Ngày Doanh nhân Việt Nam: Linh hoạt vượt khó

Sau 20 ngày thực hiện giãn cách nghiêm ngặt, “ai ở đâu ở yên đấy” để phòng, chống dịch COVID-19, từ giữa tháng 9/2021, Đà Nẵng bắt đầu nới lỏng các hoạt động để từng bước khôi phục kinh tế - xã hội. Các công ty, doanh nghiệp cũng đang trở lại guồng quay sản xuất, kinh doanh, tìm cách thích nghi để tồn tại và phát triển trong tình hình mới.

Chú thích ảnh
Không khí lao động, sản xuất tại Công ty Cổ phần Phú Mỹ Thịnh (phường Hòa Xuân, quận Cẩm Lệ, thành phố Đà Nẵng) nhộn nhịp khi được hoạt động trở lại. Ảnh: Quốc Dũng/TTXVN

Trở lại hoạt động sau gần 1 tháng nghỉ chống dịch, không khí làm việc tại Công ty cổ phần Phú Mỹ Thịnh, phường Hòa Xuân, quận Cẩm Lệ, thành phố Đà Nẵng trong những ngày này đang rất sôi động, nhộn nhịp. Là công ty chuyên về thiết kế, thi công nội ngoại thất các công trình nên những tháng cuối năm luôn là mùa cao điểm; nhất là khi các chủ đầu tư đều muốn công trình sớm hoàn thiện sau những ngày phải tạm dừng.
 
Ông Nguyễn Duy Linh, Giám đốc Công ty cổ phần Phú Mỹ Thịnh cho biết, hiện tại ông đang phải điều hành công ty rất linh hoạt, vừa đảm bảo tiến độ công việc, nhưng cũng theo sát những quy định của thành phố. “Hoạt động sản xuất, thi công đang dần ổn định, nhưng vẫn còn khó khăn về nhân lực, khi một bộ phận công nhân về quê chưa thể quay lại thành phố. Công ty phải vừa cố gắng giữ chân những công nhân chủ chốt lâu năm, vừa liên tục tuyển người mới để đào tạo, phụ việc. Bên cạnh đó, công ty cũng chủ động thay đổi cách thức làm việc với khách hàng từ trực tiếp sang trực tuyến. Từ việc tìm kiếm khách hàng, thảo luận hợp đồng, cung cấp bản vẽ, phối cảnh và các trao đổi giữa công ty với các chủ đầu tư đều được thực hiện qua các ứng dụng online để đảm bảo an toàn chống dịch và tiết kiệm thời gian”, ông Nguyễn Duy Linh chia sẻ.
 
Theo ông Linh, sau thời gian bị dừng hoạt động theo chỉ đạo chung của thành phố, 10%-15% hàng hóa, thiết bị tại các công trình đang thi công dở dang bị hư hỏng. Trong khi đó, công ty khó tiếp cận các chính sách hoãn trả nợ ngân hàng, vì khi xin hoãn nợ phải cam kết thời gian trả, nhưng tình hình dịch bệnh rất khó đoán, nếu không trả đúng hạn sẽ bị đưa vào danh sách nợ xấu.
 
Tình hình dịch bệnh kéo dài cũng gây ảnh hưởng không nhỏ đến hoạt động của các doanh nghiệp phần mềm tại thành phố Đà Nẵng. Theo ông Vy Văn Việt, Phó Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp phần mềm Đà Nẵng (DSA), trong năm 2021, đa số các công ty bị giảm doanh thu, trong khi các chi phí chăm sóc và hỗ trợ nhân viên tăng. Các doanh nghiệp lớn, có thị trường ổn định doanh thu sụt giảm từ 5%-20%, còn các doanh nghiệp nhỏ, chưa có thị trường ổn định gặp khó khăn hơn rất nhiều. Đặc biệt, các công ty có thị trường trong nước thì gần như không có hợp đồng mới.
 
Ông Vy Văn Việt cho rằng trong thời gian dịch bệnh, hầu hết các công ty phần mềm đã chủ động cho nhân viên làm việc từ xa để duy trì sản xuất, nhưng các công ty vẫn đang gặp khó khăn về nhân lực. Nguồn nhân lực mới trong ngành cần thời gian đào tạo, hướng dẫn trực tiếp, nên khi phải làm việc từ xa sẽ ảnh hưởng rất lớn đến việc này.
 
