Trao đổi với phóng viên báo Tin tức chiều 10/7, chuyên gia kinh tế, TS Cấn Văn Lực, Cố vấn cấp cao Chủ tịch HĐQT (Hàm Phó TGĐ) Ngân hàng BIDV, kiêm Giám đốc Trường Đào tạo BIDV khẳng định: Cơ hội rất ít. Muốn tận dụng được, hàng hóa của Việt Nam phải trùng lặp với nhóm hàng mà Mỹ cần và đang đánh thuế cao với Trung Quốc.
"Mỹ đánh thuế vào sắt thép, hàng điện tử, công nghệ của Trung Quốc và đó không phải thế mạnh của Việt Nam. Do đó cơ hội rất ít, chủ yếu là thách thức", ông Lực nói.
Chỉ số giá của nhà sản xuất của Trung Quốc tháng 6 vừa qua đã tăng lên mức cao nhất trong 6 tháng và đây cũng là tháng thứ 3 liên tiếp chỉ số này tăng trong bối cảnh các nhà sản xuất lo ngại nguy cơ xảy ra chiến tranh thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc. Ảnh: AFP/TTXVN |
Ngược lại, Trung Quốc đánh thuế Mỹ với mặt hàng nông sản, tại các bang có nhiều phiếu ủng hộ ông Trump. "Đó là mục tiêu chính trị của họ. Tất nhiên Mỹ có thể thay thế hàng Trung Quốc để nhập từ các nước khác, nhưng lại không trùng với những mặt hàng Việt Nam xuất sang Mỹ. Hơn nữa, hiện nay Mỹ đã chiếm 20% xuất khẩu của Việt Nam nên zoom không còn nhiều nữa", chuyên gia phân tích.
Đồng quan điểm, ThS Bùi Ngọc Sơn, chuyên gia nghiên cứu về kinh tế thế giới, Viện Kinh tế và Chính trị thế giới cho rằng: Tác động có lợi là hàng hóa của Trung Quốc vào Mỹ bị chặn thì hàng Việt Nam tương ứng có thể nhận được đơn hàng mới nhưng chiều ngược lại là ta lại có quan hệ thương mại trực tiếp với Trung Quốc nên hàng đó nếu Trung Quốc không bán được thì họ lại bán sang Việt Nam với giá rẻ.
"Việc bán hàng sang Mỹ thay cho hàng Trung Quốc thì còn lệ thuộc vào các đối thủ khác của mình chứ không phải riêng Việt Nam được hưởng", ông Sơn nói.
Theo các chuyên gia, dòng chảy FDI vào Việt Nam có thể tăng do ảnh hưởng của chiến tranh thương mại nhưng Việt Nam cũng có nhiều "đối thủ" cạnh tranh thu hút FDI như Myanmar, Philippines, Indonesia...
Chuyên gia cũng chỉ ra các tác động chính của chiến tranh thương mại Mỹ - Trung với kinh tế Việt Nam:
Thép Trung Quốc đội lốt Việt Nam tuồn vào Mỹ?
Theo chuyên gia Cấn Văn Lực, mặt hàng thép của Trung Quốc đang bị Mỹ đánh thuế rất cao nên thay vì xuất khẩu sang Mỹ thì Trung Quốc đã xuất sang Việt Nam và từ Việt Nam đội lốt sang Mỹ. Thực tế thời gian qua, Mỹ đã tiến hành điều tra và áp thuế đối với một số trường hợp sắt thép, xi măng của Việt Nam thuộc dạng này. Do đó, Việt Nam cần phải cẩn trọng.
Sản xuất tôn mạ kẽm tại nhà máy tôn Hoa Sen Hoàng Mai (Nghệ An). Ảnh: Thanh Tùng/TTXVN |
Trung Quốc hiện là đối tác thương mại lớn của Việt Nam, là thị trường mà Việt Nam nhập khẩu nhiều nhất. Các doanh nghiệp Trung Quốc cũng là đối tác đầu tư lớn thứ 8 của Việt Nam, với trị giá đầu tư khoảng 11 - 12 tỷ USD.
Còn Mỹ là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam, chiếm 19% tổng thị phần xuất khẩu. Mỹ cũng là đối tác đầu tư lớn thứ 9 vào Việt Nam, sau Trung Quốc.
"Khi 2 quốc gia này xảy chiến tranh thương mại sẽ khiến các quyết định về thương mại, về đầu tư thay đổi, từ đó tác động đến nền kinh tế của hai nước nói riêng và cả nền kinh tế thế giới nói chung. Cụ thể, khi Mỹ áp thuế lên hàng hóa Trung Quốc sẽ khiến tăng trưởng chậm lại, mà Trung Quốc hiện nay đóng góp khoảng 32% nền kinh tế toàn cầu. Khi Trung Quốc có vấn đề thì cả khu vực, trong đó có Việt Nam bị ảnh hưởng", TS Lực dự đoán.
Nhập siêu có thể gia tăng
Khi 2 cường quốc xảy ra xung đột sẽ làm giảm thương mại toàn cầu, giảm tăng trưởng kinh tế toàn cầu, giảm sức cầu của thế giới khiến cho xuất khẩu của Việt Nam gặp khó khăn hơn.
Nguy cơ nhập siêu từ Trung Quốc có thể trầm trọng hơn do hàng hóa Trung Quốc khó vào thị trường Mỹ sẽ chuyển hướng sang các thị trường khác, trong đó có Việt Nam.
Theo chuyên gia Bùi Ngọc Sơn, cần đặc biệt lưu ý đến vấn đề tỷ giá. Tỷ giá đồng Nhân dân tệ 2 tuần qua đã giảm 4,2%; trong khi đó đồng Việt Nam chỉ giảm có 1,2%. Như vậy có nghĩa là hàng Trung Quốc rẻ hơn hàng Việt 3% nên nhập khẩu có thể tăng mạnh khiến thâm hụt mậu dịch có thể tăng mạnh.
"Chiến tranh thương mại xảy ra thì Mỹ sẽ siết vấn đề bản quyền với hàng Trung Quốc. Trung Quốc không làm được nên họ thải loại hàng nhái, hàng hóa sao chép sang các nước khác, trong đó có Việt Nam", ông Sơn nói.
Mặt khác, một phần hàng hóa lẽ ra xuất khẩu sang Mỹ buộc phải tiêu dùng trong nội địa Trung Quốc, sẽ khiến xuất khẩu của Việt Nam vào thị trường này có thể sẽ khó khăn hơn.
Chứng khoán sẽ chịu ảnh hưởng
Theo TS Cấn Văn Lực, khi chiến tranh thương mại xảy ra, thế giới sẽ rủi ro hơn. Thị trường chứng khoán đã phản ứng rất mạnh trong thời gian vừa qua, khiến cho chứng khoán giảm điểm trên toàn cầu.
Kéo theo đó là thay đổi trong danh mục đầu tư của các nhà đầu tư nước ngoài vào Việt Nam trên sàn chứng khoán. "Tháng 6 vừa qua, hoạt động bán ròng nhiều hơn mua ròng. Tất nhiên, tính từ đầu năm đến nay, các nhà đầu tư nước ngoài vẫn mua ròng vào Việt Nam khoảng 1,5 tỷ USD, cao hơn các nước khác trong khu vực, nhưng rõ ràng là cũng bị tác động từ chiến tranh thương mại", ông Lực nhận định.
Xây dựng kịch bản ứng phó
Theo chuyên gia Cấn Văn Lực, khi chiến tranh thương mại xảy ra, Trung Quốc sẽ phải thay đổi chính sách thương mại của mình và doanh nghiệp Trung Quốc cũng sẽ phải thay đổi thị trường của mình. Thay vì xuất khẩu sang Mỹ như trước kia, họ sẽ phải xuất khẩu sang Canada, Mexico hoặc Việt Nam. Hoặc là Mỹ không nhập khẩu hàng hóa từ Trung Quốc nữa có thể sẽ nhập khẩu hàng hóa của Việt Nam, khi các loại hàng hóa tương đồng.
Ông Lực đề xuất Chính phủ cùng các Bộ, ngành phải xây dựng các kịch bản khác nhau, như kịch bản xấu nhất, kịch bản trung bình sẽ như thế nào khi chiến tranh thương mại xảy ra.
"Chính phủ và các nhà hoạch định chính sách phải theo sát mọi diễn biến của cuộc chiến thương mại này, đặc biệt là Bộ Công Thương, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, cũng như Ngân hàng Nhà nước và Bộ Tài chính. Cơ hội đã ít mà chưa chắc tận dụng được. Muốn làm được phải cải cách thể chế đột phá, cải thiện môi trường đầu tư rất nhiều, đòi hỏi phải có thời gian", ông Lực đề nghị.
Song song với đó, ông Lực cho rằng, Chính phủ và các bộ ngành cũng phải định hướng doanh nghiệp đa dạng hóa thị trường, nhất là với các FTA vừa mới ký như với EU. Còn doanh nghiệp phải nỗ lực tìm kiếm các thị trường mới và có phương án thay thế khi tình huống xấu có thể xảy ra.
SaveSave