Trước đó, mô hình bán hàng đa cấp đã được công nhận là mô hình kinh doanh hợp pháp tại Việt Nam, chịu sự quản lý của pháp luật Việt Nam sau khi Luật Cạnh tranh ra đời vào cuối năm 2004 và Nghị định 110/2004/NĐ-CP, ngày 24/8/2005 của Chính phủ.
Đoàn Kiểm tra liên ngành 389 tỉnh Vĩnh Long lập biên bản vi phạm hành chính trong hoạt động thương mại đối với Công ty cổ phần thương mại - dịch vụ Hoàng Long Việt vì có hành vi vi phạm gồm kinh doanh theo phương thức đa cấp. Ảnh: Hùynh Kim Phượng/TTXVN |
Với Nghị định 40 đã ban hành và bắt đầu có hiệu lực từ ngày 2/5/2018 và hạn chót là đến tháng 2/2019, tất cả doanh nghiệp phải đáp ứng Nghị định này mới được tiếp tục hoạt động. Theo Nghị định 40, để đăng ký hoạt động bán hàng đa cấp, tổ chức, doanh nghiệp phải đáp ứng nhiều điều kiện bắt buộc, cũng như đầu tư về nguồn lực tài chính và con người.
Theo đó, có thể kể đến các điều kiện như các doanh nghiệp phải được thành lập tại Việt Nam theo quy định của pháp luật và chưa từng bị thu hồi giấy chứng nhận đăng ký hoạt động bán hàng đa cấp; vốn điều lệ từ 10 tỷ đồng trở lên; ký quỹ tại một ngân hàng thương mại hoặc chi nhánh ngân hàng nước ngoài tại Việt Nam…
Đồng thời, có hệ thống công nghệ thông tin quản lý mạng lưới người tham gia bán hàng đa cấp, trang thông tin điện tử để cung cấp thông tin về doanh nghiệp và hoạt động bán hàng đa cấp của doanh nghiệp; cũng như hệ thống thông tin liên lạc để tiếp nhận, giải quyết thắc mắc, khiếu nại của người tham gia bán hàng đa cấp.
Riêng về quản lý hoạt động bán hàng đa cấp tại địa phương, Nghị định 40 quy định doanh nghiệp bán hàng đa cấp được coi là có hoạt động bán hàng đa cấp tại địa phương nếu thuộc một trong các trường hợp như doanh nghiệp có trụ sở chính, chi nhánh hoặc văn phòng đại diện có thực hiện chức năng liên quan đến hoạt động bán hàng đa cấp tại địa phương.
Hay doanh nghiệp tổ chức hội nghị, hội thảo, đào tạo về bán hàng đa cấp tại địa phương; doanh nghiệp có người tham gia bán hàng đa cấp cư trú (thường trú hoặc tạm trú trong trường hợp không cư trú tại nơi thường trú) hoặc thực hiện hoạt động tiếp thị, bán hàng theo phương thức đa cấp tại địa phương.
Cụ thể, đại diện Bộ Công Thương cho biết, doanh nghiệp hoạt động bán hàng đa cấp có trách nhiệm thực hiện thủ tục đăng ký tại Sở Công Thương tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương và chỉ được phép tổ chức hoạt động bán hàng đa cấp sau khi có xác nhận đăng ký bằng văn bản. Trong trường hợp không có trụ sở, chi nhánh, văn phòng đại diện tại địa phương, doanh nghiệp bán hàng đa cấp có trách nhiệm ủy quyền cho một cá nhân cư trú tại địa phương làm người đại diện tại địa phương để thay mặt doanh nghiệp làm việc với các cơ quan quản lý nhà nước tại địa phương đó.
Liên quan đến việc chấm dứt hoạt động bán hàng đa cấp, Nghị định 40 cũng nêu rõ 3 trường hợp, gồm: Giấy chứng nhận đăng ký hoạt động bán hàng đa cấp hết hiệu lực mà không được gia hạn. Doanh nghiệp tự chấm dứt hoạt động bán hàng đa cấp và Giấy chứng nhận đăng ký hoạt động bán hàng đa cấp bị cơ quan có thẩm quyền thu hồi.
Đánh giá Nghị định 40 là bước ngoặt mang tính đột phá cho ngành, ông Nguyễn Phương Sơn, Giám đốc Đối ngoại của Công ty Amway Việt Nam cho rằng, những quy định mới trong Nghị định này không phải công ty hay doanh nghiệp nào cũng đáp ứng được bởi hành lang pháp lý được xây dựng chặt chẽ. Trong đó, thể hiện nỗ lực và định hướng của Chính phủ Việt Nam về quản lý hoạt động bán hàng đa cấp và định hướng phát triển bền vững ngành hàng này.
Ngoài ra, trong giai đoạn từ năm 2018 - 2019 trở đi, cơ quan quản lý Nhà nước mà cụ thể là Cục Quản lý cạnh tranh và Bảo vệ Người tiêu dùng (Bộ Công Thương), cũng cam kết ngăn chặn tối đa các hoạt động bán hàng đa cấp bất chính, hành vi lợi dụng phương thức kinh doanh đa cấp để huy động tài chính trái phép, thừa nhận vào tạo khuôn khổ pháp lý cho hoạt động bán hàng đa cấp. Đây vừa là biện pháp nâng cao chế tài, tăng cường kiểm soát, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm, vừa là công cụ thúc đẩy nâng cao nhận thức về hoạt động bán hàng đa cấp thông qua phương tiện truyền thông, thông tin.
Theo ông Nguyễn Phương Sơn, vừa qua Công ty Amway Việt Nam là đơn vị được Bộ Công Thương chọn lựa là đơn vị để thí điểm tổ chức Hội nghị tập huấn, đào tạo cho hơn 2.000 nhà phân phối về Nghị định 40. Hiện nay, Amway có hơn 100.000 nhà phân phối. Nếu Nghị định 40 triển khai hiệu quả, tạo ra môi trường kinh doanh đúng theo tiêu chuẩn quốc tế, thì sẽ mở cơ hội cho nhiều doanh nghiệp tham gia vào thị trường Việt Nam.
Tuy nhiên, nhằm đáp ứng Nghị định 40, thay đổi căn bản và lớn đối với ngành là chú trọng việc tuân thủ quy định pháp luật và đào tạo phân phối về hành lang pháp lý, nâng cấp cơ sở vật chất theo hướng hiện đại… Bởi đòi hỏi tất cả doanh nghiệp phải đáp ứng đầy đủ các quy định cũng như có rất nhiều điều kiện được nâng cao.
Báo cáo của Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng cho thấy, tính đến hết tháng 12/2017, số lượng doanh nghiệp có giấy chứng nhận đăng ký hoạt động bán hàng đa cấp còn 34 doanh nghiệp (giảm 20% so với đầu năm 2017). Tổng số người tham gia bán hàng đa cấp tính đến tháng 12/2017 là 707.330 người, tăng 69.693 người (khoảng 11 %) so với cuối năm 2016.
Về doanh thu, theo số liệu báo cáo của doanh nghiệp, tổng doanh thu bán hàng đa cấp năm 2017 đạt khoảng 8.000 tỷ đồng, tăng hơn 330 tỷ đồng so với doanh thu năm 2016. Trong đó, tổng doanh thu của 10 doanh nghiệp có kết quả kinh doanh tốt nhất trong năm 2017 chiếm 94,3% tổng doanh thu toàn ngành.
Các doanh nghiệp cho biết, doanh thu bán hàng đa cấp chủ yếu đến từ thực phẩm chức năng (chiếm 71%); mỹ phẩm (23%); đồ gia dụng, quần áo thời trang, thiết bị và mặt hàng khác chiếm khoảng 6%. Cơ cấu phân bố tỷ lệ sản phẩm kinh doanh theo mô hình đa cấp không thay đổi nhiều so với cơ cấu phân bố tỷ lệ sản phẩm của năm 2016.
Thống kê giai đoạn 2015 - 2017, cơ quan chức năng cũng đã xử lý hoạt động đa cấp trá hình như Liên kết Việt, Phúc Gia Bảo, Thăng Long. Đồng thời, đối với đầu tư tài chính, tiền ảo (iFan), gồm: Thiên Ngọc Minh Uy, Thăng Long...