Tại hội thảo, các đại biểu tham dự đã cung cấp, giới thiệu về văn hóa Omotenashi (phục vụ bằng cả tấm lòng) – một nét văn hóa đặc trưng của ngành dịch vụ Nhật Bản. Theo đó, người làm dịch vụ du lịch muốn giữ chân du khách phải luôn luôn tâm huyết, nhiệt tình phục vụ và mang đến cho khách hàng sự thỏa mãn và hài lòng nhất.
Muốn giữ chân du khách khi đến TP Hồ Chí Minh thì ngành dịch vụ du lịch cần phục vụ khách hàng bằng cả tấm lòng. |
Mặt khác, hội thảo này cũng giúp nhiều doanh nghiệp đã tiếp cận và học hỏi kinh nghiệm, mô hình quản lý mới, từ đó xây dựng chiến lược, kế hoạch đào tạo đội ngũ nhân viên bản lĩnh, chuyên nghiệp nhằm nâng cao sức cạnh tranh trong điều kiện hội nhập kinh tế quốc tế, đặc biệt trong cộng đồng ASEAN.
Ông Kawaue Jun – ichi, Tổng lãnh sự quán Nhật Bản tại TP Hồ Chí Minh, cho biết “Omotennashi – trong tiếng Nhật có nghĩa là sự phục vụ bằng cả tấm lòng, nỗ lực hết mình để mang đến cho khách hàng những gì tốt nhất. Điều này rất quan trọng trong ngành dịch vụ du lịch không chỉ của Nhật Bản mà còn Việt Nam. Bởi trong tương lai để quy hoạch phát triển ngành dịch vụ du lịch Việt Nam hay nói cách khác là để du khách đến và quay lại với Việt Nam nhiều lần nữa thì ngành dịch vụ phải phục vụ khách hàng bằng cả tấm lòng, đây là một điều sống còn của ngành du lịch.
Để làm được điều này, không chỉ đơn thuần là quảng bá những nét hấp dẫn của Việt Nam mà yêu cầu phải nâng cao chất lượng dịch vụ. Muốn nâng cao chất lượng dịch vụ du lịch thì phải có tinh thần phục vụ bằng cả tấm lòng, tôn trọng khách hàng, thỏa mãn nhu cầu của khách.
Trong khi đó, theo ông Bùi Tá Hoàng Vũ, Giám đốc Sở Du lịch TP Hồ Chí Minh, trong năm qua, tốc độ tăng trưởng của ngành du lịch TP Hồ Chí Minh đạt mức ổn định, đóng góp tích cực vào GDP thành phố. Năm 2016, số lượng khách du lịch quốc tế đến TP Hồ Chí Minh cán mốc 5,2 triệu lượt khách, tăng 13% so với năm 2015. Riêng 6 tháng đầu năm 2017, số lượng khách quốc tế đạt 2,8 triệu lượt khách, tăng 14% so với năm 2016, doanh thu đạt 53,517 tỷ tăng 12% so với cùng kỳ. Có được điều này không chỉ do nỗ lực của các đơn vị, doanh nghiệp, nhà quản lý mà còn có đóng góp không nhỏ của nguồn nhân lực dịch vụ du lịch TP Hồ Chí Minh.
“TP Hồ Chí Minh có khoảng 94.000 người lao động tham gia trực tiếp trong ngành dịch vụ du lịch (chưa kể lao động gián tiếp), tuy nhiên để nâng cao chất lượng nhân lực ngành du lịch sắp tới, thành phố tiếp tục đầu tư và đẩy mạnh đào tạo nguồn lao động, cải thiện các cung cách phục vụ theo hướng thiên thiện, lịch sự với du khách để giữ chân du khách khi tới thành phố”, ông Vũ cho biết thêm.