Ông Theodore Knipfing, Giám đốc dịch vụ bán lẻ Cushman & Wakefield. |
Theo ông thì thị trường bán lẻ nào đang nóng và đang thu hút nhà đầu tư nhất?
Ông Knipfing: Theo thực tế quan sát của tôi, các nhà bán lẻ quốc tế thật sự quan tâm đến thị trường Châu Á, đặc biệt là Việt Nam vì tiềm năng thị trường bán lẻ Việt Nam lớn. Và khi Hiệp định TPP được thông qua, rất nhiều người hào hứng và trông đợi Hiệp định này sẽ làm thay đổi và phát triển thị trường bán lẻ. Tôi đồng ý là Hiệp định sẽ mang lại nhiều lợi ích cho thị trường, tuy nhiên chắc chắn không phải doanh số bán lẻ sẽ tăng đột biến hay sự gia nhập rầm rộ của các nhà bán lẻ nước ngoài chỉ sau một đêm. Tôi khằng định rằng, chính những thành phần tham gia vào thị trường bán lẻ hiện nay sẽ giúp các nhà bán lẻ nước ngoài quyết định gia nhập thị trường hay không. Bởi các nhà làm chính sách, các nhà bán lẻ trong nước, các nhà phát triển bất động sản bán lẻ, người dân…chính những thành phần tham gia vào thị trường này sẽ giúp thị trường phát triển, không chỉ là từ góc độ kích thích kinh tế từ hoạt động mua sắm đơn thuần mà là từ việc cung cấp những tiện ích nhằm làm thay đổi thói quen người dân khi mua sắm (bao gồm từ chợ truyền thống chuyển sang siêu thị, cửa hàng tiện lợi, trung tâm thương mại…) thay đổi thói quen sinh hoạt (ăn uống tại nhà hàng, vui chơi cuối tuần..) cung cấp sản phẩm chất lượng tốt với giá cả vừa phải, nâng lương nhằm tăng khả năng chi trả, cải thiện đường sá đô thị, tiện ích hạ tầng… Một khi thị trường bán lẻ Việt Nam bổ sung thêm các mảnh ghép đang còn thiếu để trở thành một thị trường trưởng thành hơn, thì các nhà bán lẻ nước ngoài ngay lập tức sẽ nhìn ra và gia nhập thị trường ngay mà chúng ta không cần phải làm gì nhiều để thu hút cả.
Vậy thưa ông, có phải sau khi gia nhập TPP, hàng rào thuế quan được gỡ bỏ, giá cả hàng hóa sẽ rẻ hơn và người dân sẽ tăng khả năng tiếp cận được với hàng hóa nằm trong khả năng chi trả của họ, điều này sẽ cải thiện được thói quen mua sắm của họ không?
Ông Knipfing: Theo tôi được biết thì tại đa số các nước Châu Á, mức thuế cao nhất được áp dụng cho hàng hóa xa xỉ, nằm trong khoảng 20 – 30%, và các mặt hàng này không bị ảnh hưởng gì bởi TPP vì vẫn bị đánh thuế như thường. Chỉ có các loại hàng hóa tầm trung, phổ thông sẽ được hưởng lợi nhiều nhất vì hàng rào thuế quan được gỡ bỏ.
Lợi ích lớn nhất mà TPP mang lại chính là sự lưu thông hàng hóa, tự do thương mại. Quay trở lại với việc mở rộng quy mô và mạng lưới kinh doanh của các nhà bán lẻ, họ sẽ tìm kiếm các nước nằm cùng trong một khu vực có vị trí liền kề nhau ví dụ Thái Lan, Campuchia và Việt Nam. Hàng hóa tập trung tại một nước và vận chuyển qua các nước lân cận sẽ nhanh và rẻ hơn nhiều so với việc vận chuyến qua các nước khác khu vực, hơn nữa vận chuyển hàng hóa giữa các nước liền kề này thì thuế suất rất thấp hoặc thập chí không có thuế. Họ sẽ ngày càng tập trung nguồn lực và đầu tư vào các thị trường tiềm năng nằm trong cùng một khu vực địa lý.
Theo kinh nghiệm của tôi, một trong những khó khăn lớn nhất cho những nhà bán lẻ chính là nhìn mọi vấn đề ở quy mô toàn cầu nhưng phải phân bố nguồn lực một cách phù hợp nhất để mang lại lợi nhuận cho thương hiệu và cho cổ đông. Một quốc gia có thể có sự tăng trưởng lợi nhuận cao, thị trường bán lẻ rất tiềm năng nhưng nếu đó là một thị trường nhỏ hoặc nhỏ hơn các quốc gia như Indonesia, Ấn Độ hay Trung Quốc thì thứ tự ưu tiên sẽ phải được xem lại. Nếu các quốc gia nằm gần nhau tạo thành một thị trường chung có các quy định dành cho nhà bán lẻ tương đồng, thuế suất ít hơn (Liên minh châu u là một ví dụ) thì các nhà bán lẻ sẽ xem xét việc tiến vào thị trường chung này vì lúc này nó là một thể thống nhất, và nhân lực của họ cũng tinh gọn hơn rất nhiều chứ không phải chia ra từng nhóm phụ trách từng nước với các quy trình được lặp lại ở từng quốc gia.
Như ông chia sẻ, thị phần hàng cao cấp chỉ chiếm 5% thị trường bán lẻ, vậy ông dự báo tỷ lệ % này khi nào sẽ được tăng lên, đồng nghĩa với việc nhiều người Việt Nam có thể có khả năng mua hàng hiệu?
Ông Knipfing: Ngoài những yếu tố đã kể trên như thuế nhập khẩu, các loại thuế dành riêng cho hàng cao cấp thì còn một yếu tố nội tại khá quan trọng là làm sao tạo được lòng tin từ người tiêu dùng, những người bỏ ra rất nhiều tiền để sở hữu hàng cao cấp. Tâm lý chung của họ là thường không mấy tin tưởng vào hàng cao cấp họ mua trong nước hoặc tại các nước đang phát triển. Ở Trung Quốc cũng vậy, họ sẽ tin sản phẩm họ mua tại Nhật hoặc Paris hơn là cùng sản phẩm đó tại Bắc Kinh và Thượng Hải. Việc tạo ra trải nghiệm mua sắm ngay tại các cửa hàng trong nước để khách hàng cảm nhận được sự chuyên nghiệp, để từ đó tin tưởng vào thương hiệu vô cùng quan trọng. Việc đào tạo nhân viên bán hàng cũng vậy, nếu chất lượng nhân viên của các cửa hàng tại Hong Kong, Singapore hay Tokyo hơn hẳn Việt Nam thì khách hàng sẽ chọn lựa mua tại nước ngoài vì việc mua một chiếc túi đắt tiền không hẳn chỉ là việc mua túi, nó còn là một sự trải nghiệm. Nếu mục đích chỉ là mua một chiếc túi, họ có thể mua sau một cú click chuột đơn giản nhưng người mua thường muốn đến tận cửa hàng vì có nhiều sự lựa chọn, cảm nhận không gian, thiết kế, cảm nhận sản phẩm, cảm nhận sự đặc biệt và đẳng cấp của bản thân, cảm nhận vị trí thượng đế mà người bán tạo ra cho mình. Đó là tất cả những gì mà hàng cao cấp mang lại. Trải nghiệm của khách hàng phải được nâng cao, kiến thức và thông tin sản phẩm cần phải được phổ biến hơn nữa.
Một điều nữa không thể không nhắc đến chính là số lượng người Việt Nam đi du lịch nước ngoài, 3 địa điểm mà người Việt Nam mong muốn đến nhất là Paris, New York và Singapore nhưng thực tế thì Singapore, Thái Lan, Campuchia và Myanmar lại là những nơi mà người Việt đi du lịch nhiều nhất. Điều này có nghĩa là chúng ta đi du lịch tại các quốc gia láng giềng nhiều hơn cả, và các bạn có biết là hàng hóa cao cấp tại Việt Nam bán cho ai không? Chính là khách du lịch đến từ Campuchia, Myanmar. Một số nhà bán lẻ cho biết, 30% doanh số bán hàng tại TP Hồ Chí Minh là bán cho khách du lịch đến từ các quốc gia láng giềng. Nếu chúng ta nâng cao trải nghiệm mua sắm cho khách du lịch, mang lại cảm giác đặc biệt giống như chúng ta có khi mua sắm tại nước ngoài thì không chỉ khách du lịch mà cả người dân trong nước cũng sẽ mua nhiều hơn.
Người dân TP Hồ Chí Minh nhạy bén về giá cả hơn người Hà Nội, nên nếu tại TP Hồ Chí Minh mà giá đắt hơn, dịch vụ kém hơn Singapore thì họ sẵn sàng mua vé báy may giá rẻ đến Singapore vào cuối tuần và mua sắm ở đó.
Vậy ông nghĩ là mất bao lâu để các Trung tâm thương mại hiện nay thay đổi và cải thiện chất lượng để thu hút người dân vào mua sắm?
Ông Knipfing: Khó để nói mất bao lâu vì còn nhiều yếu tố quyết định việc này, như tôi đã liệt kê trước đó, nào là các quy định hiện hành, nào là tiềm năng và sự phát triển của thị trường, sức mua của người dân, thói quen mua sắm... Hiện nay các trung tâm thương mại chưa bước vào giai đoạn phát triển bùng nổ nhưng đã có vài dấu hiệu, ví dụ như Vincom đang xây một lúc 20 trung tâm thương mại, điều này khiến tôi hình dung ra bức tranh về thị trường bán lẻ Việt Nam sẽ thay đổi đến như thề nào trong 5 năm tới, hàng loạt các Trung tâm thương mại được xây dựng và điều hành bởi cả doanh nghiệp nội và ngoại. Bức tranh trong 10 năm nữa lại càng có nhiều khác biệt, do đó sẽ khó để trả lời câu hỏi của bạn chính xác là khi nào nhưng thật sự là tôi đang nhận thấy sự thay đổi, cải thiện chất lượng của các Trung tâm thương mại đang diễn ra.
Các nhà bán lẻ nước ngoài cũng sẽ không lạc quan đến mức vào thị trường, xây dựng trung tâm thương mại với rất nhiều các thương hiệu nước ngoài và mong đợi là nó sẽ thành công, họ sẽ nghiên cứu và học hỏi từ những thành công của doanh nghiệp bản địa để áp dụng cho họ, họ sẽ phải tìm cách để thu hút người dân đến trung tâm của họ bằng cách trả lời câu hỏi làm như thế nào để thay đổi thói quen sinh hoạt và mua sắm của người dân. Hai vấn đề tiền và thói quen là hai việc hoàn toàn khác nhau, kể cả thu nhập có tăng đi chăng nữa thì chưa chắc họ vào trung tâm mua sắm nếu họ không có thói quen.
Báo cáo mới đây của Cushman & Wakefield có đề cập Việt Nam có một số con đường lọt vào danh sách những con đường bán lẻ đắt nhất thế giới. Theo ông, việc giá thuê đắt đỏ này xảy ra vì những yếu tố nào thưa ông?
Ông Knipfing: Tôi nghĩ là bảng xếp hạng này, với thông tin giá thuê tại một số con đường mua sắm trung tâm lọt vào những con đường đắt đỏ nhất Thế giới chỉ phản ánh được một phần chứ không toàn diện về giá thuê mặt bằng bán lẻ tại Việt Nam. Chỉ một số con đường tại quận trung tâm như Đồng Khởi nơi có các khối đế bán lẻ của Khách sạn Sheraton, Caravelle, Times Square hay trung tâm thương mại Union Square và Vincom Center mới có giá như vậy mà thôi. Đây cũng là điều tất yếu khi mà các khu vực này có vị trí đắc địa ngay trung tâm Quận 1, nơi những người có thu nhập cao, người nước ngoài thường lui tới. Tôi muốn nhấn mạnh rằng nó không có gì bất thường vì đây là một khu vực rất nhỏ tại Việt Nam và không phản ánh giá thuê trung bình của mặt bằng bán lẻ nói chung.
Liệu chúng ta có quá kỳ vọng quá nhiều vào sức tăng trưởng của thị trường bán lẻ khi Việt Nam tham gia các hiệp định thương mại (FTAs) và Cộng đồng Kinh tế Chung ASEAN (AEC)?
Ông Knipfing: Những Hiệp định thương mại là những điểm tích cực cho thị trường, và đúng là tôi có nhìn thấy có sự kỳ vọng hơi nhiều vào nó. Về lý thuyết mà nói thì sẽ có rất nhiều các nhà máy, xí nghiệp, các công ty đến làm ăn và thị trường sẽ chứng kiến sự tăng trưởng doanh thu khi hoạt động giao thương nhộn nhịp hơn. Nhưng với trường hợp của Việt Nam thì nền kinh tế đang tăng trưởng tốt, cần phải thúc đẩy kinh tế hộ gia đình cao hơn, cải thiện thói quen sinh hoạt và mua sắm gắn liền với các hình thức bán lẻ hiện đại (siêu thị, cửa hàng tiện lợi, trung tâm thương mại..). Tỷ lệ dân cư sống tại đô thị tại Việt Nam là 30% và thu nhập bình quân đầu người khoảng 2.000 USD/ 1 năm, những con số này sẽ cao hơn trong thời gian tới, vậy các chủ trung tâm thương mại, các nhà phát triển bất động sản phải làm thế nào để thu hút được càng nhiều người đến trung tâm thương mại của họ càng tốt. Các hiệp định nêu trên rất quan trọng, tự do hàng hóa, xóa bỏ các rào cản thương mại và thuế cũng rất quan trọng nhưng đều đến từ bên ngoài, chúng ta phải mạnh từ bên trong, phải thay đổi thói quen sinh hoạt, mua sắm và điều này cần thời gian mới có thể giúp thị trường bán lẻ trưởng thành.
Năm 2015 đã sắp kết thúc, ông có nhận định như thế nào về thị trường bán lẻ tại Việt Nam.
Ông Knipfing: Năm vừa qua là một năm đầy thú vị cho thị trường bán lẻ nói chung, xét về khu vực Châu Á thì đây cũng chính là một trong những thị trường bán lẻ thành công nhất trên Thế giới và khu vực Đông Nam Á cũng đóng góp lớn rất nhiều cho thành công này. Đối với Việt Nam, tôi thấy rằng các bạn đang có nhiều điều kiện thuận lợi như thu nhập bình quân đầu người đang tăng, kinh tế vĩ mô đang đà phát triển, những Hiệp định thương mại như TPP và Cộng đồng chung Châu Á đang đạt được những thỏa thuận tốt. Tất cả những điều kiện thuận lợi trên sẽ mang lại những điểm sáng nhất định cho kinh tế nói chung và thị trường bán lẻ nói riêng.
Đứng trước cơ hội cũng như những thách thức này, các doanh nghiệp bán lẻ nội nên có những thay đổi như thế nào thưa ông?
Ông Knipfing: Dù cho các nhà bán lẻ nội có nhiều lợi thế như am hiểu tốt hơn về người tiêu dùng, có mối quan hệ, có quỹ đất… thì họ cũng không nên chủ quan mà phải tranh thủ học hỏi những cái mới, những cái hay từ các nhà bán lẻ nước ngoài và kết hợp với các ưu điểm của mình để phát huy lợi thế cạnh tranh lên mức cao nhất. Cần phải linh hoạt và uyển chuyển để thích nghi với những thay đổi của thị trường vì bản chất của thị trường bán lẻ rất nhanh thay đổi, đặc biệt là tại các quốc gia mới nổi như Việt Nam thì thị trường còn tiềm ẩn nhiều rủi ro và biến động hơn nữa.