“Cái khó ló cái khôn”
Trong khi các doanh nghiệp chế biến, xuất khẩu gỗ gặp khó khăn thời COVID-19 thì các cơ sở cung cấp, sản xuất đồ gỗ phục vụ thị trường nội địa như các làng nghề tại Liên Hà, Đông Anh (Hà Nội) hay Đồng Kỵ (Bắc Ninh)... vẫn tiếp tục hoạt động. Một số cơ sở quy mô nhỏ tại các làng nghề như Hữu Bằng, Thạch Thất (Hà Nội) đang chuyển sang sản xuất các dòng sản phẩm tiêu thụ nội địa mà trước đó phải nhập khẩu.
Ông Vũ Quốc Vương, Chủ tịch Hiệp hội gỗ Đồng Kỵ (Bắc Ninh) và đại diện một số cơ sở chế biến tại làng Hữu Bằng, Thạch Thất (Hà Nội) cùng đưa ra nhận định: Khoảng 20 - 30% các cơ sở chế biến quy mô hộ gia đình tại các làng nghề này vẫn đang duy trì hoạt động.
Đáng chú ý, một số cơ sở kinh doanh hộ gia đình tại các làng nghề, với sản phẩm phục vụ thị trường nội địa, bắt đầu chuyển đổi sang hình thức bán hàng online. Hiệp hội gỗ Đồng Kỵ hiện nay đã thành lập nhóm trên zalo, viber và facebook, bao gồm các hộ gia đình sản xuất, hộ chuyên làm thương mại và hộ cung cấp nguyên liệu đầu vào, với ít nhất 179 thành viên đang tham gia vào các nhóm bán hàng này. Các thành viên trong nhóm thường xuyên chia sẻ các mặt hàng mà hộ mình làm ra, chào giá bán trên nhóm và nhờ các thành viên trong nhóm kết nối với người mua có nhu cầu.
Sáng kiến thành nhập nhóm và bán hàng qua mạng cũng xuất hiện tại làng nghề Hữu Bằng. Theo ông Nguyễn Duy Khiêm, Phó Giám đốc Công ty TNHH Hoàng Phát tại Hữu Bằng, công ty hiện tại hoạt động chủ yếu theo phương thức bán hàng online, qua zalo, viber và sản xuất theo các đơn đặt hàng theo các kênh đặt hàng trên các nhóm này.
Trong khi đó, doanh nghiệp chuyên xuất khẩu như Công ty TNHH Hoàng Phát cũng trở về khai thác thị trường nội địa. Việc đứt gãy các chuỗi cung, bao gồm cả các chuỗi cung nhập khẩu các mặt hàng gỗ từ nước ngoài, đặc biệt là từ Trung Quốc vào Việt Nam phục vụ tiêu dùng nội địa đã tạo ra khoảng trống về các mặt hàng này tại thị trường nội địa. Tận dụng cơ hội này, công ty chuyên xuất khẩu nội thất cao cấp này đang nghiên cứu sản xuất các mặt hàng như cũi trẻ em, ghế ăn trẻ em… trước đó Việt Nam thường nhập khẩu từ Trung Quốc.
Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) Hà Công Tuấn cho biết, thống kê tại các doanh nghiệp từ tháng 4, có khoảng 80% các đơn hàng bị tạm dừng, chưa tìm được đơn hàng mới. Trong khi đó, các thị trường nhập khẩu gỗ lớn như Mỹ chiếm 51%, EU chiếm 39% kim ngạch xuất khẩu gỗ, gần như đóng băng. Các thị trường Nhật Bản, Hàn Quốc chỉ còn lác đác những đơn hàng.
Cũng theo dự báo của Tổng cục Lâm nghiệp, dịch COVID-19 đang diễn biến phức tạp trên khắp thế giới khiến việc xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ từ tháng 4 này sẽ gặp nhiều khó khăn.
Trong bối cảnh đại dịch COVID-19 còn diễn biến phức tạp, cộng đồng doanh nghiệp đang hết sức nỗ lực, cố gắng duy trì phần nào hoạt động sản xuất kinh doanh, để giảm thiểu các động của dịch tới hoạt động của doanh nghiệp. Ông Điền Quang Hiệp, Chủ tịch Hiệp hội gỗ và lâm sản Bình Dương, địa phương được coi là thủ phủ ngành gỗ, nhận xét: “Trong bối cảnh này, doanh nghiệp chỉ có 2 sự lựa chọn. Một là cố gắng tìm các giải pháp để tồn tại và chuẩn bị kỹ càng các bước tiếp theo để khi nào bệnh dịch qua đi thì doanh nghiệp có thể tăng tốc trở lại vị trí trước dịch. Hai là đóng cửa và phá sản. Tất nhiên chẳng doanh nghiệp nào muốn lựa chọn phương án thứ hai, mà cố gắng tìm mọi cách để tồn tại".
Tuy nhiên, việc phát triển sản xuất hướng vào thị trường trong nước được xem là cách làm sáng suốt. Theo khảo sát của Cục Chế biến và phát triển thị trường nông sản (Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn), thị trường nội địa chiếm khoảng 40% giá trị đồ gỗ. Trong đó, cơ cấu cho khu vực dân cư thành thị chiếm 30%, khu vực nông thôn chiếm 30% và 40% còn lại thuộc về xây dựng và bất động sản
Ông Huỳnh Văn Hạnh, Phó Chủ tịch Hội Mỹ nghệ và Chế biến gỗ TP Hồ Chí Minh (Hawa), cho biết ngành công nghiệp chế biến và xuất khẩu gỗ của Việt Nam có tiềm năng lớn thị trường gỗ trong với giá trị thương mại hơn 4 tỷ USD và mục tiêu đạt 5 tỷ USD trong năm 2019.
Hướng tới mục tiêu phục hồi sản xuất sau đại dịch, nhiều doanh nghiệp và một số Hiệp hội đang tích cực thực hiện các hoạt động chuẩn bị về nguyên, vật liệu, tổ chức sản xuất theo hướng nâng cao hiệu qủa sản xuất, nâng cao năng suất lao động, sẵn sàng cho việc quay lại sản xuất kinh doanh.
Hiện thực hóa cơ hội khai thác dài hạn lợi thế “sân nhà”
Khác với các thị trường xuất khẩu thường chọn sản phẩm sản xuất hàng loạt, người tiêu dùng Việt Nam ưa thích sản phẩm gỗ có phong cách, thiết kế riêng và đó là thế mạnh của các doanh nghiệp chế biến vừa và nhỏ hiện nay. Vì thế, việc chuyển hướng sang thị trường nội địa cần sự đầu tư nghiên cứu, xác định dòng sản phẩm cũng như xây dựng chiến lược xây dựng thương hiệu.
Không chỉ doanh nghiệp, chính các Hiệp hội cũng xác định vai trò quan trọng của mình trong việc trở thành cầu nối tạo sân chơi cho các doanh nghiệp ngành gỗ, nội thất cập nhật xu hướng thị trường trong nước, cũng như tạo điều kiện để người tiêu dùng Việt Nam tiếp cận, sử dụng nhiều sản phẩm nội thất chất lượng.
Theo ông Đỗ Xuân Lập, Chủ tịch Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam (VIFOREST), việc xác định dòng sản phẩm và thị trường chiến lược có vai trò đặc biệt quan trọng đối với sự tồn tại và phát triển của ngành chế biến gỗ xuất khẩu. Dòng sản phẩm chiến lược là các sản phẩm có nhu cầu lớn, có độ ổn định cao và cầu liên tục mở rộng.
“Hiện nhóm đồ gỗ phòng bếp, phòng tắm và bàn trang điểm hiện đang chiếm khoảng 60% trong tổng cầu của tất cả các loại đồ gỗ trên toàn thế giới. Phần 40% còn lại là các nhóm đồ gỗ khác như đồ gỗ văn phòng, đồ gỗ ngoài trời… Tuy nhiên, hiện nay tại thị trường Việt Nam, các mặt hàng thuộc nhóm đồ gỗ chiến lược này lại bị nhiều doanh nghiệp của Trung Quốc chiếm lĩnh. Vì lẽ đó, việc xác định dòng sản phẩm chiến lược ngay trên sân nhà là yếu tố rất quan trọng”, ông Đỗ Xuân Lập phân tích.
Bên cạnh đó, theo các chuyên gia, để chuyển đổi phương thức bán hàng từ truyền thống sang hình thức online tại thị trường trong nước đòi hỏi cần phải có những thay đổi căn bản về dòng sản phẩm, trình độ quản trị doanh nghiệp, tay nghề của người lao động, và phát triển cơ sở hạ tốt nhằm thực hiện các giao dịch online.
Cụ thể, các mặt hàng bán qua hình thức online thông thường là các mặt hàng đơn giản, thuộc nhóm mặt hàng người mua tự lắp ráp, với mức giá bình dân hoặc rẻ, phục vụ nhóm khách hàng thu nhập trung bình hoặc thấp. Như vậy, ít nhất trong ngắn hạn, hình thức bán hàng online đối với các dòng sản phẩm cao cấp, không thể tháo rời, có mức giá cao, phục vụ nhóm khách hàng thu nhập cao; vẫn chưa có khả năng phát triển.
Tuy nhiên, ông Điền Quang Hiệp cho rằng: Hãy bắt đầu từ các sản phẩm đơn giản trước, sau đó đi vào các sản phẩm phức tạp.
“Trong khi hầu hết các doanh nghiệp trong ngành hiện đang phải thu hẹp quy mô sản xuất, một số doanh nghiệp vẫn hoạt động bình thường, lý do là bởi doanh nghiệp này đi vào các dòng sản phẩm có độ ổn định rất lớn, tại các thị trường trọng điểm”, ông Đỗ Xuân Lập, Chủ tịch VIFOREST
Dựa trên tình hình thực tế, có thể thấy, thị trường nội địa có độ ổn định và đặc biệt có "sức chống chịu" đối với đối với đại dịch tốt hơn nhiều so với thị trường xuất khẩu. Với dân số gần 97 triệu và tầng lớp trung lưu đông đảo và ngày càng phát triển, quy mô của thị trường nội địa không hề nhỏ.
Muốn phát triển đồ gỗ nội địa, VIFOREST khuyến nghị Nhà nước cần xây dựng định hướng phát triển làng nghề gỗ bài bản.
Kinh nghiệm từ ngành chế biến gỗ của Thái Lan cho thấy thị trường nội địa bên cạnh những thế mạnh là ổn định và tạo công ăn việc làm đặc biệt cho các cơ sở sản xuất vừa và nhỏ tốt hơn so với thị trường xuất khẩu, các sản phẩm bán tại thị trường nội địa đem lại lợi nhuận cao hơn trên 1 đơn vị sản phẩm so với các sản phẩm xuất khẩu.
Điều này cho thấy Chính phủ và các doanh nghiệp trong ngành gỗ của Việt Nam cần dành sự quan tâm xứng đáng cho thị trường nội địa. Nói cách khác, chiến lược phát triển ngành gỗ không chỉ chú trọng vào mở rộng xuất khẩu mà cần có các cơ chế, chính sách và hoạt động nhằm phát triển bền vững thị trường nội địa.