Cụ thể, theo kế hoạch sản xuất trồng trọt năm 2022 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, tổng diện tích cây điều của cả nước sẽ duy trì ổn định ở mức 305.000 ha, năng suất bình quân đạt 1,25 tấn/ha. Sản lượng điều thô khô dự kiến đạt 370.000 tấn. Năm 2022, ngành điều cũng đặt mục tiêu xuất khẩu nhân điều đạt 3,8 tỷ USD (tăng 3,9% về trị giá so với năm 2021). Về nhập khẩu hạt điều thô nguyên liệu, căn cứ vào nhu cầu chế biến và chiến lược phát triển ngành, năm 2022 dự báo duy trì sản lượng nhập khoảng 2 triệu tấn.
Ông Nguyễn Minh Họa, Phó Chủ tịch Vinacas cho biết, mục tiêu trên được đặt ra dựa trên những kết quả khả quan của năm 2021. Cụ thể, năm 2021 là năm mà các ngành kinh tế, trong đó có ngành điều gặp rất nhiều khó khăn, thách thức do dịch COVID-19, tác động đến chuỗi cung ứng hàng hóa toàn cầu. Tuy nhiên, với ý chí, quyết tâm, nỗ lực, đoàn kết, đồng lòng của toàn ngành, ngành điều Việt Nam tiếp tục duy trì tăng trưởng dương về sản xuất, chế biến, xuất khẩu điều, hoàn thành vượt mục tiêu xuất khẩu 3,6 tỷ USD do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đề ra từ đầu năm, tăng 14% so với năm 2020.
Với kết quả này, Việt Nam tiếp tục giữ vững vị trí số 1 thế giới về xuất khẩu nhân điều, chiếm 80% tổng sản lượng nhân điều xuất khẩu của toàn cầu. Hạt điều là mặt hàng nông sản xuất khẩu chủ lực của Việt Nam, giữ vị trí số 1 trong nhóm nông sản (thực vật) chính, bao gồm: hạt điều, rau quả, lúa gạo, cà phê, hồ tiêu. Tại các thị trường trọng điểm trên thế giới, hạt điều Việt Nam đang giữ thị phần vượt trội (ở Mỹ và Trung Quốc thị phần 90%, Hà Lan 80%, Đức 60%,...).
Về hạt điều thô, năm 2021 Việt Nam có 2 kỷ lục, kỷ lục nhập khẩu lớn nhất từ trước đến nay và kỷ lục nhập khẩu từ Campuchia (trên 1 triệu tấn hạt điều). Theo kết quả này, Việt Nam không chỉ là nước cung ứng nhân điều cả về số lượng và chất lượng hàng đầu thế giới, nước có công nghệ, thiết bị chế biến điều tiên tiến nhất thế giới, mà còn là nước có vai trò quan trọng nhất đối với thị trường điều thô toàn cầu.
Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Minh Họa, ngành điều Việt Nam cũng đối mặt với không ít thách thức như: phụ thuộc nguyên liệu nhập khẩu gồm điều thô và điều nhân sơ chế với số lượng lớn từ những quốc gia châu Phi. Trong khi đó, nhiều quốc gia cung cấp nguyên liệu cho Việt Nam cũng đang tăng cường xuất khẩu nhân điều trực tiếp đi châu Âu ở lợi thế về vị trí địa lý và phát triển chế biến trong nước.
Một vấn đề nữa là giá cước vận tải biển liên tục tăng cao, tình trạng thiếu container rỗng và khó đặt hoặc bị hủy lịch tàu (booking); tắc nghẽn, trì hoãn tại các cảng trung chuyển diễn thường xuyên,... Trong khi đó, phần lớn hạt điều được xuất khẩu chính ngạch bằng đường biển tới trên 100 thị trường khắp thế giới, bao gồm cả Trung Quốc.
Cùng quan điểm, ông Vũ Bá Phú, Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại, Bộ Công Thương cho rằng, ngành điều đang đứng trước những cơ hội và thách thức xen kẽ. Cơ hội về thị trường xuất khẩu khả quan, đặc biệt là các thị trường lớn như Mỹ, EU và các khu vực có chung hiệp định thương mại tự do. Đáng chú ý, thị trường EU đang chiếm khoảng 40% nhu cầu tiêu dùng hạt điều toàn cầu, dự báo sẽ tăng trưởng thêm 5%/năm trong những năm tới và hạt điều Việt Nam chiếm ưu thế từ Hiệp định thương mại tự do Việt Nam-EU (EVFTA).
Thách thức cũng không nhỏ, đó là yêu cầu ngày càng cao về chất lượng, chứng nhận, vệ sinh an toàn thực phẩm. Sự cạnh tranh ngày càng gay gắt từ các "đối thủ" như: Ấn Độ, Tanzania, Modambique, Ghana... Thêm vào đó, dù là quốc gia đứng đầu thế giới về xuất khẩu nhân điều, song Việt Nam chỉ mới tham gia được 18% trong chuỗi giá trị điều toàn cầu và chưa chiếm ưu thế trong nhóm sản phẩm phân khúc cao, chế biến sâu.
Theo ông Vũ Bá Phú, để có thể khẳng định vị thế của ngành điều Việt Nam trên thị trường thế giới, Hiệp hội, doanh nghiệp cần chú ý kiểm soát chất lượng nguyên liệu đầu vào; đồng thời, cập nhật thông tin thị trường thường xuyên, xu hướng tiêu dùng, kết nối chuỗi theo chiều ngang, chiều dọc và đẩy nhanh tiến trình tái cấu trúc, đầu tư vào chế biến, xây dựng thương hiệu, tạo giá trị gia tăng cao hơn.
Đại hội của Hiệp hội Điều Việt Nam (Vinacas), khoá X nhiệm kỳ 2021-2026 ngày 26/2 đã bầu ra Ban chấp hành mới gồm 17 thành viên; trong đó, ông Phạm Văn Công (Chủ tịch Vinacas khoá IX) tiếp tục được tín nhiệm bầu làm Chủ tịch.
Phát biểu nhận nhiệm vụ nhiệm kỳ mới, ông Phạm Văn Công cho biết, trong những năm tới, dự báo tình hình thế giới và khu vực tiếp tục có nhiều thay đổi rất nhanh, phức tạp, khó lường. Toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế tiếp tục tiến triển, nhưng cũng đang bị đe dọa bởi sự trỗi dậy của chủ nghĩa dân tộc cực đoan, chủ nghĩa bảo hộ, cạnh tranh chiến lược, cạnh tranh kinh tế, chiến tranh thương mại diễn ra gay gắt. Do tác động của đại dịch COVID-19 kéo dài, thế giới rơi vào khủng hoảng nghiêm trọng nhiều mặt. Biến đổi khí hậu toàn cầu gây nên nhiều hiện tượng thời tiết cực đoan, thay đổi bất lợi cho sản xuất nông nghiệp... Những yếu tố ấy sẽ tác động mạnh mẽ đến mọi hoạt động của ngành điều. Việt Nam sẽ tiếp tục hội nhập sâu, rộng hơn với cộng đồng quốc tế đòi hỏi mỗi doanh nghiệp và toàn ngành phải tìm ra những hướng đi mới, cách làm mới để bứt phá.
Từ tình hình thực tế và yêu cầu của sự phát triển, nhiệm kỳ X, Vinacas sẽ tập trung vào hai mục tiêu lớn là: Phát triển mạnh chế biến sâu, đáp ứng nhu cầu đa dạng của thị trường thế giới; giành vị trí xứng đáng trong chuỗi giá trị điều toàn cầu. Phát triển mạnh vùng nguyên liệu theo hướng chất lượng, hiệu quả; vừa tạo thế chủ động về nguồn nguyên liệu chất lượng cho chế biến, vừa góp phần thực hiện thành công chính sách Tam nông của nhà nước: nông nghiệp, nông dân, nông thôn.
Trên cơ sở mục tiêu đó, Hiệp hội sẽ tập hợp các phản ánh từ thực tiễn sản xuất kinh doanh để kiến nghị, đề xuất với Chính phủ và các Bộ, ngành chức năng sửa đổi những quy định chưa hợp lý, bổ sung những quy định phù hợp liên quan đến các vấn đề lớn như nhân điều nhập khẩu, xuất khẩu máy móc thiết bị chế biến điều, chất lượng điều thô nhập khẩu...
"Cùng với đó, phối hợp với các cơ quan chức năng để xây dựng mới và sửa đổi các tiêu chuẩn liên quan, tổ chức tuyên truyền và thực hiện tốt nhằm góp phần bảo vệ chất lượng và thương hiệu của ngành điều Việt Nam; đẩy mạnh việc xúc tiến thương mại, quảng bá sản phẩm nhằm phát triển thị trường trong và ngoài nước", ông Phạm Văn Công cho biết thêm.