Dồn dập “tấn công” thị trường ViệtSáng ngày 28/12, đại siêu thị Emart của tập đoàn bán lẻ hàng đầu Hàn Quốc Emart (thuộc tập đoàn Shinegae) đã chính thức khai trương tại Gò Vấp (TP Hồ Chí Minh) sau 5 năm tiến hành khảo sát và nghiên cứu thị trường tại Việt Nam. Có diện tích hơn 3 ha với tổng vốn đầu tư lên tới 60 triệu USD (tương đương 1.350 tỷ đồng), Emart Gò Vấp kì vọng đáp ứng nhu cầu mua sắm và tạo thói quen tiêu dùng hiện đại cho người Việt với các sản phẩm chất lượng và giá thành hợp lý. Hiện 99% gian hàng cho thuê tại siêu thị Emart đã được lấp đầy.
Đại siêu thị Emart Hàn quốc trong ngày đầu khai trương đã thu hút hàng ngàn lượt người đến tham quan và mua sắm. |
Aeon Mall của Nhật Bản tuy đã tham gia thị trường Việt Nam hơn một năm nay, nhưng tháng 11 vừa qua, Aeon Mall tiếp tục trình làng một trung tâm thương mại lớn ở Long Biên (Hà Nội) có khả năng phục vụ hơn một triệu người. Ngay sau đó, tập đoàn bán lẻ hàng đầu của Pháp - Auchan cũng chính thức ký thỏa thuận hợp tác chiến lược với Công ty cổ phần Hóa dầu Quân đội (MIPEC). Cùng với đó, Auchan cũng đã ký hợp đồng thuê mặt bằng của Trung tâm Thương mại Long Biên để triển khai chuỗi siêu thị bán lẻ Simply Mart tại thị trường miền Bắc. Theo kế hoạch, siêu thị Simply Mart đầu tiên sẽ được Auchan khai trương vào năm tới, rồi tiếp tục mở rộng hệ thống, dự kiến tới năm 2020 sẽ phủ kín khu vực phía Bắc với 20 siêu thị.
Tiềm năng và thách thứcĐánh giá về thị trường Việt Nam, ông Theodore Knipfing, Giám đốc dịch vụ bán lẻ Cushman&Wakefield châu Á Thái Bình Dương, cho biết các nhà bán lẻ quốc tế thật sự quan tâm đến thị trường châu Á, cụ thể là Myanmar, Việt Nam và Campuchia. Trong đó, thị trường bán lẻ Việt Nam được xem là tiềm năng hơn hai nước còn lại do Việt Nam ngày càng khẳng định được vai trò và vị trí quan trọng của mình trong cộng đồng châu Á. Đặc biệt, trước ngưỡng hội nhập TPP và AEC, thị trường bán lẻ Việt Nam sẽ ngày càng sôi động hơn vì đây là cơ hội cho các nhà bán lẻ nước ngoài.
Ông Choi Kwang Ho, Tổng Giám đốc Emart Việt Nam, cũng thừa nhận Việt Nam là thị trường bán lẻ đầy tiềm năng. Đó là lý do tại sao Việt Nam là thị trường thứ hai của hệ thống siêu thị Emart khi tiến ra nước ngoài. “Ban đầu, chúng tôi dự tính Trung Quốc là thị trường cơ sở để Emart có thể tiến ra các khu vực Đông Nam Á. Nhưng sau khi tìm hiểu thị trường Việt Nam, chúng tôi nhận thấy thị trường bán lẻ Việt Nam tiềm năng hơn Trung Quốc. Do đó, chúng tôi quyết định dồn mọi nguồn lực để đầu tư tại Việt Nam và biến nơi đây thành thị trường vững chắc, từ đó làm bàn đạp để thâm nhập thị trường khác. Thực tế cho thấy, với hơn 90 triệu dân đang sinh sống tại Việt Nam, điều này đồng nghĩa nhu cầu tiêu dùng tại Việt Nam rất nhiều. Vì thế, Emart không chỉ xây dựng mô hình đại siêu thị như hiện nay mà sắp tới sẽ mở thêm nhiều mô hình linh hoạt hơn để đáp ứng thị hiếu người tiêu dùng”, ông Choi Kwang Ho nói.
Theo công ty nghiên cứu thị trường Statista (Đức) dự báo, thị trường bán lẻ Việt Nam có thể đạt dung lượng 100 tỷ USD vào năm 2016. Bởi theo bảng dữ liệu của Bộ Công Thương, thị phần bán lẻ hiện đại ở Việt Nam mới chiếm khoảng 25% trên tổng mức bán lẻ, trong đó có hơn 20 doanh nghiệp nước ngoài đang kinh doanh tại Việt Nam. Vì thế, miếng bánh thị phần thị trường bán lẻ còn rất lớn để các nhà đầu tư ngoại tiếp tục chọn Việt Nam làm điểm đến.
Thế nhưng, bên cạnh những tiềm năng cũng không ít thách thức cho những nhà bán lẻ do sức ép cạnh tranh ngày càng lớn. Cụ thể, tổng mức bán lẻ hàng hóa tăng mỗi năm nhưng tốc độ tăng trưởng lại ngày càng giảm. Thực tế là Tập đoàn Casino, đơn vị sở hữu thương hiệu Big C tại Việt Nam, đã phát đi thông cáo nêu rõ sẽ tái cơ cấu tài chính trên toàn cầu trong thời gian tới nhằm giảm dần các khoản nợ. Cụ thể, Casino dự kiến sẽ huy động số vốn khoảng 2 tỷ euro (2,2 tỷ USD) trong năm sau thông qua các giao dịch bất động sản, đồng thời sẽ tiến hành bán lại một số tài sản không cốt lõi. Trong đó, chuỗi siêu thị Big C ở Việt Nam vốn không được Casino đánh giá cao về tiềm năng kinh doanh trong dài hạn. Theo tạp chí Retail Asia, so với chuỗi siêu thị Big C ở Thái Lan và Lào, doanh thu của hệ thống bán lẻ này tại Việt Nam chỉ đạt 546 triệu USD trong năm 2014, trong khi đó doanh thu của Big C tại Thái Lan đã vượt mức 3,4 tỷ USD.
“Như vậy, một khi thị trường bán lẻ Việt Nam bổ sung thêm các mảnh ghép đang còn thiếu để trở thành một thị trường trưởng thành hơn thì tất yếu sẽ có những chuỗi bán lẻ khác còn yếu buộc phải cơ cấu lại để hoàn thiện hơn. Ngay cả các tập đoàn bán lẻ nước ngoài đã tồn tại trên thị trường Việt Nam từ lâu nhưng vẫn chọn phương án mua bán và sáp nhập (M&A) như Maximax, Metro Cash&Carry, Big C…”, ông Theodore Knipfing khuyến cáo.
Vì thế, theo ông Theodore Knipfing cho dù các nhà bán lẻ nội có nhiều lợi thế như am hiểu tốt hơn về người tiêu dùng, có mối quan hệ, có quỹ đất…thì họ cũng không nên chủ quan mà phải tranh thủ học hỏi những cái mới, những cái hay từ các nhà bán lẻ nước ngoài và kết hợp với các ưu điểm của mình để phát huy lợi thế cạnh tranh lên mức cao nhất. Cần phải linh hoạt và uyển chuyển để thích nghi với những thay đổi của thị trường vì bản chất của thị trường bán lẻ rất nhanh thay đổi, đặc biệt là tại các quốc gia mới nổi như Việt Nam thì thị trường còn tiềm ẩn nhiều rủi ro và biến động hơn nữa.