Hàng năm, mỗi khi mùa nước nổi về, việc mưu sinh của người dân trên các cánh đồng ở Hậu Giang hết sức nhộn nhịp. Nếu như trước đây người dân chỉ biết tận thu sản vật mùa nước nổi, thì nay họ đã biết cách tổ chức sản xuất, canh tác đón lũ. Tuy mùa nước nổi chỉ kéo dài khoảng 2 tháng nhưng cũng đã giúp hàng ngàn hộ dân ở Hậu Giang có thêm khoản thu nhập đáng kể.
Nhủi ốc mùa nước nổi. Ảnh: TTXVN
|
Những ngày mùa nước nổi tràn về vào tháng 9, tháng 10 âm lịch, đi dọc theo các cánh đồng ở các huyện Vị Thủy, Phụng Hiệp, Châu Thành…, ta dễ dàng bắt gặp hình ảnh những đàn vịt bơi lội, xa xa là những chiếc xuồng người dân đi giăng câu, bỏ lưới bắt cá.
Ngày nào cũng vậy, vợ chồng chị Nguyễn Thị Hồng ở ấp 4 xã Vĩnh Trung, huyện Vị Thủy lại tranh thủ từ sáng sớm để giăng lưới bắt cá rô, sặc rằn. Mỗi ngày, anh chị có thể kiếm được trên 20 kg cá. Chị Hồng chia sẻ, năm nay tuy giá cá bán ra thị trường có giảm nhưng mỗi ngày gia đình kiếm cũng được 200.000-300.000 đồng. Mùa nước nổi gia đình chị không chỉ có thu nhập ổn định mà còn đỡ tốn chi phí mua thức ăn cho gia đình. Gia đình chị còn tận thu ốc bươu vàng, cá bé làm mồi chăn nuôi gà vịt để tăng thêm thu nhập.
Anh Trần Văn Út Lia ở huyện Vị Thủy cho biết: Việc bắt cá từ đặt lú (một dụng cụ để bắt cá) cũng giúp anh kiếm được vài chục kg cá mỗi ngày. Cá lớn được anh mang bán, cá nhỏ thì chế biến làm thức ăn cho hơn 3.000 con cá thát lát nuôi trong ao sắp đến ngày thu hoạch. Trong mùa lũ, anh Út Lia thu được gần 10 triệu đồng. Anh nói: Người dân nông thôn trong những ngày nông nhàn hầu như không có thu nhập. Nhờ thiên nhiên ưu đãi, mỗi năm có mùa nước nổi nên gia đình anh cũng có "đồng vô, đồng ra".
Ngoài sản lượng thủy sản tự nhiên dồi dào, mùa nước nổi cũng là lúc kênh rạch, đồng ruộng được phủ màu xanh của rau màu. Bông súng, rau nhút, bông điên điển, lục bình là những loại rau sạch được người tiêu dùng ưa chuộng do không sử dụng thuốc bảo vệ thực vật.
Cũng như nhiều hộ dân khác, mùa nước nổi này bà Võ Thị Năm ở Vị Thủy lại tranh thủ trồng thêm rất nhiều loại rau dưới sông, trong mảnh ruộng bên nhà. Nhờ vậy, ngoài thu nhập từ các loại rau trên cạn, mỗi mùa nước nổi, bà Năm lại kiếm thêm trên 50 ngàn đồng mỗi ngày từ bông súng, rau ngổ, rau nhút, rau muống đồng…
Còn với anh Nguyễn Văn Sang, huyện Phụng Hiệp, với diện tích 0,6 ha đất trũng, anh chỉ sản xuất được 1 vụ lúa/năm và thu nhập khoảng trên 10 triệu đồng/vụ. Sau vụ lúa, toàn bộ diện tích đất được anh Sang trồng ấu đón lũ. Sau 3 tháng xuống giống, cây ấu cho thu hoạch, mỗi vụ ấu kéo dài hơn 2 tháng. Với 0,6 ha ấu, giá bán 6 ngàn đồng/kg ấu khi thu hoạch, sau khi trừ chi phí, anh Sang còn lãi trên 32 triệu đồng/vụ. Ngoài ra, anh có thêm thu nhập từ bán ấu giống và nguồn cá tự nhiên nuôi xen canh ruộng ấu cũng được thêm hơn 10 triệu đồng/vụ.
Ông Nguyễn Văn Đồng, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Hậu Giang cho biết: Hậu Giang là tỉnh thuần nông, người dân quanh năm sống dựa vào đồng ruộng, vườn tược, ao cá. Trước đây, người dân lo đối phó mỗi khi lũ về, thì nay họ đã biết sống chung với lũ. Giờ đây, mùa nước lũ tràn về cũng là lúc hàng ngàn hộ dân ở Hậu Giang, đặc biệt là những gia đình nghèo, không đất, thiếu điều kiện sản xuất lại tất bật trên các cánh đồng đầy nước. Mùa nước nổi cũng là thời điểm họ kiếm ra tiền và nguồn tiền này được họ dành dụm để trang trải cho cả năm.
Như một vòng quay, hàng năm mỗi khi mùa nước nổi về, bên cạnh những khó khăn là phải đề phòng ngập úng, mùa nước nổi đã giúp cuộc sống của nhiều hộ dân tỉnh Hậu Giang đỡ vất vả sau những ngày "bán mặt cho đất, bán lưng cho trời". Mỗi mùa nước nổi đi qua, phù sa sẽ tiếp tục bồi lắng cho cánh đồng thêm màu mỡ, cuộc sống người dân vùng sông nước thêm đổi thay.
Huỳnh Sử - Thu Hiền