Gia tăng sức ép từ các cuộc phòng vệ thương mại
Theo ông Đinh Quốc Thái, Tổng Thư ký Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA), trong 8 tháng năm 2024, sản xuất và bán hàng thép thành phẩm đạt khoảng 19 triệu tấn (tăng 9%), xuất khẩu thép thành phẩm ước đạt 8,6 triệu tấn. Sản phẩm thép được xuất khẩu đến hơn 30 quốc gia và khu vực trên thế giới như: Khu vực ASEAN (26%), EU (25%), Hoa Kỳ (15%)... còn lại là các quốc gia khác.
Trong hai thập kỷ qua, song hành với sự tăng trưởng, ngành thép cũng đối diện với thách thức không nhỏ từ các vụ việc phòng vệ thương mại (PVTM).
Tính đến tháng 8/2024, ngành thép đã đối mặt với 78 vụ điều tra PVTM, chiếm 30% số vụ việc PVTM liên quan tới các sản phẩm xuất khẩu của Việt Nam. Điều đó cho thấy các nước vận dụng rất nhiều các biện pháp PVTM để bảo vệ thị trường sở tại. Hiện, Hoa Kỳ là quốc gia áp dụng nhiều biện pháp PVTM đối với thép của Việt Nam nhất.
“Trong bối cảnh cạnh tranh ngày càng khốc liệt trên thị trường thép toàn cầu, với xu thế hợp tác kinh tế quốc tế ngày càng sâu rộng, Chính phủ các quốc gia, đặc biệt là tại các nước phát triển, thường viện dẫn lý do bảo vệ an ninh quốc gia, việc làm và các lợi ích kinh tế khác, để áp dụn biện pháp PVTM như chống bán phá giá, chống trợ cấp, tự vệ thương mại và chống lẩn tránh thương mại. Xu hướng này đã và đang tác động đến toàn bộ thị trường thép thế giới và đặc biệt đến ngành thép Việt Nam”, ông Thái nhận định.
Tương tự, khó khăn cũng đang bủa vây với ngành nhôm, ông Nguyễn Minh Kế, Chủ tịch Hiệp hội Nhôm thanh định hình Việt Nam cho biết, trước xu hướng hội nhập đa phương và xu thế bảo hộ nền sản xuất của các quốc gia hiện nay, ngành nhôm đã liên tiếp đối mặt với các cuộc điều tra PVTM của nước ngoài, nhất là thị trường Mỹ.
Lý giải nguyên nhân việc liên tiếp có các cuộc điều tra trong 2 năm qua, ông Nguyễn Minh Kế cho rằng, một phần do hệ lụy của chiến tranh thương mại của Mỹ và các nước phương Tây với Trung Quốc. Bên cạnh đó, còn có nguyên nhân: Nhôm là kim loại đa dụng hiện diện ở khắp mọi nơi, từ trong đời sống sinh hoạt hàng ngày, cho đến các ngành cơ khí chính xác, vũ trụ hàng không… Sự gia tăng sản lượng xuất khẩu từ Việt Nam khiến cho ngành sản xuất nhôm Việt phải đối mặt với ngày càng nhiều các vụ điều tra PVTM, gây tốn kém công sức, tiền của của doanh nghiệp và nhà nước.
Cần nỗ lực từ chính doanh nghiệp
Ông Đinh Quốc Thái đánh giá, sau một thời gian đối mặt với nhiều vụ việc điều tra PVTM, Hiệp hội Thép Việt Nam và các doanh nghiệp thép đã từng bước chuyên nghiệp hóa, đáp ứng các yêu cầu của cơ quan điều tra các nước. Cùng với sự chuẩn bị kỹ càng trong nội tại doanh nghiệp, nhiều vụ việc đã có được kết quả đáng ghi nhận.
Ông Thái nêu dẫn chứng, năm 2019, KADI (Indonesia) thông báo dừng quyết định áp thuế chống bán phá giá đối với mặt hàng tôn lạnh sau 2 năm điều tra; năm 2020, Australia chấm dứt điều tra chống bán phá giá, chống trợ cấp đối với mặt hàng ống thép chính xác. Gần đây nhất là năm 2023, Mexico kết luận Việt Nam không tồn tại thị trường đặc biệt và mức thuế áp cho doanh nghiệp Việt Nam (6,4-10,84%).
Ông Thái nhận định, phần lớn kết quả này dựa trên chính sự nỗ lực, cố gắng của các doanh nghiệp trong việc chứng minh không tồn tại hành vi bán phá giá/lẩn tránh trước cơ quan điều tra.
Vì vậy, trong thời gian tới, doanh nghiệp cần chủ động tìm hiểu thông tin liên quan đến quy định pháp luật của các nước điều tra. Từ đó, hiểu được quy trình diễn ra của mỗi vụ việc điều tra chống bán phá giá/chống trợ cấp/chống lẩn tránh thuế hay tự vệ. Quy định điều tra của mỗi biện pháp, cũng như của mỗi quốc gia, là khác nhau.
Kiến nghị trong thời gian tới, Tổng thư ký Hiệp hội Thép Việt Nam đề nghị Bộ Công Thương, Cơ quan đại diện ngoại giao của Việt Nam tại nước ngoài, tiếp tục đẩy mạnh các hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp. Cụ thể, Cục Phòng vệ thương mại, Bộ Công Thương tiếp tục đưa ra các khuyến nghị kịp thời về vụ việc phát sinh, về kỹ thuật, lập luận, tư vấn triển khai các vụ việc; hỗ trợ trao đổi, trình bày lập luận, quan điểm của Chính phủ về kết luận của cơ quan điều tra liên quan đến các chương trình chính sách của phía Chính phủ Việt Nam.
Bên cạnh đó, ông Thái đề nghị Cục Xúc tiến thương mại, Bộ Công Thương tiếp tục hỗ trợ giới thiệu và kết nối các chương trình giao thương thúc đẩy xuất khẩu hàng hóa thép...
Bà Trương Thuỳ Linh- Phó Cục trưởng Cục Phòng vệ thương mại (Bộ Công Thương) cho biết, thời gian qua, số lượng vụ việc PVTM ngày càng gia tăng, thị trường điều tra ngày càng mở rộng hơn đối với hàng hoá xuất khẩu của Việt Nam. Hơn nữa, phạm vi sản phẩm bị điều tra ngày càng đa dạng., không giới hạn ở các mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu lớn, mà mở rộng với những sản phẩm có giá trị và lượng xuất khẩu trung bình và nhỏ. Cùng với đó, xu hướng điều tra khắt khe hơn, đưa ra yêu cầu cao trong nhiều khía cạnh đối với Chính phủ, doanh nghiệp bị điều tra (thời hạn trả lời, yêu cầu bổ sung nhiều thông tin, khó xin gia hạn...).
Phạm vi điều tra các cuộc PVTM cũng ngày càng mở rộng, gồm cả nội dung mới như điều tra xem xét phạm vi sản phẩm, điều tra chống lẩn tránh biện pháp PVTM. Đáng lưu ý, mức thuế PVTM có thể bị đẩy lên do vấn đề kinh tế thị trường, bởi một số nước như Hoa Kỳ chưa công nhận Việt Nam là nền kinh tế thị trường, nên sử dụng chi phí của một nước thứ ba để tính giá trị thông thường trong các vụ việc chống bán phá giá.
Trong quá trình bảo vệ quyền lợi cho doanh nghiệp sản xuất/xuất khẩu của Việt Nam, Cục Phòng vệ thương mại nhận thấy vai trò của các cơ quan Thương vụ của Việt Nam ở nước ngoài là vô cùng quan trọng. Bà Trương Thuỳ Linh khuyến nghị, hệ thống Thương vụ Việt Nam tại nước ngoài tiếp tục hỗ trợ cung cấp thông tin, cảnh báo sớm mặt hàng có nguy cơ bị điều tra. Cùng đó, hỗ trợ làm rõ quy định điều tra của Chính phủ nước nhập khẩu; hỗ trợ trình bày ý kiến, quan điểm của Chính phủ Việt Nam về quan điểm, kết luận của cơ quan điều tra. Ngoài ra, hỗ trợ tham vấn hoặc khởi kiện ra Tổ chức thương mại Thế giới (WTO), trong trường hợp cơ quan điều tra nước ngoài vi phạm các quy định của WTO mà không thể bố trí tham gia.
Theo TS Nguyễn Thị Thu Trang, Giám đốc Trung tâm WTO và Hội nhập (thuộc VCCI), các biện pháp PVTM, nhất là chống bán phá giá, là công cụ hợp pháp để bảo vệ quyền lợi hợp pháp của hoạt động sản xuất nội địa, mà trực tiếp là ngành sản xuất thép, trước hành vi cạnh tranh không lành mạnh như bán phá giá hay bán những sản phẩm được trợ cấp bởi Chính phủ của nước xuất khẩu vào Việt Nam.
Song về lâu dài, Nhà nước cần thiết kế một khung khổ pháp lý và tổ chức một bộ máy thực thi công cụ PVTM một cách hợp lý, chặt chẽ, minh bạch, phù hợp với Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) để các doanh nghiệp sản xuất trong nước có thể sử dụng một cách thuận lợi, hiệu quả, nhằm bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình theo quy định.