Những chùm hồ tiêu non bị rụng sau khi sử dụng thuốc bảo vệ thực vật. Ảnh: Dương Giang/TTXVN |
Theo đó, Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật (Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh Đắk Lắk) phối hợp với huyện Cư M’gar thống kê số trụ hồ tiêu bị thiệt hại tại 2 hộ gia đình: ông Nguyễn Sỹ Tuệ, thôn Thạch Sơn, xã Ea Mđróh và ông Phạm Quang Trung, xã Ea Tar.
Đồng thời lấy mẫu phân bón lá, thuốc bảo vệ thực vật, dung dịch trong bồn phun, lá, thân của cây hồ tiêu tại 2 hộ gia đình, gửi Trung tâm Kiểm định và Khảo nghiệm thuốc bảo vệ thực vật phía Nam, trụ sở tại Tp. Hồ Chí Minh để xác minh, làm rõ nguyên nhân khiến cây hồ tiêu bị rụng quả bất thường.
Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh Đắk Lắk thành lập các đoàn liên ngành, tăng cường kiểm tra các cơ sở sản xuất, kinh doanh phân bón, thuốc bảo vệ thực vật tại 15 huyện, thị xã, thành phố. Kiên quyết xử lý nghiêm những vi phạm trên lĩnh vực này.
Ông Nguyễn Sỹ Tuệ thu nhặt những chùm hồ tiêu bị rụng dưới những gốc cây. Ảnh: Dương Giang/TTXVN |
Trước đó, phóng viên Thông tấn xã Việt Nam tại Đắk Lắk phản ánh hiện tượng cây hồ tiêu bị cháy lá, rụng quả bất thường với số lượng lớn sau khi phun phân bón lá, thuốc bảo vệ thực vật tại 2 hộ gia đình ông Nguyễn Sỹ Tuệ, thôn Thạch Sơn, xã Ea Mđróh và ông Phạm Quang Trung, xã Ea Tar, huyện Cư M’gar, gây thiệt hại về kinh tế và khiến người dân hoang mang.
Theo các hộ dân, việc phun phân bón lá và thuốc bảo vệ thực vật cho vườn hồ tiêu được thực hiện theo đúng sự chỉ dẫn của đại lý. Và đây cũng là lần đầu tiên cây hồ tiêu xảy ra hiện tượng này.
Huyện Cư M’gar là vùng trọng điểm về cây công nghiệp dài ngày của tỉnh Đắk Lắk. Toàn huyện hiện có 3.500 hec ta cây hồ tiêu.