“Do vậy, cơ quan thuế cần phải kiểm tra, xác minh, đối chiếu để xác định số thuế GTGT đủ điều kiện hoàn thuế, kiểm soát chặt chẽ tránh gian lận, thất thoát ngân sách Nhà nước (NSNN)”, đại diện Tổng cục Thuế cho biết.
Đối tượng gian lận hoàn thuế chủ yếu xảy ra ở khâu trung gian mua bán hàng hóa
Đề cập về tiến độ giải quyết hồ sơ hoàn thuế GTGT đối với mặt hàng gỗ mà thời gian qua, một số doanh nghiệp ngành chế biến, xuất khẩu gỗ phản ánh về chậm trễ hoàn thuế, đại diện Tổng cục Thuế cho biết: Qua quá trình giải quyết hồ sơ hoàn thuế của doanh nghiệp ngành gỗ, có 548 hồ sơ cơ quan Thuế thực hiện xác minh các doanh nghiệp trung gian. Kết quả cơ quan Thuế phát hiện, 72 hồ sơ đề nghị hoàn thuế GTGT có kê khai hóa đơn của 264 doanh nghiệp trung gian bỏ địa chỉ kinh doanh, tạm dừng hoạt động. Các hồ sơ này được chuyển sang cơ quan công an.
Theo Tổng cục Thuế, qua rà soát thông tin dữ liệu tổng thể của toàn ngành thuế (ngày 17/5/2023) đối với các doanh nghiệp kinh doanh mặt hàng gỗ thì có đến 7.609 doanh nghiệp bỏ địa chỉ kinh doanh, tạm dừng hoạt động.
Số liệu tổng hợp báo cáo nhanh từ các Cục Thuế cho hay: Kết quả giải quyết hồ sơ hoàn thuế GTGT trường hợp xuất khẩu mặt hàng gỗ và sản phẩm từ gỗ từ ngày 1/1/2022, cơ quan Thuế đã tiếp nhận 5.213 hồ sơ đề nghị hoàn thuế, trong đó: Số hồ sơ người nộp thuế huỷ đề nghị hoàn là 220 hồ sơ, số hồ sơ cơ quan Thuế đã trả lời 4.888 hồ sơ chiếm tỷ lệ 93,76% tổng số hồ sơ đã tiếp nhận.
“Nếu loại trừ số hồ sơ người nộp thuế đề nghị hủy, số hồ sơ cơ quan Thuế đã trả lời chiếm tỷ lệ gần 98% tổng số hồ sơ phải giải quyết. Như vậy, hồ sơ đề nghị hoàn của doanh nghiệp vẫn đang được cơ quan Thuế kịp thời giải quyết hoàn thuế theo đúng quy định, không có việc chỉ vì một số doanh nghiệp vi phạm mà ảnh hưởng đến việc giải quyết hoàn thuế của cả ngành Gỗ”, đại diện Tổng cục Thuế khẳng định.
Theo Cục thuế các địa phương, việc thực hiện theo quy định hiện nay xác minh nguồn gốc dăm gỗ đến tận người trồng rừng gặp không ít khó khăn do nhiều lý do khác nhau, như một doanh nghiệp xuất khẩu phải nhập gỗ dăm từ trăm hàng nghìn hộ cá nhân.
Trả lời báo chí vấn đề này, đại diện Tổng cục Thuế cho biết: Thời gian qua, Bộ Tài chính đã chỉ đạo Tổng cục Thuế phối hợp với các đơn vị nghiệp vụ của Bộ Công an phát hiện và xử lý đối với một số vụ việc lợi dụng để trốn thuế, chiếm đoạt tiền hoàn thuế GTGT như: Vụ án mua bán trái phép hóa đơn GTGT và trốn thuế xảy ra tại Phú Thọ; vụ việc vi phạm về hoàn thuế tại Ninh Bình và Vĩnh Phúc, Đồng Nai, Lạng Sơn.
“Thủ đoạn, hành vi của các đối tượng gian lận hoàn thuế chủ yếu xảy ra tại khâu trung gian mua bán hàng hóa. Một số doanh nghiệp trong khâu trung gian có dấu hiệu rủi ro cao như sau khi xuất hóa đơn cho doanh nghiệp xuất khẩu (F0) thì tạm dừng kinh doanh hoặc bỏ trốn; việc kê khai doanh thu và thuế giữa các doanh nghiệp trung gian không khớp đúng, doanh nghiệp bán (F2, F3,…) kê khai doanh thu nhỏ nhưng doanh nghiệp mua (F1) xuất bán cho doanh nghiệp hoàn thuế kê khai thuế GTGT đầu vào khấu trừ lớn”, đại diện Tổng cục Thuế nêu.
Từ tình hình trên, nhằm tăng cường công tác quản lý hoàn thuế GTGT, tránh thất thoát quỹ hoàn thuế của Nhà nước, đối với một số trường hợp, trong quá trình xác minh, cơ quan Thuế phải phối hợp với các cơ quan chức năng và chính quyền địa phương để làm rõ tính hợp pháp của hồ sơ hoàn thuế.
Kết quả phối hợp xác minh từ cơ quan Nhà nước có thẩm quyền là một trong những căn cứ để cơ quan Thuế thực hiện hoàn thuế GTGT theo quy định của Luật Thuế GTGT, Luật Quản lý thuế và các văn bản hướng dẫn thi hành.
Theo Tổng cục Thuế, Cơ quan Thuế chỉ kiểm tra xác minh đối với hồ sơ có rủi ro cao theo đúng nguyên tắc quản lý rủi ro quy định tại Luật Quản lý thuế, thực hiện xác minh với số thuế GTGT mua vào của người bán có dấu hiệu vi phạm pháp luật. Trong việc xác định rõ nguồn gốc gỗ, Tổng cục Thuế yêu cầu cơ quan thuế phân tích, đánh giá hồ sơ theo từng lô hàng để lựa chọn lô hàng có dấu hiệu bất thường thực hiện kiểm tra, xác minh chọn mẫu.
Qua thực tế triển khai, việc xác minh nguồn gốc dăm gỗ đến tận người trồng rừng của cơ quan Thuế gặp nhiều khó khăn, cụ thể: Doanh nghiệp trung gian bỏ địa chỉ và tạm ngừng hoạt động, thông tin phối hợp giữa thuế và cơ quan chuyên ngành chưa đồng bộ, địa bàn trồng rừng thường ở các vùng xa xôi hẻo lánh ....
"Tuy nhiên, việc xác minh là rất cần thiết, theo thông tin báo cáo từ Cục Thuế sau khi xác minh đến hộ trồng rừng phát hiện có những hộ cá nhân không được giao đất rừng, có hộ cá nhân không bán gỗ cho doanh nghiệp thương mại", đại diện Tổng cục Thuế cho biết.
Đối với số thuế đã có kết quả kiểm tra, xác minh thì cơ quan Thuế kịp thời giải quyết hoàn thuế cho người nộp thuế (NNT) theo quy định tại Điều 34 Thông tư số 80/2021/TT-BTC ngày 29/9/2021 của Bộ Tài chính, không chờ xác minh toàn bộ mới giải quyết hoàn cho NNT.
Trước câu hỏi về lâu dài, Tổng cục Thuế nghiên cứu xem xét, báo cáo Bộ Tài chính, Chính phủ xác định mặt hàng dăm gỗ thuộc nhóm đối tượng không chịu thuế (là sản phẩm trồng trọt chỉ sơ chế thông thường, chưa chế biến thành sản phẩm khác), phù hợp với quy định tại Điều 5 Luật thuế GTGT số 13/2008/QH12, được sửa đổi, bổ sung tại Điều 1 Luật số 106/2016/QH13, đại diện Tổng cục Thuế cho biết: Bộ Tài chính đang hoàn thiện trình Chính phủ hồ sơ đề nghị xây dựng Luật thuế GTGT (sửa đổi) để bổ sung vào Chương trình xây dựng Luật, pháp lệnh năm 2024 của Quốc hội trình Quốc hội cho ý kiến tại kỳ họp thứ 7 (tháng 5/2024) và thông qua tại kỳ họp thứ 8 (tháng 10/2024). Đối với mặt hàng dăm gỗ, Tổng cục Thuế sẽ đánh giá tổng kết để có ý kiến báo cáo Bộ Tài chính tổng hợp trong quá trình xây dựng Luật thuế GTGT.
Không chờ xác minh toàn bộ mới giải quyết hoàn cho người nộp thuế
Theo quy trình giải quyết hồ sơ hoàn thuế GTGT, theo Tổng cục Thuế, các hồ sơ đề nghị hoàn thuế mà cơ quan thuế tiếp nhận được phân loại thành 22 trường hợp hoàn thuế trước và kiểm tra trước hoàn thuế sau theo quy định của pháp luật quản lý thuế, trong đó gần 80% hồ sơ được cơ quan thuế giải quyết hoàn thuế trước trong thời hạn 6 ngày làm việc kể từ ngày nhận đầy đủ hồ sơ đề nghị hoàn thuế của người nộp thuế.
Đối với số thuế đã có kết quả kiểm tra, xác minh thì Cơ quan thuế kịp thời giải quyết hoàn thuế cho NNT theo quy định tại Điều 34 Thông tư số 80/2021/TT-BTC ngày 29/9/2021 của Bộ Tài chính, không chờ xác minh toàn bộ mới giải quyết hoàn cho NNT.
Năm 2022, cơ quan thuế cả nước đã ban hành 20.774 quyết định hoàn thuế GTGT với tổng số tiền thuế được hoàn là 150.709 tỷ đồng. Trong 7 tháng đầu năm 2023 (tính đến hết ngày 27/7/2023), cơ quan thuế cả nước số đã ban hành 9.800 quyết định hoàn thuế GTGT, tương ứng số thuế đã hoàn 70.356 tỷ đồng.
Mới đây, Tổng cục Thuế tiếp tục họp bàn giữa các đơn vị liên quan triển khai thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ nêu tại Công văn số 5503/VPCP-KTTH ngày 20/07/2023 nhằm đưa ra một số giải pháp để đẩy nhanh và giải quyết các vướng mắc trong hoàn thuế GTGT (về chính sách, về chỉ đạo chung toàn ngành, về đẩy mạnh triển khai ứng dụng công nghệ thông tin, về đẩy mạnh tiến độ xây dựng, triển khai ứng dụng phân tích rủi ro; về nâng cấp hoàn thiện ứng dụng theo dõi kết quả xác minh hóa đơn…)
Theo đó, Tổng cục Thuế đang rà soát để báo cáo Bộ Tài chính trình cấp có thẩm quyền các quy định tại Luật Thuế GTGT và các văn bản hướng dẫn về đối tượng chịu thuế, không chịu thuế, thuế suất và các điều kiện về hoàn thuế GTGT đối với hàng hóa xuất khẩu và rà soát quy định về thủ tục hoàn thuế tại Luật Quản lý thuế và các văn bản hướng dẫn gồm: Hồ sơ hoàn thuế, phân loại hồ sơ hoàn thuế, kiểm tra hồ sơ hoàn thuế, thời hạn giải quyết hồ sơ hoàn thuế, thanh tra, kiểm tra sau hoàn thuế; tham khảo kinh nghiệm quốc tế về hoàn thuế GTGT để đảm bảo các quy định về đối tượng, điều kiện, hồ sơ, thủ tục hoàn thuế GTGT được thống nhất, chặt chẽ, giúp việc hoàn thuế GTGT được kịp thời; đồng thời, tránh tạo kẽ hở cho các đối tượng lợi dụng chính sách để trục lợi, gian lận tiền thuế.
“Tiếp tục kiến nghị cơ quan chức năng liên quan đến đăng ký kinh doanh có quy định chặt chẽ về đối chiếu nhân thân, xác thực nhân thân khi thành lập doanh nghiệp. Sau khi cấp phép thành lập doanh nghiệp có chế độ kiểm tra hậu kiểm các điều kiện mà doanh nghiệp đăng ký có đúng như doanh nghiệp đã đăng ký ban đầu khi khai hồ sơ xin cấp giấy phép thành lập doanh nghiệp để kiểm soát việc các cá nhân, nhóm cá nhân thành lập các doanh nghiệp nhằm mục đích mua bán hóa đơn GTGT để trục lợi, gian lận tiền thuế. Đề xuất với cơ quan quản lý Nhà nước có thẩm quyền nghiên cứu sửa đổi, bổ sung chính sách, quy định pháp luật để nâng mức xử phạt (hành chính/hình sự) đối với các hành vi mua bán trái phép hóa đơn đảm bảo tính nghiêm minh của pháp luật”, đại diện Tổng cục Thuế kiến nghị.
Phía ngành Thuế tăng cường áp dụng, triển khai trí tuệ nhân tạo (AI) để phân tích dữ liệu lớn (Big Data) trong chuỗi mua bán của các doanh nghiệp, từ đó phát hiện các dấu hiệu gian lận trong việc kê khai, nộp thuế của các doanh nghiệp trung gian trong chuỗi mua bán; phát hiện các dấu hiệu bất thường về giá trị hàng hóa giao dịch mua bán; phát hiện chuỗi mua bán lòng vòng của các doanh nghiệp…
“Yêu cầu các đồng chí Cục trưởng Cục Thuế tỉnh, thành phố chịu trách nhiệm toàn diện về công tác quản lý hoàn thuế GTGT trên địa bàn, không để tồn đọng kéo dài, gây bức xúc cho người dân và doanh nghiệp; bố trí đầy đủ nguồn lực khẩn trương hoàn thành việc kiểm tra hoàn thuế đối với các hồ sơ đề nghị hoàn thuế đảm bảo giải quyết hồ sơ hoàn thuế của NNT đúng thời hạn quy định, đúng đối tượng và trường hợp được hoàn thuế. Đối với số thuế đã có kết quả kiểm tra, xác minh thì khẩn trương giải quyết hoàn thuế cho NNT theo quy định tại Điều 34 Thông tư số 80/2021/TT-BTC ngày 29/9/2021 của Bộ Tài chính, không chờ xác minh toàn bộ mới giải quyết hoàn cho NNT", đại diện Tổng cục Thuế cho biết.
Ngoài ra, tiếp tục tổ chức đối thoại tại cấp Cục Thuế tỉnh, thành phố với Hiệp hội, doanh nghiệp có hồ sơ hoàn thuế GTGT tồn đọng kéo dài để làm rõ vướng mắc, chủ động xử lý, giải quyết các vướng mắc trong thẩm quyền; trường hợp vướng mắc vượt quá thẩm quyền, báo cáo Tổng cục Thuế để được kịp thời hướng dẫn.