Những đòn “ăn miếng trả miếng” nhanh chóng làm leo thang căng thẳng giữa hai quốc gia quyền lực ở Trung Đông. Khởi nguồn từ quyết định của Ryiadh hành quyết giáo sĩ dòng Shiite al-Nimr, người biểu tình Iran xông vào đốt phá Đại sứ quán Saudi Arabia tại Tehran. Chính quyền Ryiadh lập tức cắt đứt quan hệ ngoại giao, buộc các viên chức ngoại giao Iran phải rời khỏi Saudi Arabia. Đáp trả, Iran cắt đứt quan hệ thương mại với Saudi Arabia. Chưa dừng ở đó, Tehran cáo buộc Riyadh không kích đại sứ quán Iran ở Yemen.
Nguồn cung dư thừa trên thị trường dầu mỏ dường như đang bị đồn thổi quá mức. Ảnh: EPA |
Căng thẳng song phương nhanh chóng gây hiệu ứng lan tỏa ở khu vực. Nhiều nước đồng minh với Saudi Arabia và có cộng đồng người Sunni chiếm đa số tuyên bố hạ cấp quan hệ ngoại giao với Iran. Thế nhưng hầu hết các nước vùng Vịnh (ngoại trừ Bahrain) đều không đẩy vấn đề đi quá xa. Họ đang cố gắng đi giữa “hai làn đạn” để không đứng lệch quá về Saudi Arabia hay Iran và không cắt đứt quan hệ với Tehran. “Chính quyền Saudi liên tục nhấc máy điện đàm, ráo riết vận động hành lang các quốc gia trong khu vực cắt đứt quan hệ ngoại giao với Iran. Nhưng đa phần các nước này đều cố tìm đến một nhận thức chung. Vấn đề nằm ở chỗ, nhận thức chung này cũng rất khó đạt tới”, một quan chức ngoại giao Arab chia sẻ với hãng tin Reuters.
Mây đen về nguy cơ xung đột Iran-Saudi Arabia sẽ đưa tới những hệ lụy với dầu mỏ, nhưng tại thời điểm hiện nay nó chưa thể tạo ra hiệu ứng đẩy “vàng đen” tăng giá. Trong quá khứ, căng thẳng địa chính trị ở Trung Đông, nhất là liên quan đến các quốc gia sản xuất dầu mỏ lớn, ngay lập tức sẽ đẩy giá dầu tăng ít nhất vài USD/thùng và vấn đề chủ yếu nằm ở chỗ thị trường e ngại nguồn cung bị gián đoạn. Thế nhưng diễn biến gần đây lại không theo xu thế này, đó là bởi nguồn cung dư thừa hiện lấn lướt e ngại sự đứt đoạn về nguồn cung cấp.
Dầu có lúc rơi xuống mức 30 USD/thùng trong phiên giao dịch ngày 12/1 và giới đầu cơ hầu như không quan tâm gì đến căng thẳng ở Trung Đông. Thay vào đó, họ nhìn nhận đối đầu hiện nay giữa Tehran với Riyadh chỉ đơn giản là cuộc chiến tranh giành thị phần dầu mỏ. Iran không giấu giếm ý định gia tăng mạnh mẽ sản lượng ngay sau khi lệnh cấm vận được dỡ bỏ, còn Saudi Arabia thì tiếp tục giữ mức sản lượng hơn 10 triệu thùng/ngày, kèm theo mức chiết khấu lớn đối với các thị trường lớn, đặc biệt là ở châu Âu, với ý định không cho Iran chen chân vào.
Thế nhưng, một cuộc chiến tranh tổng lực, toàn diện giữa Iran và Saudi Arabia sẽ khiến thị trường dầu mỏ chuyển biến rất nhanh. Nó sẽ gây ra những hệ lụy mang tính thảm họa với “vàng đen”, ngay tại thời điểm mà nhiều người vẫn nghĩ là nguồn cung đang quá dồi dào, dư thừa. Giáo sư Hossein Askari tại Đại học George Washington (Mỹ) nhìn nhận, chiến tranh giữa hai nước sẽ làm gián đoạn nguồn cung mà ở đó giá dầu tăng mạnh sẽ là điều đương nhiên. “Nếu chiến tranh giữa Iran và Saudi Arabia nổ ra, dầu có thể sẽ vọt lên mức 250 USD/thùng chỉ trong một đêm, dù sau đó có thể dần xuống mức 100 USD/thùng. Nếu như hai bên nhằm vào kho dầu, cơ sở chuyên chở dầu của nhau, giá dầu có thể sẽ bị đẩy lên 500 USD/thùng và neo ở mức này trong một thời gian, tùy thuộc vào mức độ thiệt hại”, ông Askari nói.
Mọi thứ, kể cả chiến tranh giữa Iran - Saudi Arabia hiện mới chỉ dừng lại ở đồn đoán. Mức giá 250-500 USD/thùng nghe có vẻ không thuyết phục. Thế nhưng có một thực tế cần phải lưu ý: Nguồn cung dư thừa - hiện khoảng 1 triệu thùng/ngày, tính theo khả năng vượt khỏi các kho chứa, không quá “nguy hiểm” như nhiều người thường nghĩ. Sản lượng của các nước thuộc Tổ chức xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) vẫn đứng ở mức cao và công suất dư thừa của OPEC hiện không quá nhiều, ước tính chỉ là 1,25 triệu thùng/ngày vào quý 3 năm 2015 – mức thấp nhất kể từ thời điểm năm 2008. Hệ quả là, dù vẫn chỉ dừng lại ở khả năng xa xôi, nhưng chiến tranh giữa hai “ông lớn” ở Trung Đông có thể sẽ đẩy giá dầu lên mức 3 con số đối với những hợp đồng giao hàng thời hạn ngắn.