Cụ thể, Bộ Thương mại Hoa Kỳ (DOC) đã chính thức áp dụng thuế chống bán phá giá và chống trợ cấp với sản phẩm mặt đá thạch anh nhập khẩu từ Trung Quốc kể từ ngày 11/7/2019.
Mức thuế chống bán phá giá dao động trong khoảng từ 265,81% đến 333,09%, mức thuế chống trợ cấp dao động trong khoảng từ 45,32% đến 190,99% tùy từng doanh nghiệp Trung Quốc.
Cùng đó, Bộ Thương mại Hoa Kỳ cũng đã chính thức áp dụng thuế chống bán phá giá đối với sản phẩm mặt đá thạch anh nhập khẩu từ Ấn Độ và Thổ Nhĩ Kỳ kể từ ngày 22/6/2020.
Mức thuế chống bán phá giá dao động trong khoảng từ 2,67% đến 5,15% đối với các doanh nghiệp Ấn Độ, từ 0% đến 5,17% đối với các doanh nghiệp Thổ Nhĩ Kỳ. Theo đó, các biện pháp có hiệu lực trong vòng 5 năm kể từ ngày áp dụng.
Tiếp đến, ngày 21/10/2022, Bộ Thương mại Hoa Kỳ đã kết luận sản phẩm mặt đá thạch anh sản xuất tại Malaysia sử dụng nguyên liệu là tấm đá thạch anh nhập khẩu từ Trung Quốc khi xuất khẩu sang Hoa Kỳ. Đây là hành vi lẩn tránh thuế chống bán phá giá, chống trợ cấp đang áp dụng với sản phẩm của Trung Quốc.
Hơn nữa, sản phẩm mặt đá thạch anh sản xuất tại Malaysia sử dụng nguyên liệu là tấm đá thạch anh nhập khẩu từ Trung Quốc vẫn được coi là sản phẩm của Trung Quốc. Do đó, sản phẩm bị áp dụng thuế chống bán phá giá, chống trợ cấp như mức thuế đang áp dụng với doanh nghiệp Trung Quốc.
Để không bị áp thuế, doanh nghiệp Malaysia khi xuất khẩu mặt đá thạch anh sang Hoa Kỳ phải tự xác nhận không sử dụng nguyên liệu là tấm đá thạch anh nhập khẩu từ Trung Quốc và lưu giữ chứng từ liên quan để chứng minh khi cần thiết.
9 doanh nghiệp Malaysia không trả lời và cung cấp thông tin theo yêu cầu của Bộ Thương mại Hoa Kỳ trong quá trình điều tra không được sử dụng cơ chế tự xác nhận này.
Theo Cục Phòng vệ thương mại, sau khi Hoa Kỳ áp dụng biện pháp chống bán phá giá, chống trợ cấp với mặt đá thạch anh nhập khẩu từ Trung Quốc, Cơ quan Hải quan và Biên giới Hoa Kỳ (CBP) đã tiến hành 10 vụ việc điều tra trốn thuế với các nhà nhập khẩu Hoa Kỳ với cáo buộc các nhà nhập khẩu này thực hiện hành vi trốn thuế chống bán phá giá, chống trợ cấp mà Hoa Kỳ đang áp dụng với Trung Quốc.
Các hình thức trốn thuế chủ yếu bị điều tra gồm các hành vi cố ý của nhà nhập khẩu Hoa Kỳ khi nhập khẩu mặt đá thạch anh có xuất xứ Trung Quốc từ nước thứ ba.
Thế nhưng không khai báo hoặc không nộp thuế chống bán phá, chống trợ cấp, nhập khẩu mặt đá thạch anh dưới dạng là bộ phận của sản phẩm khác như tủ gỗ, nhưng không khai báo hoặc không nộp thuế cho phần mặt đá thạch anh đó.
Một số vụ việc đã có kết luận xác định hành vi trốn thuế của nhà nhập khẩu Hoa Kỳ và các nhà nhập khẩu này sau đó đã phải chịu biện pháp xử lý của cơ quan chức năng Hoa Kỳ. Bởi vậy, Cục Phòng vệ thương mại đã có khuyến nghị doanh nghiệp sản xuất, xuất khẩu các sản phẩm liên quan đến mặt đá thạch anh.
Cụ thể, doanh nghiệp tránh sử dụng sản phẩm mặt đá thạch anh hoặc tấm đá thạch anh nhập khẩu từ các thị trường đang bị Hoa Kỳ điều tra, áp thuế phòng vệ thương mại, nhất là từ thị trường Trung Quốc, để làm nguyên liệu sản xuất sản phẩm liên quan.
Trong trường hợp có sử dụng mặt đá thạch anh hoặc tấm đá thạch anh nhập khẩu từ thị trường đang bị Hoa Kỳ điều tra, áp thuế phòng vệ thương mại (Trung Quốc, Ấn Độ, Thổ Nhĩ Kỳ) làm bộ phận hoặc cấu phần cho một sản phẩm khác.
Theo Cục Phòng vệ thương mại, doanh nghiệp cần lưu ý đối tác nhập khẩu Hoa Kỳ khai báo đầy đủ thông tin và nộp thuế chống bán phá giá, chống trợ cấp đối với phần mặt đá thạch anh theo đúng quy định của Hoa Kỳ.
Ngoài ra, doanh nghiệp lưu ý tăng cường hệ thống truy xuất nguồn gốc, đảm bảo khả năng chứng minh sản phẩm hoặc nguyên liệu sử dụng không thuộc phạm vi áp thuế của Hoa Kỳ.
Cục Phòng vệ thương mại cũng khuyến nghị doanh nghiệp sản xuất mặt đá thạch anh và sản phẩm có bộ phận hoặc cấu phần là mặt đá thạch anh cần chuẩn bị ứng phó cần thiết trong trường hợp xảy ra vụ việc điều tra phòng vệ thương mại với Việt Nam trong tương lai. Đồng thời doanh nghiệp chủ động liên lạc, trao đổi và cập nhật thông tin với Cục Phòng vệ thương mại để nhận được sự hỗ trợ kịp thời.