Cần Thơ lần đầu họp về giải ngân vốn đầu tư công

Ngày 3/6, tại thành phố Cần Thơ, Thường trực Hội đồng nhân dân (HĐND) thành phố Cần Thơ đã tổ chức Phiên họp giải trình về tình hình, kết quả thực hiện và giải ngân vốn đầu tư công của thành phố năm 2022; tình hình triển khai, tiến độ thực hiện các dự án được HĐND thành phố quyết định chủ trương đầu tư tại kỳ họp thường lệ cuối năm 2020 của HĐND thành phố.

Chú thích ảnh
 Ông Phạm Văn Hiểu, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy, Chủ tịch HĐND thành phố phát biểu tại phiên họp. 

Báo cáo tại Phiên họp, ông Dương Tấn Hiển, Phó Chủ tịch Thường trực UBND thành phố Cần Thơ cho hay, năm 2022, thành phố Cần Thơ được HĐND giao kế hoạch vốn đầu tư công là 7.510,3 tỷ đồng, bao gồm ngân sách Trung ương, nguồn vốn trong nước, vốn vay ODA, ngân sách địa phương và các nguồn vốn khác. UBND thành phố đã tiến hành phân bổ cho các chủ đầu tư và các quận, huyện với tổng vốn được phân bổ là 7.505 tỷ đồng.

Tính đến ngày 30/5, kết quả giải ngân qua Kho bạc thành phố là 965,629 tỷ đồng, đạt 13,22% kế hoạch giao vốn chi tiết, tăng 268,4 tỷ đồng về giá trị tuyệt đối so với cùng kỳ năm 2021 nhưng chỉ bằng khoảng 50% so với tỷ lệ giải ngân bình quân chung cả nước; trong đó cấp thành phố giải ngân đạt 8,12%, cấp quận, huyện giải ngân đạt 30,16%.

Đối với cấp thành phố, mặc dù giá trị giải ngân cao hơn 59 tỷ đồng so với cùng kỳ năm 2021 nhưng tỷ lệ giải ngân đạt rất thấp và chưa đạt yêu cầu đề ra. Trong tổng số vốn 5.608 tỷ đồng được giao cho 21 sở, ngành thành phố làm chủ đầu tư, đến nay có 5 chủ đầu tư chưa giải ngân, 9 chủ đầu tư giải ngân dưới 10%, 2 chủ đầu tư giải ngân trên 10% và dưới 20% kế hoạch vốn, 5 chủ đầu tư giải ngân trên 30% kế hoạch vốn…

Cũng theo ông Hiển, khó khăn, hạn chế lớn nhất hiện nay đó là kết quả khắc phục những khó khăn, hạn chế của những năm trước còn chậm, nhất là trong giải phóng mặt bằng, tái định cư; tổ chức thực hiện các thủ tục ở giai đoạn chuẩn bị các điều kiện đầu tư phục vụ triển khai thi công còn chậm; giá cả vật liệu xây dựng trong những tháng gần đây có xu hướng tăng cao.

Nguyên nhân khách quan đó là các dự án trọng điểm thành phố chiếm tỷ trọng lớn trong kế hoạch vốn năm 2022 đang trong quá trình thực hiện kiểm kê, áp giá và trình phê duyệt phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư… nên trong những tháng đầu năm khối lượng giải ngân vốn chưa nhiều. Bên cạnh đó, giải phóng mặt bằng gặp khó khăn chủ yếu do người dân còn khiếu nại về giá và chính sách hỗ trợ tái định cư. Các dự án khởi công mới vào cuối năm 2021 được tạm ứng hợp đồng thi công theo quy định nên những tháng đầu năm 2022 khối lượng hoàn thành ngoài công trường chỉ được thanh toán một phần, phần còn lại phải thực hiện hoàn tạm ứng theo quy định nên số giải ngân chưa nhiều. Ngoài ra, giá cả vật liệu xây dựng tăng cao trong những tháng qua đã ảnh hưởng phần nào đến tiến độ thi công.

Nguyên nhân chủ quan là do tính chủ động phối hợp tổ chức triển khai thực hiện thủ tục dự án của một số đơn vị chủ đầu tư chưa cao, mất nhiều thời gian. Trong khi đó, tiến độ thực hiện các khu tái định cư còn chậm, ảnh hưởng đến bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, bàn giao mặt bằng một số dự án khác.

Mặt khác, việc quản lý và phối hợp với đơn vị thi công trong giám sát, thúc đẩy công việc của các chủ đầu tư chưa tốt. Một số nhà thầu không tích cực thi công, còn viện lý do vướng mặt bằng tại một số vị trí để thi công cầm chừng, đặc biệt là trong giai đoạn giá vật liệu xây dựng tăng…

Tại Phiên họp giải trình, các đại biểu HĐND thành phố đã đặt ra những câu hỏi xoay quanh vấn đề như: Cần Thơ cũng giống như các địa phương khác của cả nước đều gặp khó khăn như giá vật tư, vật liệu tăng cao nhưng sao Cần Thơ giải ngân chỉ đạt tỷ lệ bằng 50% so với bình quân chung của cả nước? Trách nhiệm của các cơ quan chức năng như thế nào? Giải pháp gì để đẩy nhanh tiến độ giải ngân trong thời gian tới? Tại sao còn nhiều chủ đầu tư đến nay chưa giải ngân? Công tác xử lý các chủ đầu tư cũng như nhà thầu thi công không đảm bảo tiến độ thời gian qua được thực hiện như thế nào? Tại sao các dự án tái định cư đã có sẵn mặt bằng nhưng chủ đầu tư chưa triển khai thi công? Tại sao có những dự án đã triển khai thi công rồi lại phải điều chỉnh nhiều lần, gây mất rất nhiều thời gian. Việc xử lý các nhà thầu có năng lực yếu thời gian qua thực hiện như thế nào, giải pháp khắc phục trong thời gian tới?…

Ông Phạm Văn Hiểu, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy, Chủ tịch HĐND thành phố Cần Thơ cho biết, mặc dù đây là Phiên họp giải trình đầu tiên của nhiệm kỳ 2021 - 2026, nhưng các đại biểu HĐND thành phố đã thể hiện được tinh thần dân chủ, trách nhiệm, nghiên cứu kỹ các báo cáo và tập trung trao đổi, đặt ra nhiều vấn đề yêu cầu giải trình, làm rõ. Lãnh đạo Uỷ ban Nhân dân (UBND) thành phố, giám đốc sở, thủ trưởng các cơ quan, đơn vị, địa phương có liên quan đã cơ bản giải trình khá cụ thể về những nguyên nhân, cũng như xác định được trách nhiệm của cơ quan, đơn vị đối với những tồn tại, hạn chế vừa nêu, đồng thời, có đề ra các giải pháp, lộ trình cụ thể để khắc phục hoặc thực hiện trong thời gian tới.

Ông Hiểu cũng yêu cầu UBND thành phố Cần Thơ tiếp tục phân công các đồng chí Phó Chủ tịch UBND thành phố theo lĩnh vực phụ trách, thường xuyên theo dõi, đôn đốc, kiểm tra, kịp thời giải quyết những khó khăn vướng mắc trong quá trình triển khai thực hiện các dự án theo nhiệm vụ, quyền hạn được giao. Đồng thời, tiếp tục chỉ đạo các sở, ngành, UBND các cấp, các chủ đầu tư tiếp tục thực hiện nghiêm các nhiệm vụ, giải pháp theo đúng chỉ đạo của Chính phủ tại Nghị quyết số 01 của Thủ tướng Chính phủ về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách năm 2022 và Nghị quyết số 11 về Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội.

Mặt khác, thành phố quyết liệt thực hiện và đẩy nhanh tiến độ giải ngân kế hoạch vốn đầu tư công, xem đây là nhiệm vụ chính trị quan trọng trong năm 2022. Thành phố khẩn trương chỉ đạo rà soát, xác định, phân loại những khó khăn, vướng mắc trong từng khâu, từng công trình, dự án để kịp thời có biện pháp tháo gỡ; đồng thời chỉ đạo các chủ đầu tư, các sở, ngành có liên quan làm việc với từng quận, huyện để đẩy nhanh giải phóng mặt bằng, hỗ trợ tái định cư, đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của nhân dân theo luật định. 

Đặc biệt, thành phố chỉ đạo Hội đồng thẩm định thành phố khẩn trương thực hiện và sớm trình UBND thành phố phê duyệt giá đất cụ thể tại các công trình, dự án trên địa bàn quận, huyện làm cơ sở để thực hiện bồi thường cho các hộ dân bị ảnh hưởng…

Chú thích ảnh
Ông Trần Việt Trường, Chủ tịch UBND thành phố phát biểu giải trình tại phiên họp. 

Tại Phiên họp giải trình, Chủ tịch UBND thành phố Cần Thơ Trần Việt Trường đã yêu cầu giám đốc sở, ngành, đơn vị, địa phương được giao nhiệm vụ chủ đầu tư, chủ dự án, quản lý dự án nghiêm túc tiếp thu, tập trung có hiệu quả theo phạm vi chức năng, nhiệm vụ được giao, khắc phục ngay các mặt hạn chế, có biện pháp tích cực đẩy nhanh tiến độ hoàn thành kế hoạch giải ngân năm 2022 (trên 95%). Đồng thời, tổ chức thực hiện nghiêm túc ý kiến chỉ đạo của UBND thành phố, Chủ tịch UBND thành phố liên quan đến giải ngân vốn đầu tư công; trong đó tập trung những vấn đề trọng tâm: quán triệt quan điểm trong chỉ đạo điều hành, xác định việc giải ngân vốn đầu tư công là một trong những nhiệm vụ trọng tâm trong chỉ đạo, điều hành, tổ chức thực hiện quyết liệt để đạt mục tiêu đề ra. Mặt khác, gắn vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu trong chỉ đạo tổ chức thực hiện các dự án từ khâu chuẩn bị đầu tư, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư đến khâu thực hiện dự án; thường xuyên rà soát, đôn đốc, kiểm tra, kịp thời phát hiện và tháo gỡ các khó khăn vướng mắc phát sinh của từng dự án, nhất là các dự án trọng điểm có số vốn lớn.

Ngoài ra, các đơn vị tăng cường kỷ luật, kỷ cương, cụ thể hóa trách nhiệm đến từng cá nhân, phân công cụ thể trong từng thành viên lãnh đạo đơn vị, từng cán bộ lãnh đạo, quản lý cấp phòng, từng chuyên viên phụ trách trong việc phân bổ và giải ngân vốn đầu tư công. Người đứng đầu chịu trách nhiệm toàn diện trước UBND thành phố, Chủ tịch UBND thành phố về việc tổ chức thực hiện và kết quả giải ngân dự án/công trình của đơn vị, địa phương mình. 

Theo ông Lê Thanh Tâm, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư thành phố, thời gian qua, Sở đã tham mưu cho UBND thành phố ban hành rất nhiều văn bản chỉ đạo thực hiện các giải pháp nhằm đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công. Đó là các giải pháp như chủ đầu tư chủ động thực hiện trình tự các thủ tục trong từng trường hợp, từng dự án cụ thể để đẩy nhanh tiến độ. Thứ hai là chủ đầu tư tăng cường đôn đốc các đơn vị tư vấn đẩy nhanh tiến độ và chất lượng hồ sơ để đẩy nhanh tiến độ.

Về giải phóng mặt bằng, Sở Kế hoạch và Đầu tư cũng đã tham mưu cho UBND thành phố giao cho Sở Tài nguyên và Môi trường chủ trì lĩnh vực này để phối hợp với các chủ đầu tư, UBND các quận, huyện để tháo gỡ khó khăn kịp thời về mặt bằng để thi công các dự án.

Đối với thi công, Sở cũng đã tham mưu cho UBND thành phố chỉ đạo các chủ đầu tư tăng cường giám sát, phối hợp với lực lượng thi công lựa chọn các giải pháp thi công phù hợp và đẩy mạnh xử lý các đơn vị thi công chậm triển khai thực hiện, viện lý do tình hình dịch COVID -19, giá cả vật tư tăng cao, khan hiếm sẽ xử lý… Tuy nhiên, theo ông Tâm, trong thời gian qua, trên địa bàn thành phố Cần Thơ vẫn chưa có chủ đầu tư nào xử lý hoặc chưa phát hiện vi phạm về vấn đề này để xử lý.

Tin, ảnh: Ngọc Thiện (TTXVN)
Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng: Tăng cường giám sát, thúc đẩy giải ngân đầu tư công
Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng: Tăng cường giám sát, thúc đẩy giải ngân đầu tư công

Tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XV, chiều 2/6, Quốc hội tiếp tục thảo luận tại hội trường về phê chuẩn quyết toán ngân sách nhà nước năm 2020; công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2021.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN