Ông Phạm Xuân Hồng, Chủ tịch Hội dệt may thêu đan TP Hồ Chí Minh cho rằng, cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung hiện tại chưa tác động nhiều tới hoạt động của các doanh nghiệp dệt may Việt Nam. Về cơ bản, các đơn hàng xuất khẩu trong năm 2018 đã được ký kết trước thời điểm cuộc chiến thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc nên sẽ không bị ảnh hưởng.
Tuy nhiên, nếu căng thẳng kéo dài sẽ tác động nhất định tới kinh tế Việt Nam, đặc biệt là các ngành hàng xuất khẩu. Cụ thể, cả Trung Quốc và Mỹ là hai nền kinh tế lớn nhất thế giới và đều là đối tác thương mại quan trọng của Việt Nam. Do đó, việc áp thuế cao lên hàng hóa nhập khẩu của đối phương trong quan hệ Mỹ - Trung sẽ khiến thị trường thương mại hàng hóa thế giới diễn biến khó lường.
Theo ông Phạm Xuân Hồng, với các ngành hàng xuất khẩu của Việt Nam, cuộc chiến này có thể vừa mang đến cả thách thức và cơ hội. Đây sẽ là cơ hội nếu doanh nghiệp Việt Nam có đủ năng lực để đẩy mạnh xuất khẩu vào Mỹ khi nước này hạn chế nhập khẩu từ Trung Quốc. Thêm vào đó, cuộc chiến thương mại Trung Quốc - Mỹ cũng làm cho đồng Nhân dân tệ của Trung Quốc bị mất giá so với USD và có lợi cho Việt Nam khi nhập khẩu nguyên phụ liệu từ Trung Quốc.
Ngược lại, thách thức chính là khi Mỹ đánh thuế cao vào hàng sản xuất tại Trung Quốc thì khả năng các nhà đầu tư Trung Quốc sẽ dịch chuyển sản xuất sang Việt Nam để “lách luật”, tạo thêm sức ép cạnh tranh cho các doanh nghiệp trong nước. Hiện tại, Mỹ chưa có động thái hạn chế các sản phẩm sản xuất ở nước khác có nguồn gốc nguyên phụ liệu từ Trung Quốc, nhưng nếu làn sóng các doanh nghiệp Trung Quốc đẩy mạnh đầu tư vào Việt Nam thì nguy cơ Mỹ sẽ có chế tài với hàng hóa được sản xuất từ nguyên phụ liệu của Trung Quốc. Điều này sẽ rất bất lợi với nhiều ngành hàng của Việt Nam trong bối cảnh chúng ta nhập rất nhiều nguyên phụ liệu từ Trung Quốc, trong đó có ngành dệt may.
Còn ông Diệp Thành Kiệt, Phó Chủ tịch Hiệp hội da giày, túi xách Việt Nam cho biết, cuộc chiến thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc mới chỉ bắt đầu và chưa có tác động trực tiếp tới hoạt động sản xuất, xuất khẩu của ngành da giày Việt Nam, nhưng vẫn có những ảnh hưởng gián tiếp đến thị trường tiêu dùng. Cụ thể, sau việc kích hoạt của Mỹ, Trung Quốc đã có hành động đáp trả, áp thuế lên một số mặt hàng của Mỹ.
Người tiêu dùng của Mỹ và Trung Quốc đều đứng trước tình thế là một số mặt hàng sẽ bị đội giá cao do tăng thuế. Vì vậy, họ sẽ tập trung mua các sản phẩm có thể mua trước và có nhu cầu cấp thiết, còn các sản phẩm tiêu dùng chưa cấp thiết như da giày, túi xách sẽ chưa được ưu tiên. Điều này dẫn đến mức cầu ở hai thị trường lớn này có thể sụt giảm một phần.
Nhưng xét ở một khía cạnh khác, nếu các khách hàng lớn quyết định chuyển dịch đơn hàng từ Trung Quốc sang Việt Nam để tránh trường hợp bị đánh thuế cao thì tăng trưởng xuất khẩu của ngành da giày, túi xách Việt Nam có thể nhỉnh hơn dự kiến ban đầu (xuất khẩu khoảng 19,5 tỷ USD, tăng trưởng 9 - 10% so với năm 2017). Tuy nhiên, sự chuyển dịch này phải sau khoảng 6 tháng mới thấy rõ nét do các đơn hàng thường được ký kết trước khoảng 6 tháng và nếu có sẽ tác động mạnh từ năm 2019 trở đi.
Theo ông Diệp Thành Kiệt, nếu Mỹ quyết định áp thuế lên các mặt hàng tiêu dùng như dệt may, da giày... của Trung Quốc sẽ ảnh hưởng trực tiếp tới sản xuất và xuất khẩu của Việt Nam nói chung, ngành da giày, túi xách nói riêng. Khi Mỹ áp thuế vào mặt hàng da giày của Trung Quốc thì lợi thế cạnh tranh của sản phẩm sản xuất ở Trung Quốc sẽ yếu hơn những sản phẩm cùng chủng loại của Việt Nam.
Hệ quả tất yếu là các nhà đầu tư (bao gồm cả doanh nghiệp Trung Quốc và các doanh nghiệp nước ngoài đang đầu tư tại Trung Quốc) sẽ tìm nơi sản xuất thay thế và chắc chắn Việt Nam là một trong những địa điểm được ưu tiên hàng đầu. Khi đó, Việt Nam sẽ có nhiều đơn hàng hơn, giải quyết thêm công ăn việc làm cho người lao động, giúp tăng trưởng xuất khẩu và thúc đẩy kinh tế phát triển.
Song song với đó, cũng có những thách thức phải lường trước khi các nhà đầu tư có nhiều đơn hàng sẽ tạo ra sự cạnh tranh nhất định về lao động, làm cho chi phí nhân công và các loại chi phí khác tăng lên. Thêm vào đó, sẽ phát sinh tình trạng một số nhà sản xuất ở Trung Quốc tìm cách đưa các bộ phận, chi tiết, sản phẩm dở dang (hiện nay Việt Nam cấm nhập khẩu mũ giày, bán thành phẩm) vào Việt Nam, hoàn thiện rồi xuất sang Mỹ. Do vậy, Việt Nam rất dễ rơi vào tình thế chuyển tải bất hợp pháp dẫn đến khả năng bị Mỹ giám sát và áp đặt các biện pháp ngăn chặn.
Nhiều ý kiến cho rằng, những tác động từ cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung đến nay vẫn mang tính suy luận, còn diễn biến thực tế thì chưa ai có thể đoán được. Để phát huy những tác động tích cực, doanh nghiệp Việt Nam có thể lựa chọn những sản phẩm phù hợp với trình độ, kỹ năng của mình cũng như những sản phẩm có khả năng cạnh tranh về giá, có thương hiệu lớn để phát triển, đẩy mạnh xuất khẩu.
Mặt khác, Nhà nước cần kiểm soát tốt đường biên giới cũng như hoạt động nhập khẩu thông qua các cảng biển để giảm thiểu các trường hợp gian lận trong khai báo nhập khẩu, chuyển tải hàng hóa bất hợp pháp, gây ảnh hưởng tới uy tín và xảy ra nhiều hệ lụy đối với hàng hóa của Việt Nam. Các Hiệp hội ngành hàng cũng khuyến cáo doanh nghiệp Việt Nam cần thận trọng trong việc liên kết sản xuất hay làm cầu nối thương mại giữa các doanh nghiệp Trung Quốc với thị trường Mỹ để hạn chế rủi ro không đáng có; đồng thời chủ động theo dõi, nắm bắt thông tin thị trường để có giải pháp ứng phó phù hợp.