Hồ Tây - điểm nhấn của du lịch Thủ đô

Hồ Tây với các giá trị văn hóa, lịch sử, cảnh quan là nơi chứa đựng tiềm năng du lịch lớn của Thủ đô. Tuy nhiên, tiềm năng này chưa được khai thác đúng mức.

Người dân đi lễ cầu may tại chùa Trấn Quốc. Ảnh: Minh Đức/TTXVN

Nghị quyết về phát triển du lịch Thủ đô Hà Nội giai đoạn 2016 – 2020 và những năm tiếp theo đã xác định phát triển sản phẩm du lịch chất lượng cao gắn với xây dựng thương hiệu du lịch Thủ đô, trong đó có khu vực xung quanh hồ Tây và vùng phụ cận.

Chưa khai thác hết tiềm năng

Không một địa phương nào trong cả nước có hồ nước lớn nằm ngay trong nội đô với cảnh quan đẹp như hồ Tây ở Hà Nội. Diện tích mặt nước của hồ Tây lên tới trên 500 ha, độ đa dạng sinh học cao, xung quanh hồ có tới 64 di tích trong đó 21 đình, đền, chùa đã được xếp hạng với nhiều địa danh nổi tiếng như: Chùa Trần Quốc, phủ Tây Hồ, đình Yên Phụ, chùa Kim Liên, chùa Tảo Sách, chùa Vạn Niên…

Chùa Trấn Quốc bên Hồ Tây. Ảnh: Trọng Đức/TTXVN

Xung quanh hồ Tây còn có các làng nghề nổi tiếng một thời: Làng giấy dó ở An Thái, dệt lĩnh Trích Sài (phường Bưởi), nghề đúc đồng Ngũ Xã (phường Trúc Bạch), rồi tới làng nghề trồng hoa Nhật Tân, quất Quảng Bá, nuôi cá cảnh Yên Phụ, trồng và ướp trà sen Quảng An.

Nhiều năm qua, quận Tây Hồ cũng như thành phố Hà Nội đã từng bước khai thác tiềm năng du lịch hồ Tây để phát triển du lịch, thu hút du khách trong và ngoài nước đến thưởng ngoạn thắng cảnh hồ. Trong đó, phải kể tới việc xây dựng tuyến đường dạo ven hồ hơn 18 km cùng hệ thống chiếu sáng, cây xanh, vườn hoa...

Quận Tây Hồ tổ chức tuyến xe điện đưa du khách tham quan, thưởng ngoạn thắng cảnh hồ Tây và các di tích ven hồ. Tuy nhiên, từ khi đưa vào hoạt động năm 2012, tuyến xe điện này chưa phát huy hiệu quả, lượng khách tham gia còn khiêm tốn. Ngoài công viên nước, các dịch vụ khu vực xung quanh hồ Tây và dịch vụ trên mặt nước còn thiếu và manh mún.

Thời gian qua, nhiều nhà hàng nổi, du thuyền hoạt động tại hồ Tây, trong số này có nhà hàng nổi, du thuyền không phép, hoạt động lộn xộn, ảnh hưởng cảnh quan hồ và không đảm bảo an toàn giao thông buộc quận Tây Hồ cưỡng chế, quy hoạch về khu vực đầm Bảy. Ô nhiễm môi trường nước hồ Tây cũng là một trong những vấn đề đáng lo ngại khi năm 2016 xảy ra hiện tượng cá chết hàng loạt.

Nhìn chung, tiềm năng du lịch hồ Tây vẫn còn bỏ ngỏ, thậm chí là lãng phí. Khách đến hồ Tây đa phần là người dân Thủ đô sống ở khu vực lân cận, chưa có nhiều khách du lịch trong và ngoài nước. Có chăng, chỉ một số ít khách du lịch tham quan di tích chùa Trấn Quốc, khách đi lễ tại Phủ Tây Hồ hoặc vui chơi tại công viên nước Hồ Tây. Lượng khách tham quan, thưởng lãm thắng cảnh hồ Tây còn rất hạn chế.

Biến tiềm năng thành lợi thế

Hoàn thiện các sản phẩm tại cơ sở đúc đồng Mai Hoa, Ngũ Xã. Ảnh: Huy Hùng/TTXVN

Quy hoạch phát triển du lịch Hà Nội đến năm 2020 xác định rõ đưa du lịch thực sự trở thành nền kinh tế mũi nhọn của Thủ đô, sản phẩm du lịch chất lượng cao, đa dạng, có thương hiệu và có sức cạnh tranh mạnh. Hà Nội đang tập trung thu hút các nguồn lực phát triển sản phẩm đặc thù, trong đó có hồ Tây và khu vực lân cận.

Dưới góc độ của một công ty lữ hành, bà Dương Mai Lan, Giám đốc Công ty Cổ phần dịch vụ lữ hành Thuận An (Ascend Travel) cho rằng, việc phát triển hồ Tây thành sản phẩm du lịch hấp dẫn của Hà Nội được rất nhiều người làm du lịch ủng hộ. Bởi hiện nay, khách đến Hà Nội đa phần chỉ dừng chân, không biết chơi đâu, làm gì, trong khi đó Thủ đô có rất nhiều tiềm năng du lịch, hồ Tây là một điển hình.

Bà Dương Mai Lan nêu quan điểm, nếu hồ Tây có thêm khu vui chơi giải trí quy mô lớn, thêm các trò chơi mạo hiểm trên mặt nước hoặc thủy cung cao cấp sẽ thu hút khách lưu trú ở Hà Nội lâu hơn. Nếu làm được như vậy, sẽ khắc phục được tình trạng, khách đến Hà Nội chỉ là nơi dừng chân sau đó đi Sa Pa, Hạ Long, Ninh Bình là chính.

Thành phố Hà Nội đang triển khai xây dựng kế hoạch đầu tư, xây dựng, cải tạo, chỉnh trang, quản lý, khai thác khu hồ Tây thành điểm du lịch, văn hóa tiên tiến, có điều kiện kinh doanh dịch vụ, văn hóa, thể thao du lịch, vui chơi giải trí và có hệ thống xử lý môi trường theo tiêu chuẩn quốc tế.

Đây được coi như tín hiệu tốt để khơi dậy các giá trị văn hóa, lịch sử của hồ Tây để biến nơi này thành điểm đến hấp dẫn. Ngành Du lịch Thủ đô đang cố gắng tạo nên một không gian văn hóa du lịch hồ Tây bằng việc khai thác các sản phẩm du lịch trên mặt hồ như phát triển dịch vụ thuyền buồm du lịch, trình diễn các loại hình nghệ thuật trên mặt nước với ánh sáng laser, pháo sáng, pháo hoa... kết hợp tham quan các điểm du lịch tâm linh bên hồ.

Các làng nghề truyền thống xung quanh hồ Tây được kết nối với các điểm du lịch chính tại hồ Tây. Ông Đỗ Đình Hồng, Giám đốc Sở Du lịch Hà Nội cho biết: Thời gian tới, ngành Du lịch Hà Nội từng bước tạo dựng con đường du lịch, làng du lịch khu vực ven hồ Tây gắn với phát triển tuyến du lịch trên sông và hai bên bờ sông Hồng thành một sản phẩm đặc trưng của du lịch Thủ đô.

Hiện, thành phố Hà Nội đang chỉ đạo quy hoạch tổng thể không gian dịch vụ du lịch hồ Tây. Những khu đất xanh, đất trống của khu vực xung quanh hồ Tây sẽ trở thành điểm dừng chân cho du khách để họ có thể vui chơi, thưởng ngoạn cảnh quan. Đồng thời, khu vực này cũng kết hợp tổ chức hội nghị, hội thảo, sự kiện, biểu diễn các loại hình nghệ thuật phục vụ du khách.

Khi những chủ trương, kế hoạch đi vào hiện thực, hồ Tây sẽ thực sự trở thành điểm nhấn của du lịch Thủ đô, thu hút đông đảo khách trong và ngoài nước đến tham quan, trải nghiệm.

Đinh Thị Thuận (TTXVN)
Chen chân chụp ảnh sen Hồ Tây
Chen chân chụp ảnh sen Hồ Tây

Năm nay sen Hồ Tây nở muộn, đến thời điểm này sen mới bắt đầu rộ hoa. Người dân Thủ đô lại đổ về các đầm sen quanh khu vực Hồ Tây để thưởng sen và ghi lại những bức ảnh đẹp.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN