Nghề kiểm soát viên không lưu không có chỗ cho sai lầm

Liên quan đến vụ 2 máy bay bất ngờ bị mất liên lạc do kiểm soát viên không lưu sân bay Cát Bi - Hải Phòng ngủ quên đêm 9/3, Cục Hàng không Việt Nam cho biết vừa đình chỉ công tác đối với kíp trực kiểm soát không lưu để xảy ra sự cố, uy hiếp an toàn bay.

Tổng công ty quản lý bay Việt Nam đã đưa ra khỏi dây chuyền kiểm soát không lưu (KSKL) các tổ kiểm soát viên của kíp trực trên và điều động tổ KSKL khác từ Hà Nội về thay thế.

Theo đánh giá của các chuyên gia hàng không, nghề kiểm soát viên không lưu (KSVKL) không có chỗ cho sai lầm vì công việc này liên quan đến sinh mạng hàng trăm người, thậm chí là uy tín của cả một quốc gia. Các Trung tâm KSKL tại các sân bay làm việc trong môi trường luôn được bảo vệ đặc biệt nghiêm ngặt.

Trung tâm KSKL Hà Nội. Ảnh Cục Hàng không Việt Nam

Thống kê của Cục Hàng không Việt Nam cho biết, KSVKL toàn quốc, mỗi năm điều hành hơn 750.000 chuyến bay, trên 2.000 chuyến/ngày đêm, nên kỷ luật, tập trung cao độ là bắt buộc. Trước, trong và sau khi vào trực, KSVKL luôn được theo dõi sức khỏe. Nhân viên có vấn đề sức khỏe, tâm lý không được vào ca. Khi vào ca, gặp vấn đề liền có người dự phòng thay thế.

Được biết, Tổng công ty Quản lý bay Việt Nam (Bộ GTVT) hiện được giao nhiệm vụ cung ứng các dịch vụ Bảo đảm hoạt động bay cho tất cả tàu bay dân dụng và vận tải quân sự (khi được ủy quyền) hoạt động tại các cảng hàng không, sân bay trên toàn quốc, trên các vùng thông báo bay (FIR) do Việt Nam quản lý (bao gồm vùng trời thuộc chủ quyền Việt Nam và các vùng trời trên khu vực biển quốc tế được giao cho Việt Nam quản lý), bao gồm: Dịch vụ không lưu; thông tin, dẫn đường, giám sát; thông báo tin tức hàng không; khí tượng; tìm kiếm cứu nạn.

Tổng công ty Quản lý bay Việt Nam hiện nay có gần 500 KSVKL làm việc tại các cơ sở điều hành bay trên toàn quốc, hàng ngày điều hành trên 16.000 chuyến bay trong nước, quốc tế.

Tuy nhiên, ngành hàng không hiện vẫn còn một số tồn tại, hạn chế như quá tải về hạ tầng cảng hàng không, chất lượng dịch vụ còn nhiều bất cập. Đặc biệt, mặc dù ngành hàng không đã giữ vững 18 năm liên tục không để xảy ra tai nạn hàng không nhưng trong thời gian qua còn để xảy ra một số sự cố nghiêm trọng... Do đó, ngành Hàng không cần nhanh chóng hoàn thiện hệ thống bảo đảm an ninh an toàn hàng không theo tiêu chuẩn ICAO.

Liên quan đến vụ việc hai máy bay Vietjet không thể liên lạc được kiểm soát viên không lưu tại sân bay Cát Bi ngày 9/3, Cục Hàng không Việt Nam khẳng định đây là sự cố gián đoạn dịch vụ không lưu uy hiếp an toàn cao. Rõ ràng, đây là “lỗ hổng” an toàn bay cần được ngành Hàng không khẩn trương siết chặt.

Tiến Hiếu/Báo Tin Tức
Đình chỉ kíp trực không lưu để xảy ra mất liên lạc với phi công Vietjet Air
Đình chỉ kíp trực không lưu để xảy ra mất liên lạc với phi công Vietjet Air

Tối muộn 21/3, Cục hàng không Việt Nam bất ngờ thông báo về sự cố: Trong ngày 9/3, có 2 chuyến bay của Vietjet Air là VJ921 và VJ 292 đã không thể kết nối được với kiểm soát viên không lưu. Cơ quan này khẳng định: Đây là sự cố gián đoạn dịch vụ không lưu uy hiếp an toàn cao.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN