Những ngày cận Tết này, người trồng hoa, cảnh Tết ở Quảng Trị đã bắt đầu vận chuyển hoa, cảnh từ vườn đến chợ và ven các tuyến đường ở thành phố, thị xã, thị trấn để bán.
Vụ Tết năm nay, ông Hoàng Hữu Khiêm ở làng hoa truyền thống An Lạc, phường Đông Giang, thành phố Đông Hà trồng 2.000 chậu hoa các loại như: cúc vàng, dạ yến thảo, đồng tiền… mang lại doanh thu khoảng 200 triệu đồng.
Ông Khiêm cho biết: vụ hoa Tết năm nay được mùa do thời tiết thuận lợi, không có lũ lụt lớn, mùa đông nhiệt độ xuống không quá thấp. Do đó, cây hoa sinh trưởng và phát triển tốt, hoa bung nở đúng thời điểm cung ứng ra thị trường dịp Tết, sắc hoa tươi đậm, cây khỏe.
An Lạc là làng trồng hoa Tết truyền thống nổi tiếng và có quy mô lớn nhất tỉnh Quảng Trị với khoảng 3 ha. Làng hoa này đã chuẩn bị 45.000 chậu hoa để cung ứng cho thị trường Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022; trong đó, chủ yếu là hoa cúc vàng, dạ yến thảo, cúc mâm xôi, thược dược.
Giá hoa vụ Tết năm nay tăng nhẹ khoảng từ 5 - 10% so với cùng kỳ năm ngoái. Cặp chậu hoa cúc vàng loại lớn có giá bán từ 3,5 - 4 triệu đồng, loại vừa từ 2 - 2,5 triệu đồng/cặp, loại nhỏ 800.000 - 1.500.000 triệu đồng/cặp. Các loại hoa như dạ yến thảo từ 50.000 - 70.000 đồng/chậu, thược dược từ 100.000 - 150.000 đồng/chậu...
Theo đại diện Tổ hợp tác trồng hoa làng An Lạc, dự kiến vụ hoa Tết Nguyên đán 2022, các nhà vườn có tổng doanh thu từ 3,5 - 4 tỷ đồng. Tuy nhiên, giá phân bón tăng gấp 2 lần, công chăm sóc hoa và vật tư khác cũng tăng, khiến người trồng hoa phải đầu tư kinh phí khá lớn cho sản xuất.
Ngoài làng hoa An Lạc sản xuất tập trung hoa Tết, các địa phương khác của tỉnh Quảng Trị trồng hoa, cảnh Tết chủ yếu theo quy mô gia đình với loại cây hoa được trồng nhiều nhất là hoa cúc vàng, thược dược và mai vàng.