Sau hơn một tháng lênh đênh trên các vùng biển của Việt Nam, các tàu đánh cá ở Bến Đình phường 7, TP Vũng Tàu trở về với khoang đầy ắp cá. Ai cũng phấn khởi vì chuyến đi biển “mở hàng” đầu năm mới đã thành công.
“Khởi đầu nan” ngư dân phấn khởi
Câu chuyện anh Nguyễn Đình Chính (nhà ở phường 2, TP Vũng Tàu, chủ tàu cá BV-7603TS) nói với chúng tôi không phải về những khó khăn gian khổ cực nhọc trong những ngày đánh bắt hải sản ngoài khơi xa như những lần trước đó, mà là niềm phấn khởi vui mừng của ông sau hơn một tháng đánh bắt xa bờ với con tàu cá đầy ắp tất cả các khoang. Anh Chính xởi lởi như cởi lòng mình: “Tàu của tui rời cảng ra khơi đánh bắt vào hôm mùng 10 Tết, sau hơn 1 tháng trở về thu hoạch được 25 tấn cá nục, cá ngừ tươi, bán cho thương lái với giá trung bình 25 nghìn đồng/kg. Trừ hết các khoản chi phí, chuyến biển này lãi hơn 150 triệu đồng. Hơn ba năm nay, đây là lần đầu tiên tôi vui như thế này, thật là bõ công sức cho những ngày khó nhọc”. Còn tàu cá BV 92244 TS, công suất 340 mã lực của anh Trà Văn Hoành ở ấp Phước Lộc, xã Phước Hòa, huyện Tân Thành thì từ đầu vụ đến nay đã ra khơi 2 chuyến, mỗi chuyến kéo dài khoảng 17 ngày. Anh Hoành cho biết, 2 chuyến đánh bắt vừa qua, tàu cá của anh thu hoạch được hơn 30 tấn cá bò, cá mối, cá khoai… các loại, tổng doanh thu đạt 850 triệu đồng, lãi hơn 200 triệu đồng.
Đống cá bò của tàu anh Nguyễn Đình Chính vừa được chuyển lên cảng Bến Đình. |
Những ngày này, cảng cá Bến Đình phường 7, Vũng Tàu tấp nập tàu ghe. Bên này đống cá bò còn tươi rói mới được chuyển lên từ bến, bên kia hàng chục xe đông lạnh đến “ăn hàng”. Bà Tư Mai, một trong những chủ đầu nậu cá lớn nhất ở Bến Đình cho biết: “Hơn tuần nay, tàu cá về liên tục. Các chủ tàu đều rất phấn khởi, họ bảo biển êm cá nhiều, đánh bắt sướng lắm”.
- Mỗi ngư dân làm công trên tàu một chuyến đi biển về được bao nhiêu tiền lương, hả chị?
- Nếu trừ chi phí thì mỗi công nhân lao động cũng được trên dưới 20 triệu đồng/ chuyến đi, cũng có thể nhiều hơn. Đối với tàu đi bắt hải sâm, cá chình thì thu nhập của người làm công từ 30-50 triệu đồng. Tuy vậy nghề thợ lặn này cực nhọc và nguy hiểm hơn nhiều.
Theo ông Đặng Văn Bảy, chủ ghe BV-5091TS, từ Tết ra đến giờ thời tiết trên các vùng biển khá thuận lợi, gió mùa đông bắc nhẹ, nắng ấm, biển êm. Đây là điều kiện để các loại cá từ nhiều vùng biển khác đổ về. Cá thường đi từng đàn nên hiệu quả đánh bắt rất cao. Hầu như tàu nào từ biển về cũng đầy ắp đủ các loại cá.
Không chỉ ngư dân đánh bắt xa bờ thắng lớn mà các ghe câu mực có công suất dưới 90CV cũng được mùa. Từ đầu năm đến nay, trung bình mỗi chiếc ghe câu mực của ngư dân đánh bắt được từ 10 – 80 kg mực/ngày, giá bán trung bình 145 ngàn đồng/kg. Anh Huỳnh Văn Mùi, ở xã Phước Hưng, huyện Long Điền, chủ ghe BV 95409 TS công suất 90 CV cho biết, nhờ thời tiết những ngày đầu năm tương đối ổn định nên nghề câu mực cũng rất thuận lợi. Trong tháng 2, anh đã thu được hơn 15 triệu đồng. Anh Mùi phấn khởi: “Đầu năm mới mà cá đầy khoang là ấm rồi. Nếu năm nay thời tiết cứ thuận lợi thế này, thì ngư dân chúng tôi sẽ trúng đậm. Tàu của tôi chỉ nghỉ chừng 1 tuần lấy đá, mua dầu là đi ngay. Tranh thủ lúc biển lặng, sóng êm cá về, tha hồ đánh bắt. Đầu năm mới, vạn sự khởi đầu nan mà đánh được nhiều cá là hên cho cả năm. Theo kinh nghiệm của tôi, nếu đầu năm thuận lợi thì cả năm được mùa”.
Tàu mới, cá nhiều, sẵn sàng ra khơi
Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, những ngày đầu năm, toàn tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu có 6.500 tàu thuyền ra khơi đánh bắt hải sản với tổng công suất hơn 730.000 mã lực. Hầu hết tàu thuyền của ngư dân đều là cải hoán, đóng mới với công suất lớn và mua sắm đầy đủ các trang thiết bị hiện đại như: Máy định vị, bộ đàm tầm trung, tầm xa, máy dò cá. Nếu năm 2011, ngư dân trong toàn tỉnh đánh bắt được 253.333 tấn hải sản các loại, tăng 1,2% so với năm 2010, thì dự kiến năm nay sẽ đánh bắt được trên 270.000 tấn hải sản các loại. Căn cứ vào thời tiết thuận lợi và đợt “trúng quả” đầu năm và sự phấn chấn của các chủ ghe tàu, chỉ tiêu “vượt doanh thu” hoàn toàn khả quan, nằm trong tầm tay.
Hàng chục xe đông lạnh tập trung trên cầu cảng “ăn hàng”. |
Tại các cảng cá trên địa bàn tỉnh, không chỉ dưới bến tấp nập tàu, thuyền chuẩn bị ra khơi mà trên bến, các dịch vụ phục vụ cho nghề cá cũng hối hả vào mùa. Các cơ sở dịch vụ hậu cần thủy sản chuẩn bị sẵn dầu, nước đá, nước ngọt phục vụ lưu động cho tàu thuyền trước mỗi chuyến đi biển. Còn trên bờ, dịch vụ ăn uống, cung cấp thực phẩm cũng sẵn sàng phục vụ tận nơi cho các ngư dân. Các dịch vụ hậu cần phát triển trong thời gian gần đây đã giúp cho ngư dân bớt vất vả, đồng thời giải quyết phần lớn lao động nhàn rỗi ở địa phương vùng biển.
Anh Nguyễn Văn Thạnh, làm nghề bốc vác ở cảng cá Bến Đình cho biết, năm nay những chuyến biển đầu năm mới ngư dân đã thắng lớn, các hoạt động hậu cần nghề cá cũng sôi động hơn, bởi vậy công việc của anh cũng tất bật. Từ 3 giờ sáng, anh Thạnh đã bắt đầu công việc kéo cá thuê từ cầu cảng vào bờ bằng xe rùa để tập trung tại một điểm chờ xe đông lạnh. Với nghề này, mỗi ngày anh được các chủ tàu trả công khoảng 300.000 đồng. “Ước gì mùa cá nào đánh bắt cũng thuận lợi như thời điểm này thì chỉ với công việc kéo cá thuê tôi đã có thể kiếm đủ thu nhập để nuôi sống gia đình”, anh Thạnh vui vẻ tâm sự.
Còn nhóm thợ công nhân chuyên sửa chữa máy tàu dọc đường Trần Phú - đoạn cảng Bến Đá, Bến Đình thì phấn khởi, ngày nào cũng có việc làm, thu nhập có ngày đến 3 triệu đồng. Anh Trần Văn Đăng vui vẻ nói với chúng tôi: “Bà con ngư dân có ăn thì chúng tôi cũng ấm bụng. Không ngày nào không có tàu đem máy ra sửa chữa. Chúng tôi phải làm đêm làm ngày để cho họ kịp thời ra khơi. Do được mùa cá đầu năm, nên nhiều chủ tàu cũng rất thoáng trong cách chi trả tiền công. Nhiều tàu sẵn sàng đầu tư máy mới, nhất là thiết bị dò cá, bởi đây là cái cần câu cơm của họ”.
Bài và ảnh: Mai Thắng