Ngành nước với cách mạng công nghiệp 4.0 - Bài cuối: Cần hoàn thiện chính sách

Những năm qua, việc phát triển ngành nước bền vững là một trong những mục tiêu quan trọng trong chiến lược phát triển kinh tế - xã hội đất nước mà Đảng và Chính phủ đặt ra.

Chú thích ảnh
Triển lãm các sản phẩm, các thiết bị ứng dụng khoa học kỹ thuật về ngành nước tại Hội nghị thường niên với chủ đề “ Chính sách phát triển nguồn nước : Cơ hội, khó khăn, thách thức và kiến nghị”. Ảnh: Huyền Trang/TTXVN

Đây cũng là mục tiêu phát triển bền vững của Liên hợp quốc đến năm 2030 mà Chính phủ Việt Nam đã cam kết. Do vậy, ngành cấp thoát nước cần nghiên cứu, rà soát, sửa đổi bổ sung các văn bản quy phạm pháp luật đảm bảo tính thống nhất và đồng bộ (Luật Giá, Luật Đầu tư, Luật Bảo vệ môi trường, Luật Xây dựng, Luật Giao thông đường bộ… và các Nghị định hướng dẫn thực hiện).

Tiếp tục bổ sung và hoàn thiện các quy định về đầu tư theo hình thức đối tác công tư đối với lĩnh vực cấp thoát nước để thu hút các nguồn lực đầu tư vào lĩnh vực này.

Theo bà Hạ Thanh Hằng, Trưởng ban Chính sách phát triển Hội Cấp thoát nước Việt Nam: Về nghiên cứu xây dựng và ban hành Luật Cấp nước, Luật Thoát nước và Xử lý nước thải.

Trước mắt, ngành cấp thoát nước chưa xây dựng Luật Cấp nước, vì vậy cần nghiên cứu sửa đổi Nghị định 117/2007 cho phù hợp với thực tiễn quản lý và phát triển, đặc biệt lưu ý đến quy định về thỏa thuận thực hiện dịch vụ cấp nước và đề nghị chuyển sang hình thức hợp đồng sản xuất, cung cấp nước sạch được ký kết giữa chính quyền địa phương và đơn vị cung cấp dịch vụ cấp nước; các quy định liên quan đến quy hoạch cấp nước; giá nước; quản lý rủi ro, an ninh và an toàn trong hoạt động cấp nước.

Ngoài ra, cần nghiên cứu hoàn thiện để ban hành mới, sửa đổi, bổ sung hoặc thay thế hệ thống các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật liên quan đến ngành cấp thoát nước (trong đó kể cả tiêu chuẩn kỹ thuật về vật tư thiết bị ngành nước) để phù hợp với yêu cầu, trình độ phát triển và công nghệ mới.

Bổ sung các nội dung liên quan đến tác động của biến đổi khí hậu, quản lý rủi ro, thoát nước bền vững, quản lý nước thông minh… vào các đồ án quy hoạch xây dựng cấp nước, thoát nước.

Bên cạnh đó, việc lựa chọn nhà đầu tư chiến lược và thực hiện bán cổ phần lần đầu cho nhà đầu tư chiến lược cần được áp dụng cho tất các doanh nghiệp mà Nhà nước vẫn còn có cổ phần vốn của mình tại doanh nghiệp, không nên quy định chỉ áp dụng đối với các doanh nghiệp Nhà nước tiếp tục nắm giữ trên 50% cổ phần trong tổng số cổ phần (quy định tại Điều 6, khoản b, Nghị định 126/2017/NĐ-CP ngày 16/11/2017).

Tiêu chí hàng đầu khi lựa chọn nhà đầu tư chiến lược phải là nhà đầu tư có cùng ngành nghề với doanh nghiệp, có kinh nghiệm nhất định trong lĩnh vực cấp nước (về thời gian, quản lý, vận hành…), sau mới đến các tiêu chí về năng lực tài chính và các tiêu chí khác.

Hơn nữa, phải quy định cụ thể các nội dung cam kết của nhà đầu tư về phát triển doanh nghiệp sau cổ phần hóa; quy định rõ các chế tài xử lý khi các nhà đầu tư chiến lược vi phạm các cam kết của mình, đặc biệt là các cam kết liên quan đến đảm bảo an ninh, an toàn trong cấp nước và chất lượng nước....

Bà Hằng cho rằng, về việc tiếp tục duy trì ngành nghề kinh doanh chính và thương hiệu của doanh nghiệp cổ phần hóa trong thời gian ít nhất 5 năm kể từ thời điểm chính thức trở thành nhà đầu tư chiến lược như trong Nghị định 59/2011 (Nghị định 126/2017 giảm xuống còn 3 năm). Do đó, ngành cấp thoát nước cần nghiên cứu điều chỉnh tăng mức bán cổ phần, cổ phần với giá ưu đãi cho người lao động.

Đồng thời, nghiên cứu lộ trình cổ phần hóa các doanh nghiệp ngành nước cho phù hợp với các địa phương, đặc biệt các đô thị lớn trong khi các cơ chế, chính sách quản lý chưa đồng bộ hoặc còn thiếu đồng thời nghiên cứu ban hành các quy định về quản lý các doanh nghiệp sau cổ phần hóa trong đó xác định rõ trách nhiệm, nghĩa vụ của các đơn vị cung cấp nước, trách nhiệm của chính quyền địa phương trong việc bảo đảm cấp nước cho người dân.

Nên có lộ trình điều chỉnh giá nước và giá dịch vụ thoát nước cho phù hợp bởi giá nước sạch phải được tính đúng, tính đủ các yếu tố chi phí sản xuất hợp lý trong quá trình sản xuất, phân phối nước sạch bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của các đơn vị cấp nước và khách hàng sử dụng nước.

Mặt khác, nghiên cứu đổi mới các quy định có liên quan đến giá nước cần cập nhật, bổ sung kịp thời các chi phí phát sinh để thực hiện các hoạt động như: thực hiện cấp nước an toàn, duy trì đấu nối, quản lý rủi ro, lợi nhuận…

Trong lộ trình điều chỉnh giá nước, để thực hiện đúng nguyên tắc, người xả nước thải phải trả tiền xử lý nước thải nên có sự hài hòa và đồng bộ giữa Nghị định 154/2016/NĐ-CP và Nghị định 80/2014/NĐ-CP cần sửa đổi Nghị định 154/2016/NĐ-CP theo hướng: Nguồn thu phí bảo vệ môi trường đối với nước thải phải được sử dụng hoàn toàn cho hoạt động xử lý nước thải; quy định cụ thể lộ trình điều chỉnh tỷ lệ % thu phí qua nước sạch từ 10% trở lên và giao cho địa phương xây dựng và phê duyệt lộ trình điều chỉnh này cho phù hợp với tình hình quản lý và đầu tư xây dựng hệ thống thoát nước trên địa bàn.

Đồng thời, bổ sung các chế tài qui định cụ thể đối với các địa phương hiện nay không thực hiện giá dịch vụ thoát nước theo quy định tại Nghị định số 80/2014/NĐ-CP ngày 6/8/2014 của Chính phủ về thoát nước và xử lý nước thải. Nghiên cứu đổi mới mô hình quản lý thống nhất theo hướng một Bộ quản lý chuyên ngành về cấp nước sinh hoạt, thoát nước và xử lý nước thải đô thị và khu dân cư nông thôn.

Diệu Thúy (TTXVN)
Ngành nước với cách mạng công nghiệp 4.0 - Bài 2: Cần kế hoạch cụ thể, đồng bộ phát triển nguồn nhân lực 
Ngành nước với cách mạng công nghiệp 4.0 - Bài 2: Cần kế hoạch cụ thể, đồng bộ phát triển nguồn nhân lực 

Trong những năm tới, lĩnh vực cấp nước, thoát nước và xử lý nước thải đô thị và nông thôn cần tới hàng vạn công nhân và cán bộ kỹ thuật.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN