Người dân chưa mặn mà với rau an toàn

Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, mặc dù tại một số địa phương đã xây dựng được thương hiệu, chứng chỉ rau an toàn nhưng tỷ lệ người dân sử dụng chưa cao. Điều này cho thấy, chuỗi sản xuất, cung ứng và việc ban hành các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật còn nhiều bất cập.


Niềm tin với rau an toàn chưa cao


Ông Đào Xuân Hòa, Phó Cục trưởng Cục Chế biến thương mại nông lâm thủy sản và nghề muối (Bộ NN&PTNT) cho biết, hiện diện tích sản xuất rau của cả nước là 823.700 ha, sản lượng 14 triệu tấn/năm, trong đó, tiêu thụ nội địa chiếm 85%, còn lại là xuất khẩu. Riêng đối với rau an toàn, diện tích quy hoạch đến đầu năm 2013 là 71.728 ha, trong đó, diện tích đã được cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện sản xuất rau an toàn là 6.310 ha, diện tích đã được cấp giấy chứng nhận VietGAP và các GAP khác là 491 ha, diện tích sản xuất theo hướng an toàn là 16.797 ha.

 

Chăm sóc rau an toàn tại thị xã Gò Công, tỉnh Tiền Giang.
Minh Trí – TTXVN


Trong khi đó, theo điều tra của Viện Chính sách và Chiến lược nông nghiệp phát triển nông thôn, nhu cầu tiêu dùng đối với rau an toàn là khá lớn. 80% người tiêu dùng quan tâm hơn đến sản phẩm an toàn, thu nhập càng cao thì nhu cầu rau an toàn càng tăng. Tuy nhiên, niềm tin với rau an toàn lại chưa tương xứng. Có tới 51% số người được hỏi không tin tưởng chất lượng rau an toàn; kể cả đối với những sản phẩm được dán nhãn rau an toàn cũng chỉ có 21,57% an tâm với tiêu chuẩn này. Đây cũng là một trong những “rào cản” đối với việc sản xuất và tiêu thụ rau an toàn.

ThS. Nguyễn Thị Minh Lý, Phó Giám đốc trung tâm chứng nhận phù hợp (QUACERT) thuộc Tổng cục tiêu chuẩn đo lường chất lượng:

“Thay đổi nhận thức người tiêu dùng”

“Nhà sản xuất sẵn sàng tuân thủ theo các tiêu chuẩn kỹ thuật an toàn với điều kiện bán với giá cao hơn. Người tiêu dùng chấp nhận mua rau với giá cao hơn nếu sản phẩm đó an toàn. Như vậy, cầu nối ở đây là chất lượng mà chất lượng được định hướng bởi khách hàng. Vậy phải làm cách nào đó để thay đổi tư duy của người tiêu dùng. Người tiêu dùng phải từ chối mua sản phẩm không an toàn thì chắc chắn xã hội sẽ thay đổi nhanh hơn là người sản xuất cứ cố gắng đẩy ra thị trường”.


Dưới góc độ quản lý, ông Nguyễn Như Tiệp, Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản cho rằng, hệ thống kiểm soát an toàn thực phẩm ở nước ta, đặc biệt là mặt hàng rau, còn nhiều bất hợp lý. Hiện cơ chế phối hợp giữa 3 bộ quản lý là Bộ Y tế, Bộ Công Thương, Bộ NN&PTNT còn lỏng lẻo. Bên cạnh đó, quy định dưới luật giữa các bộ, ngành lại chưa đồng bộ, hài hòa, thiếu toàn diện: chưa gắn giải pháp kỹ thuật với giải pháp kinh tế thị trường. Có tới 17 thông tư liên tịch kiểm tra, kiểm soát an toàn thực phẩm, đó là chưa kể đến các hệ thống tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật quốc gia. Nhiệm vụ trước mắt là hợp nhất các văn bản dưới luật, xây dựng tài liệu hướng dẫn áp dụng luật và văn bản dưới luật, đừng để “có một rừng luật nhưng rau an toàn lại chưa thể đi vào cuộc sống”, ông Tiệp nhấn mạnh.


Xây dựng chuỗi liên kết


Theo Cục Chế biến thương mại nông lâm thủy sản và nghề muối, một trong những nguyên nhân khiến người tiêu dùng chưa thật sự tin tưởng và yên tâm khi sử dụng rau an toàn là bởi chưa thiết lập được hệ thống mạng lưới tiêu thụ đồng bộ có chức năng thu mua, đóng gói, bảo quản và phân phối rau trên thị trường. Quá trình chế biến còn tiến hành thủ công, công nghệ bảo quản lạc hậu khiến tỷ lệ tổn thất cao (25 - 30%). Mặt hàng rau được bày bán chủ yếu ở các chợ nhưng tại những nơi này lại không có sự kiểm soát tốt về vệ sinh an toàn thực phẩm đối với sản phẩm lưu hành. Trong khi đó, tại các siêu thị hay trung tâm thương mại, mặt hàng rau chiếm tỷ trọng thấp trong cơ cấu hàng hóa. Kho lạnh của siêu thị chủ yếu bảo quản hàng hóa nhập khẩu, bảo quản được dài ngày như thịt, hoa quả, diện tích dành cho rau chỉ vọn vẻn khoảng 1 - 2%.


Để giải quyết bài toán liên kết này, ông Đào Xuân Hòa, Phó Cục trưởng cho rằng, ngành nông nghiệp cần tiếp tục đẩy mạnh, củng cố nâng cao chất lượng các tổ chức hợp tác, câu lạc bộ nông dân, hiệp hội hiện có; khuyến khích và tạo điều kiện thuận lợi để kinh tế trang trại phát triển, hình thành các vùng sản xuất rau hàng hóa quy mô vừa và lớn. Từ đó sẽ tạo liên kết giữa doanh nghiệp chế biến - tiêu thụ với nông dân hoặc đại diện của nông dân thông qua hợp đồng. Cùng với đó, cần mở rộng và phát triển các chợ đầu mối về rau, chú trọng xây dựng các trung tâm phân phối lớn, các cửa hàng tiện ích, cửa hàng chuyên doanh rau. Theo đó, Hà Nội phấn đấu đến năm 2015 sẽ xây dựng các khu giao dịch rau an toàn tại 7 chợ đầu mối; hình thành 80 - 90 cửa hàng rau an toàn tại các khu dân cư, 350 - 400 quầy rau an toàn tại các chợ và khoảng 100 gian hàng rau an toàn tại các siêu thị, trung tâm thương mại.



Thu Phương

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN