Đối với những quốc gia mà nền kinh tế chủ yếu dựa vào sản xuất nông nghiệp như Việt Nam thì cuộc chiến này cũng được dự báo sẽ chịu nhiều tác động.
Ông Trần Văn Lĩnh, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Thuỷ sản và Thương mại Thuận Phước (Đà Nẵng) cho rằng, trong cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung này, con tôm, con cá của Việt sẽ nằm ngoài đối tượng bị chi phối. Bởi lẽ, quan hệ thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc trong lĩnh vực thuỷ sản không lớn, chủ yếu là một số sản phẩm có giá trị cao như tôm hùm, tu hài…
Trong khi đó, thuỷ sản Việt Nam lại đang bị áp thuế và kiểm soát chất lượng chặt tại hai thị trường này. Nhất là tại Mỹ, con tôm và cá tra Việt đang bị áp thuế bán chống phá giá cao ngất ngưởng. Do vậy, dù cuộc chiến thương mại này có diễn ra thì thuỷ sản Việt Nam cũng ít bị ảnh hưởng.
Tuy nhiên, xét về cơ hội gián tiếp, ông Lĩnh cho rằng, ngành thuỷ sản có thể được hưởng lợi do giá đậu nành Mỹ giảm. Các doanh nghiệp sản xuất thức ăn chăn nuôi Việt Nam nếu tận dụng tốt cơ hội này sẽ giảm được chi phí sản xuất, góp phần gián tiếp giảm giá thành sản xuất trong nuôi trồng thuỷ sản.
Phân tích rõ hơn về những tác động của cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung đối với ngành công nghiệp thức ăn chăn nuôi, ông Phạm Đức Bình, Phó Chủ tịch Hiệp hội Thức ăn chăn nuôi Việt Nam cho rằng, trong ngành thức ăn chăn nuôi, các doanh nghiệp Việt Nam nhập khẩu đậu nành với bắp từ Mỹ rất ít, do có giá cao hơn, thay vào đó thường có xuất xứ từ Brazil, Argentina.
Hiện nay, các doanh nghiệp sản xuất thức ăn chăn nuôi Việt Nam khi nhập khẩu nguyên liệu phải phụ thuộc rất lớn vào các đối tác cung cấp – chủ yếu là những tập đoàn đang cung cấp đậu nành trên toàn thế giới. Việc cung cấp đậu nành có xuất xứ ở đâu lại do các tập đoàn này quyết định, các doanh nghiệp muốn mua đậu nành từ Mỹ cũng không được.
Do vậy, dù Mỹ không xuất khẩu đậu nành sang Trung Quốc và giá đậu nành tại thị trường này có giảm thì các doanh nghiệp sản xuất thức ăn chăn nuôi Việt Nam cũng không được hưởng lợi gì. Thậm chí, có thể còn bị “vạ lây”, do Trung Quốc không mua đậu nành từ Mỹ sẽ chuyển sang mua của Brazil và Argentina. Khi đó, nhiều khả năng giá đậu nành, bắp tại đây sẽ tăng giá lên. Thêm vào đó, ngành sản xuất thức ăn chăn nuôi Việt hiện đang nhập khẩu đậu nành rất ít, mà chủ yếu là bã đậu nành và bắp.
Liên quan đến ngành chăn nuôi lợn, ông Phạm Đức Bình cho rằng, trên thực tế các doanh nghiệp Việt cũng đang phải tăng cường nhập khẩu thịt do giá thịt lợn trong nước đang ở mức quá cao.
Hiện giá thịt lợn hơi tại Việt Nam ở mức từ 48.000-50.000 đồng/kg, trong khi đó, mức giá thịt lợn đã qua giết mổ nhập khẩu vào nước ta chỉ 1,5 USD/kg, tương đương gần 35.000 đồng/kg. Với mức giá này, các nhà chế biến thực phẩm buộc phải tăng nhập khẩu thịt để đáp ứng nhu cầu chế biến phục vụ kế hoạch sản xuất kinh doanh trong những tháng cuối năm.
Trong bối cảnh đó, Mỹ sẽ là thị trường mà các doanh nghiệp nhắm đến, với hy vọng nhập khẩu giá rẻ hơn nhờ tác động của cuộc chiến này. Tuy vậy, với thói quen “ưa” tiêu dùng hàng ngoại, về lâu dài ngành chăn nuôi Việt sẽ thua ngay trên sân nhà.
Riêng đối với ngành ngũ cốc, ông Trần Văn Hiệp, Trưởng ban Xúc tiến thương mại của Hiệp hội Điều Việt Nam cho rằng, dù còn khá sớm để đánh giá tác động của cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung, tuy nhiên nhiều khả năng hạt điều Việt Nam có thể được hưởng lợi từ cuộc chiến tranh này.
Hiện Mỹ đang là một trong những quốc gia xuất khẩu hạnh nhân đứng đầu thế giới. Do vậy, nếu bị Trung Quốc áp thuế lên sản phẩm này chắc chắn sẽ ảnh hưởng đến tình hình xuất khẩu sản phẩm này của Mỹ. Trong khi đó, hạnh nhân chỉ là một trong 12 loại hạt trong rổ hạt quả khô quốc tế, có thể bị thay thế bằng loại hạt khác khi có giá nhập khẩu quá cao.
Đây sẽ là cơ hội để ngành điều Việt Nam đẩy mạnh xuất khẩu nhân điều vào thị trường Trung Quốc. Trong cơ cấu xuất khẩu hạt điều của Việt Nam thì Mỹ vẫn là thị trường nhập khẩu lớn nhất, chiếm 35% thị phần; tiếp sau đó là Trung Quốc với 10% thị phần xuất khẩu.
Theo các doanh nghiệp chế biến, xuất khẩu nông, thuỷ sản, cả Mỹ và Trung Quốc là 2 đối tác thương mại quan trọng của Việt Nam thì chắc chắn cuộc chiến này sẽ tác động lớn đến nền kinh tế Việt Nam. Nhiều vấn đề có thể xảy ra trong thời gian tới, như gian lận thương mại; tạm nhập tái xuất… cần sự tăng cường vai trò quản lý của Nhà nước để giúp nền kinh tế phát triển lành mạnh cũng như nhận diện những mối nguy, cơ hội đối với nền kinh tế Việt Nam trong thời gian tới.