hiện các nhà cung cấp than từ Indonesia rất quan tâm tới việc cấp than cho Dự án.
Ngoài ra, để chuẩn bị cho Dự án vào phát điện thương mại, PVN cũng chủ trì đàm phán giá bán điện với Công ty Mua bán điện, ông Hiền cho biết.
Dự án Nhiệt điện Sông Hậu 1 là dự án trọng điểm quốc gia nằm trong Quy hoạch điện 7. Dự án thuộc Trung tâm Điện lực Sông Hậu đặt tại huyện Châu Thành, tỉnh Hậu Giang, có tổng công suất 1.200 MW gồm 2 tổ máy.
Dự kiến khi đi vào vận hành toàn bộ, Nhà máy sẽ cung cấp cho hệ thống điện khoảng 7,8 tỷ kWh/năm, góp phần đáp ứng nhu cầu điện cho phát triển kinh tế khu vực Đồng bằng sông Cửu Long nói chung và tỉnh Hậu Giang nói riêng.