Bên cạnh đó, người lao động sau thời gian dài cách ly phải làm việc ở nhà, mất đi tương tác xã hội đối với doanh nghiệp, ảnh hưởng đến tinh thần, năng suất lao động và sự kết nối với công ty. Vì vậy, ông Vy Văn Việt kiến nghị thành phố Đà Nẵng cần đẩy mạnh xúc tiến nhanh chính sách giảm thuế thu nhập cá nhân cho người làm việc trong lĩnh vực công nghệ thông tin nhằm thu hút nhân lực chất lượng cao về Đà Nẵng. Đồng thời, thành phố sớm có chính sách hỗ trợ vay vốn, mở rộng, quảng bá cho các Trường đại học, các cơ sở đào tạo công nghệ thông tin để tạo ra nguồn nhân lực dồi dào hơn nữa cho ngành này.
 
Ông Trần Minh Dõng, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần Điện tử và Tin học Đà Nẵng (Viettronimex) cho biết, dịch COVID-19 khiến doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn, nhất là về vốn. Trong khi dòng tiền quay vòng ít, lợi nhuận giảm nhưng công ty vẫn phải chi trả các chi phí: vận chuyển, mặt bằng, điện nước, tiền lương, bảo hiểm... Trước những khó khăn đó, công ty đã nhanh chóng, chủ động tái cơ cấu mặt hàng, cắt giảm tối đa chi phí để duy trì hoạt động. Để khôi phục kinh doanh trong thời gian tới, công ty đề xuất vay 20 tỷ đồng từ Quỹ Đầu tư và phát triển của thành phố Đà Nẵng nhằm mở rộng hệ thống siêu thị trên các địa bàn, đầu tư mở rộng các mặt hàng, sản phẩm mới và bổ sung vốn lưu động.
 
“Hiện nay, nhờ chính sách hỗ trợ của Chính phủ nên chúng tôi đang được ngân hàng cơ cấu nợ, giãn nợ. Nhưng để khôi phục lại kinh doanh, đề nghị Ngân hàng Nhà nước tiếp tục điều hành hệ thống ngân hàng giảm lãi suất cho vay xuống dưới 5%/năm, tiếp tục thực hiện giãn nợ, cơ cấu lại nợ cho tất cả các khoản vay trước ngày 30/9/2021. Bên cạnh đó, thành phố Đà Nẵng tiếp tục thực hiện hiệu quả các chính sách giảm, hoãn tiền nộp thuế, bảo hiểm xã hội và không phạt chậm các khoản đóng từ tháng 6/2021”, ông Dõng đề nghị.
 
Để phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội trong thời gian tới, Chủ tịch UBND thành phố Đà Nẵng Lê Trung Chinh cho biết, chính quyền thành phố cam kết sẽ nỗ lực để “không doanh nghiệp nào bị bỏ lại phía sau”, tạo điều kiện tốt nhất hỗ trợ doanh nghiệp triển khai hoạt động sản xuất, kinh doanh, không để đứt gãy chuỗi sản xuất, cung ứng.
 
Chủ tịch UBND thành phố Đà Nẵng ghi nhận các kiến nghị, đề xuất của doanh nghiệp và đang từng bước tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc trong phạm vi thẩm quyền; đồng thời nghiên cứu, đề xuất các cơ quan bộ, ngành Trung ương xem xét giải quyết những vấn đề ngoài phạm vi cho phép.

Quốc Dũng (TTXVN)
Quảng Trị: Triển khai đợt cao điểm tiêm vaccine phòng COVID-19
Quảng Trị: Triển khai đợt cao điểm tiêm vaccine phòng COVID-19

Ngày 11/10, Văn phòng UBND tỉnh Quảng Trị đã ra văn bản truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị Hoàng Nam về công tác phòng, chống dịch COVID-19; trong đó nhấn mạnh các địa phương phải tập trung tổ chức "Tuần cao điểm chiến dịch tiêm chủng vaccine phòng COVID-19" từ ngày 11 - 17/10.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN