Nguyên nhân giải ngân vốn đầu tư công trong nông nghiệp đạt thấp

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết, dự kiến đến 30/6, lượng giải ngân vốn đầu tư xây dựng cơ bản của Bộ sẽ chỉ đạt khoảng 25%.

Chú thích ảnh
Thi công các cống ngăn mặn thuộc dự án thủy lợi Bắc Bến Tre. Ảnh tư liệu: Công Trí/TTXVN

Nhưng đến cuối năm, khối lượng giải ngân sẽ đạt trên 90%; trong đó, vốn trong nước sẽ đạt từ 95-98%, vốn ODA sẽ từ 78-79%.

Ông Nguyễn Hải Thanh - Cục trưởng Cục Quản lý xây dựng công trình, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết, Bộ đã nhận diện trong quý I, quý II và nửa đầu quý III, giải ngân vốn đầu tư xây dựng cơ bản của Bộ sẽ không cao, ở dưới mức độ trung bình của cả nước nhưng không nhiều. So với các bộ, ngành thì Bộ vẫn thuộc trung bình khá.

Theo ông Nguyễn Hải Thanh, giai đoạn trung hạn vừa qua, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã hoàn thành 44/49 công trình thủy lợi với số vốn lớn và đi vào hoạt động, phát huy hiệu quả như mục tiêu đã đề ra.  

Do vậy, giai đoạn này, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ yếu là các dự án mới. Bên cạnh đó là những dự án công trình kéo dài, đã được Thủ tướng Chính phủ cho phép và lượng vốn không nhiều. Một phần nữa là một số công trình vì dịch COVID-19 kéo dài và số lượng vốn cho các công trình cũng không lớn, mục đích là hoàn thiện các dự án đã cơ bản hoàn thành. 

Với các dự án mới sẽ phải có thời gian để khảo sát, thiết kế và phê duyệt trong các giai đoạn. Tính trung bình mỗi dự án trong một giai đoạn cả đấu thầu sẽ phải mất 8 tháng. Trung bình thời gian khảo sát, thiết kế cũng mất từ 3-4 tháng cho mỗi giai đoạn. 

Theo ông Nguyễn Hải Thanh, kinh phí cho khảo sát, thiết kế rất quan trọng, nhưng lượng vốn cho khảo sát, thiết kế lại chỉ chiếm 10-12% trong tổng mức đầu tư. Lượng vốn cần giải ngân lớn thuộc chính ở phần xây lắp. Do đó, cuối quý III và quý IV, các hồ sơ đấu thầu hoàn thiện thì lượng vốn giải ngân chính sẽ nằm ở giai đoạn này.

“Khảo sát thiết kế là khâu rất quan trọng để đảm bảo về chất lượng, tiến độ công trình. Nếu khảo sát thiết kế sai thì sẽ tạo ra những hệ lụy là phải điều chỉnh một loạt những vấn đề trong thi công sau này”, ông Nguyễn Hải Thanh chỉ ra.

Do đó, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã tập trung, nhận diện các nhóm vấn đề để tập trung khảo sát, thiết kế đem lại chất lượng tốt nhất. Bộ đã có nhìn nhận vấn đề và kế hoạch trong tiến độ thực hiện các dự án và giải ngân. Đó là những dự án có khả năng khởi công trong năm 2022 như: các dự án thủy lợi ở khu vực Đồng bằng sông Cửu Long; một số hệ thống kênh đã có đầu mối từ giai đoạn trước như hệ thống thủy lợi Nà Sản (Sơn La)…

Với một số dự án có vốn ODA, ông Nguyễn Hải Thanh cho hay,  một số dự án đã xong nhưng chưa được phép đấu thầu. Chẳng hạn là các dự án tại các khối trường, công việc của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã hoàn thành, hiện đang phụ thuộc vào các trường, bộ, ngành khác.

“Những bộ, ngành nào đã xong hồ sơ, nên có cơ chế được tách ra để cho đấu thầu trước”, ông Thanh kiến nghị.

Với những dự án sau khi rà soát cho thấy, giá nguyên vật liệu tăng quá lớn đã tác động mạnh đến việc thực hiện dự án, như dự án của JICA tại Bến Tre vượt cả tổng mức đầu tư. Với những dự án như thế này, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn sẽ phải làm việc với JICA và báo cáo Thủ tướng Chính phủ.

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng có một số dự án quan trọng thuộc nhóm A bị kéo dài và đội vốn do hợp phần bồi thường, hỗ trợ tái định cư như dự án: hồ Cánh Tạng (Hòa Bình), hồ chứa nước Bản Mồng (Nghệ An)... Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã cùng các địa phương tháo gỡ, thậm chí hỗ trợ kinh phí địa phương từ nguồn vốn tiết kiệm trong quản lý đầu tư của mình. 

Trước tình trạng trên, ông Nguyễn Hải Thanh bày tỏ, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng như một số bộ, ngành đã báo cáo Thủ tướng Chính phủ giải phóng mặt bằng phải đi trước một bước và tách ra thành dự án độc lập. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng đang kiến nghị một số dự án sẽ thí điểm theo mô hình này.

Đến nay, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã phân bổ hết 6.438 tỷ đồng vốn đầu tư xây dựng cơ bản năm 2022; trong đó, vốn trong nước là 4.538 tỷ đồng, vốn ODA 1.900 tỷ đồng.

Bích Hồng (TTXVN)
Đẩy nhanh giải ngân đầu tư công phải bằng các biện pháp căn cơ và lâu dài
Đẩy nhanh giải ngân đầu tư công phải bằng các biện pháp căn cơ và lâu dài

Đã qua nửa đầu năm 2022 nhưng kết quả ngân vốn đầu tư công của cả nước vẫn rất thấp và Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng đã lý giải, đồng thời đề xuất các giải pháp để nhanh chóng cải thiện và thúc đẩy giải ngân, đẩy nhanh tiến độ thực hiện, sớm hoàn thành các dự án.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN