Thông tin trên được đưa ra tại hội thảo "Phát triển ngành nuôi cá biển bền vững, sản lượng cao, hướng xuất khẩu ở Việt Nam" được tổ chức sáng nay (5/5) tại TP Hồ Chí Minh.
Theo số liệu thống kê của ngành chức năng, tỷ trọng sản lượng nuôi cá biển của Việt Nam hiện chỉ chiếm hơn 1%, nhuyễn thể khoảng 19%, rong biển gần 3%... chưa tương xứng với tiềm năng. Nguyên nhân do ngành nuôi cá biển vẫn còn thiếu kế hoạch nuôi biển quốc gia, chưa có những chính sách khuyến khích và ưu tiên thu hút đầu tư.
Hiện có rất ít doanh nghiệp nuôi biển và các trang trại nuôi đều có quy mô nhỏ, nông hộ. Trong khi đó, rủi ro do ô nhiễm, suy giảm nguồn lợi biển cũng như việc phát triển thị trường, quảng bá sản phẩm còn yếu... đã tác động không nhỏ đến sự phát triển bền vững của ngành.
Người dân tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu khai thác những bãi cát ven biển để nuôi hải sản cho giá trị kinh tế cao. |
Ông Nguyễn Hữu Dũng, Chủ tịch Hiệp hội Nuôi biển Việt Nam, cho biết đến năm 2020 sản lượng nuôi biển hàng năm như: tôm và tôm hùm đạt 700.000 tấn, nhuyễn thể đạt hơn 400.000 tấn, cá biển khoảng hơn 200.000 tấn...
Để đạt mục tiêu trên, ngành nuôi cá biển sẽ phát triển nuôi biển trên quy mô lớn với công nghệ tiên tiến, thân thiện môi trường; xây dựng chuỗi giá trị hoàn thiện cho những sản phẩm nuôi biển, từ con giống cho đến thực phẩm tiêu dùng... Song song đó tập trung phát triển thị trường xuất khẩu và nội địa tuân thủ nghiêm tiêu chí chất lượng, khả năng truy xuất nguồn gốc, tạo thương hiệu và đẩy mạnh những hoạt động quảng bá sản phẩm.
"Kết hợp cùng các ngành chức năng, chúng tôi đã thành lập Nhóm chỉ đạo nuôi cá biển công nghiệp, đầu tư nâng cấp nhà máy sản xuất thức ăn cá biển, thực hiện chương trình giám sát và kiểm tra môi trường nuôi biển; khảo sát, xây dựng các liên doanh sản xuất giống cá biển quy mô lớn... nhằm nỗ lực hoàn thành chỉ tiêu đề ra", ông Dũng nói thêm