Nhân tố Iran khiến giá dầu Brent chạm "đáy" 12 năm

Trên sàn giao địch điện tử Singapore, giá dầu Brent có lúc đã giảm 1,5% xuống chỉ còn 29,73 USD/thùng, mức thấp nhất được ghi nhận kể từ tháng 2/2004.

Trong phiên giao dịch ngày 14/1 tại thị trường châu Á, giá dầu Brent tiếp tục “rơi tự do” xuống mức thấp kỷ lục mới của 12 năm trong bối cảnh giới đầu tư quan ngại triển vọng Iran tăng cường nguồn cung dầu mỏ sau khi các lệnh trừng phạt nhằm vào nước này được dỡ bỏ sẽ tiếp tục nhấn chìm thị trường năng lượng.

Theo đó, trên sàn giao địch điện tử Singapore, giá dầu Brent có lúc đã giảm 1,5% xuống chỉ còn 29,73 USD/thùng, mức thấp nhất được ghi nhận kể từ tháng 2/2004. Tuy nhiên, sau khi dành phần lớn thời gian giao dịch trong “vùng đỏ”, vào lúc 14 giờ 30 phút giờ Việt Nam, giá dầu Brent đã nhích nhẹ 17 xu Mỹ lên 30,48 USD/thùng trong khi giá dầu ngọt nhẹ (WTI) cũng tăng 43 xu Mỹ lên 30,91 USD/thùng.

Bảng giá xăng và dầu diesel tại Bromborough, Anh ngày 8/1. Ảnh: AFP/TTXVN

Đây là phiên thứ hai liên tiếp giá dầu Brent rơi xuống dưới ngưỡng 30 USD/thùng sau khi giá dầu WTI trải qua điều tương tự trong phiên ngày 12/1. Nguyên nhân chính dẫn đến hiện tượng này là triển vọng Iran tăng cường “bơm” dầu mỏ vào thị trường thế giới sau khi các lệnh trừng phạt liên quan đến chương trình hạt nhân nhằm vào Tehran dự kiến được dỡ bỏ vào ngày 15/1. Động thái này được dự báo sẽ làm trầm trọng thêm tình trạng cung vượt cầu vốn chưa có dấu hiệu hạ nhiệt trên thị trường năng lượng.

Bên cạnh đó, mặc dù dự trữ dầu mỏ tại Mỹ chỉ tăng 234.000 thùng trong tuần trước, thấp hơn nhiều so với dự báo, song việc nước này cho tăng cường dự trữ đến 8,4 triệu thùng xăng và hơn 6 triệu thùng chế phẩm từ dầu mỏ khác (gồm dầu diesel và dầu sưởi ấm) lại là yếu tố gây ảnh hưởng tiêu cực đến thị trường năng lượng.

Theo nhận định của ngân hàng Barclays, mặc dù nguồn cung từ những nước ngoài Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) và Mỹ có thấp hơn song vẫn là chưa đủ trong bối cảnh OPEC ngày càng bơm nhiều dầu mỏ ra thị trường trong khi nhu cầu tiêu thụ dầu mỏ ngày càng trì trệ.

Vàng giảm nhẹ, chứng khoán đi xuống

Giá vàng châu Á giảm trong ngày 14/1 sau khi tăng 0,6% trong phiên giao dịch trước đó, bắt nguồn từ sự sụt giảm của thị trường chứng khoán thế giới.

Vào lúc 13 giờ 39 phút ngày 14/1 tại thị trường Singapore, giá vàng giao ngay giảm 0,2% xuống mức 1.091,46 USD/ounce, trong khi giá vàng kỳ hạn Mỹ tăng 0,4% lên 1.091,6 USD/ounce. Trong khi đó, trong số các kim loại quý khác, giá palladium tăng 0,5% lên 482,8 USD/ounce, giá bạc giảm 0,6% xuống 14,06 USD/ounce, còn giá bạch kim giảm 0,2% xuống còn 845,35 USD/ounce.

Một cửa hàng kim hoàn ở tỉnh Sơn Đông, Trung Quốc ngày 12/1. Ảnh: THX/TTXVN

Giá dầu tiếp tục lao dốc và những lo ngại về tình hình kinh tế Trung Quốc đã tác động bất lợi tới các thị trường chứng khoán trên thế giới, khiến thị trường không có được bất kỳ đợt tăng mạnh nào kể từ đầu năm.

Thị trường chứng khoán Thượng Hải chứng kiến một phiên giao dịch đầy biến động và đóng cửa phiên 14/1 trong vùng dương, trong khi các thị trường khác của châu Á nối gót đà giảm điểm của Phố Wall.

Ngay đầu phiên này, tình trạng bán tháo cổ phiếu diễn ra trên hầu hết các thị trường chứng khoán chủ chốt của châu Á, với thị trường Tokyo mất gần 4% ngày trong 1 giờ giao dịch đầu tiên, và chứng khoán Thượng Hải giảm gần 3% xuống mức thấp nhất kể từ đợt lao dốc mùa Hè năm ngoái.

Tuy nhiên, đến cuối phiên 14/1, chỉ số Shanghai Composite phục hồi trở lại và đóng cửa phiên tăng 2% lên 3.007,65 điểm, khi các nhà đầu tư đẩy mạnh mua vào cổ phiếu giá rẻ.

Cả ba chỉ số của chứng khoán Phố Wall đều giảm điểm mạnh trong phiên hôm qua (13/1) với giá cổ phiếu của các doanh nghiệp năng lượng chịu thiệt hại nhiều nhất khi giá dầu thô thế giới chạm "đáy" mới kể từ đầu năm 2004. Nối tiếp xu hướng trên, chứng khoán Nhật Bản khép lại phiên này giảm 2,7% và chứng khoán Sydney của Australia mất 1,6%. Chứng khoán Hàn Quốc hạ 0,9% và thị trường Hong Kong (Trung Quốc) cũng đóng cửa giảm 0,4%.

Cổ phiếu của các doanh nghiệp năng lượng châu Á cũng phục hồi vào cuối phiên, khi giá dầu giao dịch trên thị trường châu Á cải thiện phần nào. Cổ phiếu của những “người khổng lồ” dầu khí CNOOC và PetroChina niêm yết trên sàn Hong Kong đều nhích lên vùng dương. Tuy nhiên, giới quan sát nhận định thị trường tài chính vẫn khá bất ổn do nhà đầu tư lo ngại về một cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu có thể xảy ra một lần nữa.


TTXVN/Tin Tức
Dầu mỏ hay sự trừng phạt của phương Tây tác động nhiều tới kinh tế Nga?
Dầu mỏ hay sự trừng phạt của phương Tây tác động nhiều tới kinh tế Nga?

Các biện pháp trừng phạt của phương Tây đối với Moskva nhằm gây áp lực lâu dài đối với Nga, chứ không với mục đích đẩy Nga đến bờ vực kinh tế.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN