Nghị quyết 128/NQ-CP: Gỡ 'nút thắt' phục hồi giao thông vận tải

Sau tròn một năm triển khai Nghị quyết số 128/NQ-CP ngày 11/10/2021 của Chính phủ về "Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19" (Nghị quyết 128/NQ-CP), dịch COVID-19 đã cơ bản được kiểm soát.

Điều này giúp kinh tế - xã hội phục hồi nhanh và phát triển trên tất cả các lĩnh vực đạt nhiều kết quả tích cực, ấn tượng, nổi bật so với thế giới trong bối cảnh thế giới tiếp tục có nhiều biến động. Trong kết quả này có sự đóng góp không nhỏ của ngành giao thông vận tải.

Chú thích ảnh
Xây dựng hai phương án bảo trì kết cấu hạ tầng đường sắt quốc gia. Ảnh: TTXVN

Theo lãnh đạo Bộ Giao thông Vận tải, việc ban hành Nghị quyết 128/NQ-CP là quyết định quan trọng và mạnh mẽ, thể hiện sự sáng suốt, quyết liệt của lãnh đạo Chính phủ, đưa đất nước chuyển sang giai đoạn mới vừa phòng, chống dịch, vừa phục hồi và phát triển kinh tế. Những kết quả đạt được đã đưa Việt Nam trở thành một trong những điểm sáng nổi bật trong phát triển kinh tế sau đại dịch.

Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Lê Đình Thọ cho biết, sau khi Nghị quyết 128/NQ-CP được ban hành, để triển khai Nghị quyết này, Bộ Giao thông Vận tải đã ban hành quyết định Hướng dẫn tạm thời về tổ chức hoạt động vận tải hành khách của 5 lĩnh vực đường bộ, đường sắt, đường thủy nội địa, hàng hải và hàng không, đảm bảo thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19. Đồng thời Bộ Giao thông Vận tải đã ban hành 03 quyết định quy định tạm thời về triển khai các đường bay nội địa chở khách thường lệ; quy định tạm thời về thí điểm tổ chức hoạt động vận tải hành khách đường bộ; quy định tạm thời về tổ chức hoạt động vận tải hành khách bằng đường sắt, nhằm đảm bảo thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19.

Có thể nói, đây cũng là cơ sở để các địa phương áp dụng thực hiện đồng bộ trên cả nước, nhất là lĩnh vực vận tải.

Cũng theo Thứ trưởng Lê Đình Thọ, Bộ Giao thông Vận tải nhất quán chỉ đạo các cơ quan, đơn vị tổ chức triển khai thực hiện theo các quyết định nêu trên. Lãnh đạo Bộ Giao thông Vận tải đã tổ chức các đoàn đi kiểm tra tại một số địa phương, tuyến đường chính về công tác tổ chức hoạt động vận tải.

Đánh giá về quá trình triển khai thực hiện Nghi quyết 128/NQ-CP, Thứ trưởng Lê Đinh Thọ cho hay, khi đi vào triển khai, Bộ Giao thông Vận tải luôn lưu tâm đến vấn đề hậu kiểm, lấy quy định đã ban hành để xem xét, để hậu kiểm, từ đó sẽ biết được ai làm đúng, ai làm chưa đúng. Trong quá trình tổ chức thực hiện, vấn đề kiểm soát, theo dõi, kiểm tra hết sức quan trọng, nếu không tổ chức tốt, nhắc nhở kịp thời thì dễ tạo những xung đột mới, điểm nghẽn mới và sẽ tạo ra bức xúc của người dân và dư luận.

Theo lãnh đạo Bộ Giao thông Vận tải, sau 1 năm triển khai Nghị quyết 128/NQ-CP và đây là Nghị quyết có tác động mạnh đến mọi hoạt động kinh tế - xã hội trong cả nước. Trong các lĩnh vực rõ nét nhất của sự phục hồi sau khi dịch COVID-19 được kiểm soát là hoạt động vận tải.

Số liệu 9 tháng năm 2022 của Bộ Giao thông Vận tải cho thấy, thị trường vận tải đã ghi nhận sự tăng trưởng tích cực ở các lĩnh vực, đặc biệt là vận tải hành khách cho thấy sự phục hồi hoàn toàn của lĩnh vực này so với trước khi xảy ra dịch COVID-19.

Cụ thể, ở lĩnh vực hàng không, lượng hành khách thông qua cảng hàng không 9 tháng ước đạt 75 triệu khách, tăng hơn 162% so với cùng kỳ năm 2021. Trong đó, số lượng hành khách thông qua cảng hàng không quốc tế ước đạt 6,7 triệu khách, tăng 1.797,2%; số lượng hành khách thông qua cảng hàng không nội địa ước đạt 68,3 triệu khách, tăng 141,2% so với cùng kỳ năm 2021.

Ba quý đầu năm, đường sắt cũng ghi nhận kết quả ấn tượng với sản lượng hành khách vận chuyển ước đạt 3,4 triệu lượt khách, tăng 176% so với cùng kỳ. Vận tải hàng hóa đường sắt đạt 4,3 triệu tấn trong 9 tháng, tăng 4,3%.

Đối với vận tải đường thuỷ, lượng hành khách vận chuyển đạt hơn 201 triệu lượt, tăng 12,5% so với cùng kỳ năm 2021. Vận tải hàng hóa đường thủy cũng tăng 12,5% so với cùng kỳ năm trước, đạt hơn 292 triệu tấn. Tương tự, khối lượng hàng hóa thông qua cảng biển 9 tháng là hơn 557,5 triệu tấn, tăng 5% so với cùng kỳ năm 2021.

Về giải ngân vốn đầu tư công, năm 2021, mặc dù gặp nhiều khó khăn trong triển khai các dự án giao thông do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19 nhưng tỷ lệ giải ngân của Bộ Giao thông Vận tải vẫn đạt 95%, nằm trong những bộ, ngành có kết quả giải ngân tốt nhất. Sang năm 2022, trong Chương trình Phục hồi và Phát triển kinh tế - xã hội sau đại dịch COVID-19, Bộ Giao thông Vận tải được coi là một trong những đầu tàu quan trọng, được ưu tiên bố trí một lượng vốn đầu tư rất lớn cho các dự án hạ tầng giao thông trọng điểm.

Cụ thể, năm 2022, Thủ tướng Chính phủ giao hơn 50.000 tỷ đồng kế hoạch đầu tư công vốn ngân sách nhà nước cho Bộ Giao thông Vận tải. Đây là khối lượng giải ngân được giao lớn nhất từ trước đến nay và Bộ Giao thông Vận tải đã phân bổ chi tiết toàn bộ số vốn đầu tư công này thông qua 6 đợt giao và điều chỉnh kế hoạch.

Kết quả giải ngân tính đến hết tháng 9/2022, Bộ Giao thông Vận tải giải ngân khoảng 27.027 tỷ đồng, đạt 53,7% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao (gồm 2.933 tỷ đồng vốn nước ngoài, đạt 60,1% và 24.094 tỷ đồng vốn trong nước, đạt 53%).

Theo đánh giá của các chuyên gia kinh tế, với kết quả giải ngân vốn đầu tư công của ngành giao thông vận tải luôn cao trong thời  thời gian qua đã đóng quan trọng vào thúc đẩy việc phục hồi sản xuất kinh doanh của các ngành sản xuất. Qua đó, góp phần vào sự tăng trưởng chung của nền kinh tế.

Lãnh đạo Bộ Giao thông Vận tải cho hay, 3 tháng cuối năm, ngoài việc phải hoàn thành 361 km đường cao tốc Bắc – Nam giai đoạn 1, Bộ Giao thông Vận tải cũng đang gấp rút hoàn thành các hạng mục công việc để khởi công các dự án thành phần cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 2.

Ngoài ra, ngành giao thông vận tải cũng sẽ khởi công đường băng, nhà ga sân bay Long Thành, khởi công nhà ga T3 sân bay Tân Sơn Nhất…Có thể thấy, Nghị quyết 128/NQ-CP đã đặt nền móng rất lớn, là bước ngoặt quan trọng tác động đến tăng trưởng kinh tế; trong đó có lĩnh vực giao thông vận tải.

Quang Toàn (TTXVN)
Bộ Giao thông vận tải đề xuất chi hơn 13.000 tỷ đồng xử lý bất cập 8 dự án BOT
Bộ Giao thông vận tải đề xuất chi hơn 13.000 tỷ đồng xử lý bất cập 8 dự án BOT

Bộ Giao thông vận tải vừa trình Chính phủ giải pháp xử lý vướng mắc, bất cập tại một số dự án đầu tư kết cấu hạ tầng giao thông theo hình thức hợp đồng BOT do Bộ quản lý.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN