Mặc dù đã chủ động cắt giảm số lượng hoa nhưng nhiều nhà vườn vẫn đang thấp thỏm vì chưa biết sức mua thị trường năm nay thế nào.
Tập trung chăm sóc
Từ sáng sớm, tại làng hoa khu vực phường Thới An, Quận 12, nhiều nông dân đã hối hả chăm sóc, tỉa lá, bón phân để cho ra những chậu hoa đẹp nhất vào dịp tết sắp tới.
Chị Nguyễn Kim Lan, chủ một vườn cúc cho biết, thời điểm này các nhà vườn trồng cúc Đà Lạt, cúc Hà Nội đều phải tranh thủ tỉa lá và nụ nhỏ, mỗi cành chỉ để lại một nụ để bông được to, đẹp. Công việc ngắt nụ hoa, nhặt chồi con và buộc dây định hình tuy có vẻ đơn giản nhưng lại là khâu cuối cùng quyết định để có một chậu hoa đẹp và nở tròn đều. Bên cạnh đó, để hoa được sung sức và có thể chơi được lâu, cứ 10 ngày nông dân phải bón phân một lần. Do đó, các vườn trồng hoa số lượng lớn đều phải thuê thêm nhân công để làm cho kịp tiến độ.
Theo chị Lan, năm nay thời tiết “khó chiều” hơn mọi năm vì có thời điểm mưa quá nhiều, đến lúc hoa vừa vào chậu thì lại gặp nắng gắt nên nếu không xử lý cẩn thận thì hoa rất khó phát triển tốt.
Ở gần đó, tại vườn hoa của ông Trịnh Thế Giao, các loại hoa ngắn ngày như dừa cạn, dạ yến thảo, vân anh nhiều màu sắc đã nở rực rỡ. Ngoài hai vợ chồng, gia đình ông phải thuê thêm 5 nhân công tất bật tỉa những bông hoa nở sớm để kịp có lứa hoa mới đẹp nhất vào đúng những ngày tết.
Ngoài ra, ông Giao cũng trồng thêm cúc nhám, sao băng và ớt kiểng để phục vụ nhu cầu đa dạng của người tiêu dùng. “Gần 20 năm kinh nghiệm trồng hoa chậu nhưng năm nay thời tiết thay đổi khó đoán nên người trồng hoa cũng phải canh chừng từng ngày. Mọi năm đến thời điểm này cúc nhám đã lên tốt và phủ đầy chậu nhưng năm nay xuất hiện nhiều đợt không khí lạnh nên cây phát triển chậm hơn. Bây giờ phải tích cực bón thúc thì mới kịp ra hoa đúng dịp tết”, ông Giao chia sẻ.
Không trồng các loại hoa phổ biến như các nhà vườn, anh Đinh Ngọc Hiếu, một người chơi bonsai dừa lâu năm tại TP Thủ Đức lại tập trung làm bonsai dừa hình trâu để phục vụ khách hàng nhân dịp Tết Tân Sửu.
Anh Hiếu cho biết, bonsai dừa đã được nhiều người chơi bonsai biết đến và cũng có nhiều nơi cung cấp nên để tạo khác biệt từ năm ngoái (Tết Canh Tý) anh đã bắt đầu thử nghiệm làm bonsai theo con giáp nhằm tạo sự mới mẻ, hấp dẫn hơn với khách mua.
Để thực hiện tác phẩm bonsai dừa có hình linh vật con trâu cho Tết Tân Sửu, ngay từ đầu năm anh Hiếu đã lên ý tưởng và tìm nguyên liệu là vỏ dừa khô để gia công các chi tiết. Theo anh Hiếu, công đoạn này khá mất thời gian khi phải góp nhặt nhiều ý tưởng cùng lúc, từ đó mới chọn được những hình mẫu con trâu sinh động nhất.
“Dừa bonsai đã được chuẩn bị và chăm sóc kỹ từ trước, đến tháng 11 thì bắt đầu thực hiện việc gắn các chi tiết hình trâu lên gốc dừa. Sau đó tiếp tục công đoạn sơn bóng và trang trí thêm những phụ kiện khác như thỏi vàng, câu chúc tết với hàm ý cầu mong một năm mới sung túc, hạnh phúc hơn.”, anh Hiếu chia sẻ các công đoạn tạo ra một chậu bonsai dừa mang hình trâu độc đáo.
Thấp thỏm lo đầu ra
Anh Đinh Ngọc Hiếu cho biết, năm trước dù mới cho ra mắt sản phẩm bonsai dừa linh vật theo con giáp của năm nhưng số lượng tiêu thụ khá lớn. Nhiều khách hàng tại thành phố và các các tỉnh đặt mua sỉ mỗi đợt hàng trăm sản phẩm. Tuy nhiên năm nay do ảnh hưởng của dịch COVID-19 anh chỉ làm khoảng 600 sản phẩm, giảm một nửa so với năm trước.
“Kinh tế nói chung và thu nhập của hầu hết người dân năm nay đều giảm so với năm trước do dịch COVID-19 nên các khoản chi tiêu cho sản phẩm không thiết yếu sẽ giảm đáng kể, sức mua các sản phẩm trang trí tết sẽ yếu hơn năm ngoái. Năm ngoái khách sỉ thường đặt hàng trăm sản phẩm một lần nhưng năm nay chỉ đặt mỗi lần vài chục sản phẩm để đánh giá thị trường.”, anh Hiếu thông tin về sức mua.
Theo anh Hiếu, mặc dù chi phí sản xuất có tăng nhưng để giữ khách quen nên anh hầu như không tăng giá bán sản phẩm. Mỗi chậu bonsai dừa đơn có giá từ 500.000 -700.000 nghìn đồng, các chậu bonsai cặp gồm hai cây dừa bonsai gắn hình trâu có giá từ 1 - 1,5 triệu đồng và bonsai hình trâu tiểu cảnh hòn non bộ có giá khoảng 2 triệu đồng. Ngoài khách sỉ, cũng có một số khách hàng trực tiếp đến tham quan và mua bonsai để bàn hoặc làm quà tặng nhân dịp tết nhưng số lượng chưa nhiều như mọi năm.
Phấn khởi khi vườn cúc Đà Lạt ra nụ khá đều dù thời tiết không mấy thuận lợi nhưng chị Kim Lan cũng chưa biết thị trường và giá hoa năm nay ra sao. Theo chị Lan, đoán trước sức mua của thị trường sẽ giảm do ảnh hưởng của dịch COVID-19 nên năm nay vườn nhà chị chỉ trồng khoảng 4.000 chậu cúc Đà Lạt, giảm hơn một nửa so với những năm trước; ngoài ra còn có mào gà, cúc vạn thọ nhưng số lượng không nhiều.
“Mình chỉ tập trung trồng và chăm sóc hoa để bán sỉ vì nếu bán các khu chợ hoa xuân thì sẽ tốn thêm chi phí thuê mặt bằng và chi phí thuê người bán. Năm nay chi phí thuê nhân công ngắt nụ, tỉa lá đã 200.000/người/ ngày, lao động nặng hơn như sắp xếp và tưới nước là 250.000 đồng/người/ngày.
Nếu bán hết sớm với giá trung bình của mọi năm thì còn lãi chút đỉnh còn nếu bán sỉ không hết phải đưa ra điểm bán lẻ vào sát tết thì hầu như nhà vườn không có lãi. Tới thời điểm này vẫn chưa có nhiều khách quen đến xem hoa và đặt số lượng nên cũng chưa biết mặt bằng giá ra sao. Với tình hình khó khăn như năm nay, nhà vườn chỉ mong bán được giá như năm trước chứ khó nâng giá dù chi phí vật tư và nhân công đều cao hơn”, chị Lan thông tin.
Cùng chung nhận định ông Trịnh Thế Giao chia sẻ thêm, kinh tế khó khăn nên vụ hoa tết năm nay hầu hết nhà vườn đã cắt giảm gần phân nửa số lượng hoa, kiểng. Nhà vườn cũng chọn trồng các loại hoa có giá bình dân từ 100.000 - 300.000 đồng/cặp để phù hợp với nhu cầu chung của nhiều người dân muốn trang trí ngày tết. Bên cạnh duy trì việc làm, kiếm thêm thu nhập thì nghề trồng hoa tết cũng là một cách để những người nông dân tạo ra chút không khí mùa xuân cho mọi người và cho chính mình.