Nhờ đó, hạt điều Việt Nam dần ổn định, giữ vững thị trường và ngành điều vẫn kỳ vọng những chuyển động tích cực trong năm 2024.
Theo thống kế Hải quan Việt Nam, kim ngạch xuất khẩu điều 2023 đạt 3,63 tỷ USD, sản lượng đạt 641.000 tấn, tăng 17% về trị giá, tăng hơn 23% về sản lượng so với năm 2022. Về cơ cấu chủng loại, Việt Nam xuất khẩu chủ yếu chủng loại hạt điều W320, W240, W180, tỷ trọng chiếm 63,51% tổng lượng và 69,84% tổng kim ngạch xuất khẩu của cả nước. Sự tăng trưởng xuất khẩu các chủng loại đã tác động tích cực lên toàn ngành. Mỹ là thị trường xuất khẩu lớn nhất hạt điều của Việt Nam, tiếp đến là Trung Quốc, châu Âu và các thị trường khác.
Đặc biệt là thị trường Trung Quốc, trong thời gian gần đây, thị trường này gia tăng nhập khẩu hạt điều của Việt Nam, trở thành thị trường lớn nhất nhập khẩu điều của Việt Nam, vượt qua cả thị trường Mỹ.
Ông Thái Nguyễn Huệ Chí, chuyên gia của Hiệp hội điều Việt Nam cho rằng, trước đây, người dân Trung Quốc hay sử dụng các loại hạt như hạnh nhân, óc chó... nhưng giá các loại hạt này cao hơn nhiều so với hạt điều. Hạt điều Việt Nam giàu dinh dưỡng, thơm ngon ngậy bùi. Chính vì thế, hạt điều đã trở nên phổ biến và tăng lượng tiêu thụ tại thị trường Trung Quốc để đưa vào các món ăn.
Trong khoảng thời gian giữa năm 2023, nhiều doanh nghiệp điều đã rơi vào cảnh khó khăn chung của doanh nghiệp Việt Nam như biến động lãi suất cho vay, tiêu thụ kém, đơn hàng thu hẹp khiến cho nhà máy rơi vào hoạt động cầm chừng. Tuy nhiên, từ quý IV/2023, thị trường tiêu thụ bắt đầu sôi động trở lại, doanh nghiệp chế biến bắt đầu khôi phục sản xuất để phục vụ cho các đơn hàng.
Đại diện Hiệp hội điều Việt Nam cho biết: xuất khẩu hạt điều từ Việt Nam sang các thị trường chủ lực như Đức, Anh, Các Tiểu vương quốc Ả rập Thống nhất và Saudi Arabia đã ghi nhận mức tăng cao so với cùng kỳ năm trước. Cụ thể, xuất khẩu hạt điều sang Các Tiểu vương quốc Ả rập Thống nhất và Saudi Arabia đã tăng mạnh, lần lượt đạt 46,6% và 40,1% so với cùng kỳ năm trước.
Đáng chú ý, xuất khẩu hạt điều sang thị trường Các Tiểu vương quốc Ả rập Thống nhất đã tăng đến 148,7% so với cùng kỳ năm trước. Các thị trường khác cũng ghi nhận mức tăng trưởng ấn tượng.
Thêm vào đó, yếu tố thời điểm cũng đã thúc đẩy xuất khẩu hạt điều của Việt Nam. Hiện nay, các thị trường Mỹ, châu Âu diễn ra nhiều lễ hội và nhu cầu phục vụ ăn uống nên đã tiêu thụ lượng lớn thực phẩm; lượng tồn kho giảm nên nhu cầu nhập khẩu dự trữ phục vụ cho khách hàng những tháng tiếp theo mạnh hơn.
Sau những cảnh báo về chất lượng hạt điều của 2 Hiệp hội thực phẩm ở Mỹ và châu Âu cách đây vài tháng, ngành điều Việt Nam cũng đã đẩy mạnh chú trọng chất lượng để giữ vững uỷ tín của hạt điều Việt Nam.
Ông Phạm Văn Công - Chủ tịch Hiệp hội điều Việt Nam cho biết, đến thời điểm hiện tại, việc giữ được chất lượng sản phẩm hạt điều xuất khẩu là yếu tố sống còn của doanh nghiệp sản xuất kinh doanh cũng như ngành điều Việt Nam. Bởi, nhiều lợi thế trước đây không còn nữa do áp lực cạnh tranh từ các nước châu Phi đang mỗi ngày một lớn hơn.
Mặc dù kết quả xuất khẩu điều Việt Nam có giảm so với mục tiêu đề ra hồi đầu năm 2023 nhưng lại vượt qua mốc đề xuất hồi giữa năm nay. Điều này cho thấy, trước nhiều biến động nhưng ngành điều Việt Nam vẫn duy trì vị trí số một thế giới trong lĩnh vực xuất khẩu hạt điều, chiếm tới 80% tổng sản lượng toàn cầu trong 16 năm liên tiếp.
Tuy kinh tế thế giới suy yếu, lạm phát tăng cao và xung đột quốc gia tiếp tục ảnh hưởng tiêu cực đến ngành điều toàn cầu thì Việt Nam vẫn kỳ vọng vào những chuyển động tích cực trong năm 2024.
Nhiều chuyên gia trong ngành đánh giá, với sự phát triển công nghệ hiện nay, hạt điều Việt Nam đang bị cạnh tranh với các quốc gia khác, nhất là những quốc gia có thế mạnh về nguyên liệu điều thô như Bờ Biển Ngà. Do đó, ngành điều cần chú trọng chất lượng chế biến và đa dạng sản phẩm chế biến để tăng lợi thế cạnh tranh.
Ông Bạch Khánh Nhựt - Phó Chủ tịch Hiệp hội điều Việt Nam chia sẻ, thị trường hạt điều toàn cầu được dự báo sẽ tăng trưởng bình quân 4,6% trong giai đoạn 2022-2027. Xu hướng ưa chuộng chế độ ăn thuần chay và thực vật trên toàn cầu đã làm cho nhu cầu về các loại hạt và thực phẩm chế biến từ hạt tăng cao; trong đó có hạt điều.
Ngành điều Việt Nam đã có những bước tiến dài sau hơn 40 năm hình thành và phát triển. Từ việc học hỏi và sử dụng thiết bị công nghệ chế biến điều từ nước ngoài, Việt Nam đã trở thành quốc gia làm chủ công nghệ và dẫn đầu thế giới về xuất khẩu hạt điều, chiếm hơn 75% lượng nhân điều được xuất khẩu trên toàn cầu. Điều này cho thấy, áp dụng và cải tiến công nghệ vào sản xuất và chế biến là xu thế bắt buộc để ngành điều tăng khả năng cạnh tranh.
Theo ông Vũ Thái Sơn, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Long Sơn, cùng với xu thế phát triển và nhu cầu tiêu dùng hiện nay, ngành điều cũng phải đi theo làn sóng dịch chuyển sang sản xuất xanh theo xu thế toàn cầu để có thể đáp ứng những yêu cầu khắt khe hơn về tiêu chuẩn môi trường, trách nhiệm xã hội… Cụ thể, các đối tác là siêu thị ở Mỹ, châu Âu đòi hỏi tiêu chuẩn rất cao. Chẳng hạn, nếu như trước đây các thông số trên bao bì có thể in thì đối tác yêu cầu phải khắc laser. Doanh nghiệp cũng phải chứng minh cho đối tác thấy trách nhiệm xã hội, môi trường.
Do đó, doanh nghiệp sản xuất và chế biến điều đã đầu tư cơ giới hóa, tự động hóa, giảm bớt công nhân, chi phí sản xuất và cố gắng bán hàng dù giá có rẻ hơn. Việc này nhằm giúp doanh nghiệp giảm tồn kho, xoay vòng tiền trả nợ ngân hàng, từ đó giảm lãi vay. Cùng đó, đầu tư điện mặt trời mái nhà để tiết giảm tiền sử dụng điện; đồng thời thực hiện ký kết hợp đồng lao động cho công nhân đúng theo thông lệ quốc tế.