Đoàn công tác đã đi thực tế và kiểm tra tình hình chăn nuôi các gia trại, trang trại áp dụng quy trình công nghệ vi sinh trong chăn nuôi lợn hữu cơ của Tập đoàn tại thị xã Hương Thủy và huyện Phong Điền (Thừa Thiên - Huế).
Theo đại diện Tập đoàn Quế Lâm, việc phát triển chăn nuôi hữu cơ theo công nghệ vi sinh của Tập đoàn được ứng dụng từ năm 2013 và đã thực hiện liên kết với các hợp tác xã, bà con nông dân trong triển khai áp dụng mô hình này vào chăn nuôi.
Thời gian đầu, mô hình chỉ có từ 20 - 30 con, đến nay Tập đoàn đã liên kết phát triển chăn nuôi hữu cơ, tiêu thụ sản phẩm cho trên 500 hộ gia đình ở các huyện Phong Điền, Quảng Điền, Phú Vang, thị xã Hương Trà, Hương Thủy với tổng đàn hơn 3 vạn con. Việc phát triển chăn nuôi hữu cơ theo công nghệ vi sinh được Tập đoàn Quế Lâm chú trọng từ khâu giống sạch, thức ăn chất lượng tốt, chuồng nuôi đảm bảo an toàn với diện tích hợp lý, nơi thải chất thải được ủ với men vi sinh phân giải tốt đảm bảo yêu cầu…
Hiện nay, Tập đoàn đang tập trung đầu tư triển khai dự án các khu tổ hợp sản xuất chế biến nông sản hữu cơ trên diện tích 15 ha tại xã Phong Thu, huyện Phong Điền, với mục tiêu xây dựng tổ hợp chuỗi giá trị nông sản hữu cơ, kiểm soát sản xuất thịt lợn an toàn bằng hệ thống chăn nuôi khép kín theo mô hình 4F "Farm-Food-Feed-Ferlitizer" gồm: Các tổ hợp nhà máy sản xuất chế phẩm sinh học, nhà máy sản xuất thức ăn hữu cơ vi sinh, trang trại chăn nuôi lợn hữu cơ.
Theo mô hình 4F, chăn nuôi lợn đạt chuẩn an toàn vệ sinh, đảm bảo an toàn dịch bệnh; sản phẩm đạt chất lượng, giá trị dinh dưỡng cao; xử lý triệt để mùi hôi, chất thải, nước thải, góp phần bảo vệ môi trường; nâng cao hiệu quả sử dụng đất nhờ nguồn phân bón hữu cơ. Đồng thời, Tập đoàn đầu tư toàn bộ quy trình từ khâu giống, thức ăn, chuồng trại, bao tiêu đầu ra cho các sản phẩm chăn nuôi gồm: thịt lợn, phân bón hữu cơ...
Tại buổi làm việc với Tập đoàn Quế lâm, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Phùng Đức Tiến ghi nhận và đánh giá cao nỗ lực của Tập đoàn trong việc triển khai ứng dụng quy trình công nghệ vi sinh đối với mô hình chăn nuôi lợn hữu cơ và những hộ chăn nuôi liên kết. Mô hình này không chỉ kiểm soát từ nguồn giống, thức ăn, nước uống, giải quyết vấn đề ô nhiễm môi trường, tiết kiệm chi phí sản xuất, góp phần vào phát triển nền nông nghiệp bền vững.
Đặc biệt, trước tình hình diễn biến phức tạp của dịch tả lợn Châu Phi, nhiều hộ gia đình bị ảnh hưởng nặng nề do không có vắc xin chữa trị, Tập đoàn Quế Lâm cùng một số hộ chăn nuôi liên kết đã thành công khi ứng dụng quy trình công nghệ vi sinh trong mô hình chăn nuôi lợn hữu cơ. Với mô hình này, chúng ta có thể nhân rộng ra các hộ gia đình để đảm bảo sinh kế và việc làm cho người dân.
Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn cũng đề nghị Tập đoàn Quế Lâm tiếp tục phát huy ưu điểm mô hình chăn nuôi an toàn sinh học, đảm bảo vệ sinh môi trường trong chăn nuôi, quan tâm đến việc chuyển giao khoa học công nghệ, tăng cường tuyên truyền để nhân rộng mô hình ra toàn quốc.