Thời gian qua, một số doanh nghiệp xuất khẩu phản ánh, "tắc" nhất là khâu chứng minh nguồn gốc nguyên liệu, nên nhiều tháng nay, cơ quan Thuế vẫn chưa hoàn thuế GTGT. Bà có thể chia sẻ thêm về vấn đề này?
Thời gian qua, báo chí phản ánh ý kiến của các doanh nghiệp trong việc ngành Thuế chậm giải quyết hoàn thuế GTGT cho một số doanh nghiệp, trong đó có doanh nghiệp lĩnh vực gỗ, tinh bột sắn. Trong nhiều năm qua, ngành Thuế đã tiếp nhận hồ sơ hoàn thuế cho các doanh nghiệp theo nguyên tắc: Người nộp thuế (NNT) tự tính, tự khai và tự chịu trách nhiệm.
Các hồ sơ đề nghị hoàn thuế do cơ quan thuế tiếp nhận được phân loại thành 2 trường hợp: Hoàn thuế trước và kiểm tra trước hoàn thuế theo quy định của pháp luật quản lý thuế. Trong cả hai trường hợp này đều có quy định về thời hạn hoàn thành, tính từ khi doanh nghiệp trình đầy đủ các hồ sơ theo quy định của pháp luật. Đối với trường hợp hoàn thuế trước thì quy định là 6 ngày làm việc, còn đối với kiểm tra trước hoàn thuế, quy định là 40 ngày tính từ thời điểm NNT nộp hồ sơ hoàn thuế đầy đủ, đúng quy định cho cơ quan thuế.
Theo Tổng cục Thuế, 7 tháng năm 2023, cơ quan thuế cả nước đã hoàn cho các doanh nghiệp là 71.825 tỷ đồng với 9.990 quyết định hoàn thuế. Trong các trường hợp hoàn thuế này, theo phân loại, gần 80% thuộc nhóm hoàn thuế trước; còn lại hơn 20% thuộc nhóm kiểm tra trước hoàn thuế.
Để xác định hồ sơ thuộc diện hoàn thuế trước hay kiểm tra trước hoàn, bên cạnh các hồ sơ hoàn thuế lần đầu, hồ sơ đã bị xử phạt hành vi trốn thuế trong vòng hai năm thuộc diện kiểm tra trước hoàn, các hồ sơ còn lại, ngành Thuế căn cứ trên các hồ sơ khai thuế của doanh nghiệp, các thông tin về tình trạng thành lập và hoạt động sản xuất kinh doanh, lịch sử tuân thủ và các thông tin trong cơ sở dữ liệu của ngành... Đặc biệt gần đây ngành Thuế sử dụng cơ sở dữ liệu lớn hóa đơn điện tử (HĐĐT), qua phân tích các hoạt động mua bán hàng hóa của doanh nghiệp, đánh giá rất nhanh toàn bộ các hóa đơn mua bán hàng hóa của doanh nghiệp hoàn thuế và các doanh nghiệp có liên quan theo chuỗi, trên cơ sở đó xác định tính tuân thủ và tin cậy của NNT trong sử dụng hóa đơn và kê khai nộp thuế để xác định doanh nghiệp đó có nằm trong diện rủi ro hay không, từ đó xác định hồ sơ của NNT là hoàn thuế trước hay kiểm tra trước hoàn thuế.
Tuy nhiên, thời gian qua, một số hồ sơ kiểm tra trước hoàn đã bị kéo dài thời gian so với quy định.
Với doanh nghiệp có thời gian giải quyết hồ sơ hoàn thuế chậm muộn là do trong quá trình phân tích dữ liệu về hóa đơn, cơ quan thuế phát hiện doanh nghiệp có mua hàng hóa đầu vào, khấu trừ và đề nghị hoàn thuế của các doanh nghiệp mà bán cho những doanh nghiệp hoàn thuế này nhưng các doanh nghiệp đó đã bỏ trốn khỏi địa chỉ kinh doanh, không kê khai, không nộp thuế; có những doanh nghiệp đã tạm ngừng hoạt động; có những doanh nghiệp đang nằm trong diện nghi án điều tra về hành vi mua bán hóa đơn bất hợp pháp (cơ quan công an thông báo cho thuế).
Với những doanh nghiệp có các dấu hiệu rủi ro, ngành Thuế phải rà soát toàn bộ các hoạt động mua bán hàng hóa để đảm bảo việc mua bán này có thật hay không? Do phải áp dụng các biện pháp nghiệp vụ để tránh những rủi ro thất thoát ngân sách Nhà nước (NSNN) nên đến nay, số lượng hóa đơn của các doanh nghiệp mua vào để khấu trừ hoàn thuế là rất lớn, liên quan rất nhiều doanh nghiệp.
Ngành Thuế phải xác minh hóa đơn, xác minh nguồn gốc hàng hóa để đảm bảo hàng hóa có thật hay không, doanh nghiệp xuất khẩu có mua của những doanh nghiệp mà đã kê khai theo đúng quy định hay không, từ đó xác định mối quan hệ thanh toán hàng và tiền để đảm bảo doanh nghiệp xuất khẩu là có xuất khẩu thật. Doanh nghiệp đó có mua hàng hóa của những doanh nghiệp đã tuân thủ pháp luật, tức là sử dụng hóa đơn đúng, kê khai nộp thuế đầy đủ cho NSNN.
Thưa bà, phía Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam (VIFOREST) phản ánh, hiện nay, ngoài truy xuất đến tận người nông dân trồng rừng, như là những F0, cơ quan thuế còn phải xác minh chuỗi cung ứng của sản phẩm qua các thương lái, nên vất vả, mất nhiều thời gian, thậm chí không khả thi, khiến việc hoàn thuế kéo dài hoặc không thực hiện được. Quan điểm của bà về vấn đề này?
Với các doanh nghiệp xuất khẩu dăm gỗ, ngành Thuế đã chỉ đạo các cơ quan Thuế khi tiếp nhận hồ sơ hoàn thuế, phải xác minh các nguồn gốc gỗ mua vào. Trước khi tiến hành các biện pháp xác minh, cơ quan Thuế các cấp phải phân tích rủi ro đối với các doanh nghiệp bán hàng cho doanh nghiệp xuất khẩu gỗ.
Trong việc xác định rõ nguồn gốc gỗ, Tổng cục Thuế yêu cầu cơ quan thuế phân tích, đánh giá hồ sơ theo từng lô hàng để lựa chọn lô hàng có dấu hiệu bất thường thực hiện kiểm tra, xác minh chọn mẫu. Theo thông tin báo cáo từ Cục thuế, sau khi xác minh đến hộ trồng rừng phát hiện có những hộ cá nhân không được giao đất rừng, không bán gỗ cho doanh nghiệp thương mại.
Trong khi xác minh, ngành Thuế chưa có đầy đủ các kinh nghiệm cũng như kỹ năng nghiệp vụ trong việc xác minh nguồn gốc nên có tình trạng doanh nghiệp xuất khẩu dăm gỗ phản ánh về việc chậm muộn hoàn thuế GTGT.
Để tháo gỡ vướng mắc này, tới đây, ngành Thuế sẽ có cuộc họp bàn với các bộ, ngành, đặc biệt Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn để có giải pháp tháo gỡ, đảm bảo trách nhiệm của ngành Thuế đến đâu? trách nhiệm bộ, ngành về quản lý NNT trong lĩnh vực này đến đâu, trên cơ sở đó có những giải pháp hiệu quả, đảm bảo thời hạn hoàn thuế.
Về ý kiến cho rằng, cơ quan Thuế đưa tất cả các doanh nghiệp xuất khẩu gỗ vào diện rủi ro và thực hiện "kiểm tra trước, hoàn thuế sau" là chưa đúng. Đối với các doanh nghiệp thuộc ngành gỗ, chỉ có một số doanh nghiệp phản ánh chậm muộn hồ sơ hoàn, không phải tất cả doanh nghiệp gỗ. Có nhiều doanh nghiệp gỗ vẫn được hoàn thuế trước trong 6 ngày và đang được ngành Thuế giải quyết theo phương thức: Hoàn trước, kiểm sau. Đối với những doanh nghiệp có phản ánh việc chậm hoàn thuế, chúng tôi hiện chưa xác định được nguồn gốc hàng hóa mua vào và trong kê khai nộp thuế của các doanh nghiệp này còn chưa giải trình được hoạt động mua bán một cách minh bạch. Tôi khẳng định, không phải toàn bộ doanh nghiệp ngành gỗ là rủi ro cao về thuế.
Về kết quả giải quyết hồ sơ hoàn thuế GTGT đối với xuất khẩu mặt hàng gỗ và sản phẩm từ gỗ từ năm 2022 đến nay, lãnh đạo Cục Thanh tra kiểm tra thuế (Tổng cục Thuế) cho biết: Theo số liệu tổng hợp báo cáo nhanh từ các Cục thuế, cơ quan Thuế đã tiếp nhận 5.213 hồ sơ đề nghị hoàn thuế. Trong đó, số hồ sơ cơ quan thuế đã giải quyết hoàn là 4.888 hồ sơ, chiếm tỷ lệ 93,7% tổng số hồ sơ đã tiếp nhận.
Trong quá trình giải quyết hồ sơ hoàn thuế của doanh nghiệp ngành gỗ, cơ quan thuế xác định 548 hồ sơ liên quan đến các doanh nghiệp trung gian. Kết quả phát hiện 72 hồ sơ đề nghị hoàn thuế GTGT có kê khai hóa đơn của 264 doanh nghiệp trung gian bỏ địa chỉ kinh doanh, tạm dừng hoạt động. Do vậy, cơ quan thuế đã chuyển hồ sơ sang cơ quan công an.
Đáng chú ý là qua rà soát thông tin dữ liệu tổng thể của toàn ngành Thuế đối với các doanh nghiệp kinh doanh mặt hàng gỗ, có đến hơn 7.600 doanh nghiệp bỏ địa chỉ kinh doanh, tạm dừng hoạt động. Đây là những dấu hiệu rủi ro đối với công tác quản lý thuế.
Đối với kiến nghị của VIFOREST: Sớm đưa doanh nghiệp chế biến xuất khẩu gỗ ra khỏi danh sách rủi ro cũng như chuyển thuế suất của mặt hàng gỗ rừng trồng sang không chịu thuế, Tổng cục Thuế đã báo cáo Bộ Tài chính và đưa vào nghiên cứu, đánh giá tác động đối với doanh nghiệp kinh doanh xuất khẩu mặt hàng này, sau đó báo cáo Quốc hội và Chính phủ, lấy ý kiến rộng rãi để sửa Luật thuế GTGT trong thời gian tới.
Vậy thưa bà, trong lúc này, ngành Thuế cần phải rà lại các quy định về thủ tục hoàn thuế như phân loại các hồ sơ, kiểm tra hồ sơ, thời hạn giải quyết, thanh tra, kiểm tra sau hoàn thuế, sàng lọc dữ liệu rủi ro, giảm đi những doanh nghiệp "kiểm trước, hoàn sau”?
Đối với việc phải đối chiếu cũng như xác minh hóa đơn mua bán hàng hóa đầu vào của các doanh nghiệp xuất khẩu có đề nghị hoàn thuế, ngành Thuế đã có các văn bản chỉ đạo các Cục thuế thực hiện nghiêm túc Công điện số 470/CĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ; văn bản chỉ đạo của Bộ Tài chính theo hướng sẽ phân tích đánh giá rõ các chuỗi quan hệ mua bán hàng hóa của các doanh nghiệp, chúng tôi sẽ phân loại đối với trường hợp này.
Nếu như doanh nghiệp mua bán hàng hóa của các doanh nghiệp bán hàng cho doanh nghiệp xuất khẩu mà kê khai nộp thuế đầy đủ; đồng thời cơ quan Thuế xác minh những doanh nghiệp này hoạt động bình thường, có đủ năng lực sản xuất, cơ sở vật chất, năng lực tài chính, ngành Thuế sẽ giải quyết theo hướng hoàn thuế.
Trường hợp nếu triển khai tiếp tục xác minh chuỗi mua bán tiếp theo, ngành Thuế sẽ chuyển sang giai đoạn thanh tra kiểm tra sau hoàn thuế. Kể cả những doanh nghiệp được hoàn rồi, chúng tôi sẽ vẫn tiếp tục thanh tra, kiểm tra sau hoàn thuế. Trong quá trình kiểm tra sau hoàn thuế, nếu ngành Thuế phát hiện các sai phạm của doanh nghiệp trung gian, sẽ có biện pháp xử lý nghiêm doanh nghiệp đó.
Theo quy định pháp luật về thuế, cơ quan Thuế giải quyết hoàn thuế trên cơ sở xem xét xử lý thủ tục hồ sơ hoàn thuế của NNT lập và gửi đến cơ quan thuế theo nguyên tắc tự khai, tự chịu trách nhiệm, không có nghĩa là cơ quan thuế chịu trách nhiệm thay cho NNT về tính chính xác, trung thực của hồ sơ hoàn thuế cũng như nghĩa vụ thuế của doanh nghiệp. Do đó, sau khi hoàn, hồ sơ hoàn thuế vẫn thuộc đối tượng thanh tra của cơ quan thuế cũng như thuộc đối tượng thanh tra, điều tra, kiểm toán của các cơ quan Nhà nước khác.
Công tác thanh tra sau hoàn thuế được thực hiện qua phân tích rủi ro. Trường hợp có nghi ngờ các doanh nghiệp hoàn thuế với doanh nghiệp mua bán theo chuỗi trung gian, có mối quan hệ liên kết, có dấu hiệu thành lập chuỗi doanh nghiệp để mua bán bất hợp pháp, cơ quan Thuế sẽ phân tích sâu hơn và xác minh sâu hơn. Trong trường hợp phát hiện những doanh nghiệp trung gian không có thật, thành lập công ty để mua bán hóa đơn, cơ quan Thuế sẽ hoàn thiện hồ sơ, củng cố các chứng cứ để chuyển sang cơ quan điều tra.
Tới đây, Tổng cục Thuế sẽ tiếp tục chỉ đạo cơ quan Thuế các cấp chấn chỉnh lại công tác xác minh hóa đơn theo hướng phân tích kỹ rủi ro trọng yếu, trên cơ sở đó xác định rõ các mối quan hệ mua bán của doanh nghiệp hoàn thuế và doanh nghiệp bán hàng để giải quyết hoàn thuế.
Từ thực trạng trên, theo bà, ngành Thuế cần thêm những giải pháp gì để tháo gỡ khó khăn cho người dân và doanh nghiệp trong lúc này, nhưng vẫn bảo đảm hoàn thuế đúng đối tượng?
Tổng cục Thuế đang rà soát để báo cáo Bộ Tài chính trình cấp có thẩm quyền các quy định tại Luật Thuế GTGT và các văn bản hướng dẫn về đối tượng chịu thuế, không chịu thuế, thuế suất và các điều kiện về hoàn thuế GTGT đối với hàng hóa xuất khẩu và rà soát quy định về thủ tục hoàn thuế tại Luật Quản lý thuế và các văn bản hướng dẫn gồm: Hồ sơ hoàn thuế, phân loại hồ sơ hoàn thuế, kiểm tra hồ sơ hoàn thuế, thời hạn giải quyết hồ sơ hoàn thuế, thanh tra, kiểm tra sau hoàn thuế; tham khảo kinh nghiệm quốc tế về hoàn thuế GTGT để bảo đảm các quy định về đối tượng, điều kiện, hồ sơ, thủ tục hoàn thuế GTGT được thống nhất, chặt chẽ, giúp việc hoàn thuế GTGT được kịp thời, nhanh chóng; đồng thời, tránh tạo kẽ hở cho các đối tượng lợi dụng chính sách để trục lợi, gian lận tiền thuế.
Xin trân trọng cám ơn bà!
Clip chia sẻ của bà Lê Thị Duyên Hải, Vụ trưởng Vụ Kê khai và Kế toán thuế (Tổng cục Thuế):
Kiến nghị kiểm tra hậu kiểm đối với các doanh nghiệp thành lập mới
Thời gian qua, một bộ phận người nộp thuế lợi dụng sự thông thoáng của cơ chế, chính sách đã thành lập doanh nghiệp không để sản xuất kinh doanh mà để thực hiện hành vi mua bán và sử dụng hóa đơn khống. Tổng cục Thuế tiếp tục báo cáo Bộ Tài chính có kiến nghị cơ quan chức năng liên quan đến đăng ký kinh doanh có quy định chặt chẽ về đối chiếu nhân thân, xác thực nhân thân khi thành lập doanh nghiệp.
Sau khi cấp phép thành lập doanh nghiệp, cơ quan quản lý, chính quyền cần có chế độ kiểm tra hậu kiểm các điều kiện mà doanh nghiệp đăng ký có đúng như doanh nghiệp đã đăng ký ban đầu khi khai hồ sơ xin cấp giấy phép thành lập doanh nghiệp để kiểm soát việc các cá nhân, nhóm cá nhân thành lập các doanh nghiệp nhằm mục đích mua bán hóa đơn GTGT để trục lợi, gian lận tiền thuế.