Anh Nguyễn Tư Chung, xã Thanh Lĩnh, huyện Thanh Chương (Nghệ An) là một trong những hộ dân bị thiệt hại nặng do mưa lũ vừa qua gây ra. Trên diện tích 1 ha dưa lưới, dưa vàng được trồng trong nhà lưới vừa xuống giống đã bị ngập úng và chết hoàn toàn, thiệt hại trên 100 triệu đồng.
Ngay sau khi mưa lũ đi qua, gia đình anh đã bắt tay ngay vào khôi phục sản xuất, cải tạo lại đất, sửa lại nhà lưới bị hư hỏng và đầu tư, xuống giống trồng dưa Kim Hoàng hậu, dưa chuột và bí đỏ. Đây là các mặt hàng thực phẩm sạch nhằm cung ứng cho thị trường trước, trong và sau Tết Nguyên đán, góp phần nâng cao thu nhập kinh tế cho gia đình.
Anh Nguyễn Tư Chung cho biết, sau lũ cùng với sự quyết tâm của bản thân, hỗ trợ của chính quyền địa phương, gia đình đã vay mượn tiền, khẩn trương trồng mới lại diện tích rau màu bị chết để sớm có thu nhập, nhất là thời điểm Tết Nguyên đán đang cận kề.
Dịp giáp Tết Nguyên đán này, 2 sào dưa chuột của gia đình đã kịp cung cấp ra thị trường, dự kiến lợi nhuận thu về khoảng gần 50 triệu đồng. Sau Tết Nguyên đán, gia đình anh sẽ cung cấp ra thị trường bí đỏ, cà chua và dưa Kim Hoàng hậu. Với các nguồn thu nhập này, đời sống gia đình anh ngày càng ổn định và có thể đón một cái Tết đầy đủ, an lành.
Là hộ nghèo, chồng bệnh tật, mất sức lao động từ nhiều năm nay. Sau đợt mưa lũ vừa qua, khó khăn lại chồng chất khó khăn đối với gia đình chị Trần Thị Hằng (Sinh năm 1972, xóm 3, xã Thanh Tùng, huyện Thanh Chương, Nghệ An) khi toàn bộ gà vịt, gia súc, lợn giống… của gia đình chị đã bị nước lũ cuốn trôi khiến gia đình chị rơi vào cảnh trắng tay.
Sau khi nước rút, nhiều tổ chức, cá nhân thông qua đã chính quyền địa phương đã cùng chung tay hỗ trợ gia đình chị nhiều hàng hóa, nhu yếu phẩm để vượt qua khó khăn, ổn định cuộc sống. Đặc biệt, nhằm tạo sinh kế cho gia đình chị Hằng, Mặt trận Tổ quốc huyện Thanh Chương đã trao tặng chị một con bê sinh sản, trị giá 16 triệu đồng. Đây là nguồn động viên, tiếp sức kịp thời cho gia đình chị, nhất là khi Tết Nguyên đán đang đến gần.
Chị Trần Thị Hằng chia sẻ, sau lũ cuộc sống của gia đình sẽ gặp muôn vàn khó khăn khi toàn bộ tài sản của gia đình đã bị cuốn trôi, cứ nghĩ rằng gia đình sẽ không hưởng niềm vui trọn vẹn, đầy đủ trong ngày tết như các năm trước. Song, khi được các cấp chính quyền trao bò để ổn định sản xuất chị cũng có thêm động lực, vơi đi bớt khó khăn, yên tâm đón Tết Nguyên đán.
Ông Trần Văn Trọng, Phó Chủ tịch UBND xã Thanh Tùng, huyện Thanh Chương (Nghệ An) cho biết, Thanh Tùng là một trong những địa phương chịu thiệt hại nặng trong đợt mưa lũ vừa qua với tổng thiệt gần 2 tỷ đồng. Cùng với hư hỏng một số cơ sở hạ tầng, đường giao thông, cầu cống còn có tuyến kênh mương nội đồng dài 700m, phục vụ nước tưới tiêu cho sản xuất nông nghiệp đã bị nước lũ cuốn trôi, làm hư hỏng nghiêm trọng. Sau khi lũ đi qua, nguy cơ nhiều diện tích cây màu và lúa vụ Xuân không thể sản xuất đúng thời vụ do không có nguồn nước dẫn vào đồng ruộng.
Song, được sự quan tâm của UBND huyện Thanh Chương bố trí nguồn kinh phí, xã Thanh Tùng đã khẩn trương khắc phục tuyến kênh mương thủy lợi bị hư hỏng để khôi phục sản xuất. Đến nay, việc khắc phục tuyến kênh mương này đã xong, nguồn nước tưới tiêu đảm bảo, người dân đã yên tâm làm đất, gieo mạ để cấy 270 ha lúa vụ xuân kịp thời vụ trước Tết Nguyên đán.
Không chỉ có Thanh Tùng, các địa phương của huyện Thanh Chương bị thiệt hại nặng trong đợt mưa lũ năm qua như: Thanh Nho, Thanh Giang, Thanh Mỹ, Thanh Đức, Thanh Hương… người dân đã khắc phục mọi khó khăn, khẩn trương bắt tay vào khôi phục sản xuất sau lũ.
Tại nhiều địa phương, với ý chí, sự cần cù, chịu khó của người dân, những vựa rau màu, cây trồng ngắn ngày đã được khôi phục nhanh chóng nhằm kịp cung ứng cho thị trường tết, góp phần tăng thu nhập cho người dân.
Bên cạnh đó, chính quyền các cấp cũng đã có phương án hỗ trợ người dân vùng lũ các giống cây trồng, vật nuôi để tạo sinh kế sau lũ; hướng dẫn người dân cải tạo đất sản xuất, vệ sinh môi trường, vệ sinh chuồng trại sau lũ để phòng chống dịch bệnh.
Ông Lê Đình Thanh, Phó Chủ tịch UBND huyện Thanh Chương (Nghệ An) cho biết, đợt mưa lũ do ảnh hưởng từ cơn bão số 9 vừa qua đã gây thiệt hại tại huyện Thanh Chương trên 80 tỷ đồng. Đến thời điểm này, UBND huyện Thanh Chương đã chỉ đạo các địa phương phối hợp với các ngành, đoàn thể thực hiện đồng bộ các giải pháp để ưu tiên khôi phục sản xuất sau lũ, ổn định đời sống và nâng cao thu nhập cho người dân đón Tết Nguyên đán.
UBND tỉnh Nghệ An và UBND huyện Thanh Chương đã trích gần 10 tỷ đồng từ ngân sách để khắc phục các công trình giao thông, thủy lợi bị hư hỏng để phục vụ sản xuất nông nghiệp.
Đến thời điểm này, trên toàn huyện Thanh Chương, người dân các địa phương đã yên tâm xuống mạ, kịp thời gieo cấy vụ Xuân, dự kiến gieo trồng sẽ được thực hiện xong trước 25/12 Âm lịch để đón Tết Nguyên đán; không khí sản xuất, gieo trồng vụ Xuân trên các cánh đồng sau lũ rất khẩn trương.
Dù là năm chịu nhiều thiệt hại từ thiên tai, song người dân đang rất phấn khởi, tích cực phát triển sản xuất và chuẩn bị đón Tết với đầy niềm vui, hy vọng cho một năm mới thời tiết thuận lợi, mùa màng bội thu.