Ngành cao su xanh hóa chuỗi quy trình sản xuất, chế biến và xuất khẩu

Xanh hóa chuỗi quy trình sản xuất và chế biến, xuất khẩu đang ngày càng trở nên quan trọng đối với nhiều doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp ngành chế biến và xuất khẩu cao su.

Khi toàn bộ nguồn nguyên liệu có liên quan đến sản xuất rừng bền vững, cũng như chuỗi nhà máy sản xuất bền vững, an toàn cho môi trường, người lao động và hệ sinh thái hiện nay đều đang được xanh hóa. 

Chú thích ảnh
Khai thác mủ cao su tại rừng cao su của Công ty TNHH Một thành viên Cao su Chư Păh (tỉnh Gia Lai). Ảnh (tư liệu) minh họa: Vũ Sinh/TTXVN

Xanh từ vườn cây

Ngay từ 5 năm trước, Tập đoàn công nghiệp cao su Việt Nam (VRG) đã triển khai thí điểm Chương trình quản lý rừng cao su bền vững với việc thực hiện Chứng chỉ quản lý rừng bền vững và Chứng chỉ chuỗi hành trình sản phẩm theo tiêu chuẩn quốc tế. Đây chính là tiền đề để các đơn vị thành viên VRG mở rộng quy mô, diện tích rừng và các nhà máy được công nhận chứng chỉ xanh.

Theo báo cáo của Tập đoàn công nghiệp cao su Việt Nam, đến hết quý III/2023, toàn tập đoàn có 30 công ty thành viên xây dựng phương án Quản lý rừng bền vững, tăng 9 công ty so với cuối năm 2022. Tổng diện tích đã xây dựng phương án Quản lý rừng bền vững là 275.000 ha (đạt 95% tổng diện tích quản lý). Hiện VRG đã có 18 thành viên được cấp chứng chỉ quản lý rừng bền vững theo VFCS/PEFC với diện tích hơn 113.000 ha cao su, đạt 83% so với kế hoạch. Ngoài ra, VRG có 37 nhà máy (chế biến cao su thiên nhiên, chế biến gỗ và sản phẩm công nghiệp cao su) được cấp chứng chỉ quản lý chuỗi hành trình sản phẩm theo tiêu chuẩn quốc tế, tăng bảy nhà máy so với cuối năm 2022.

Trên cơ sở này, nhiều công ty cao su thuộc tập đoàn đã nỗ lực thực hiện chuỗi hành trình sản phẩm xanh để thương hiệu cao su của Tập đoàn VRG nói riêng, cao su Việt Nam nói chung nâng lên vì quốc tế đang quan tâm đến tăng trưởng xanh. Theo ông Nguyễn Công Bình, Trưởng phòng Công nghiệp, Công ty Cao su Bình Long, tỉnh Bình Phước, vào thời điểm mới triển khai, tiêu chuẩn chứng nhận về quản lý rừng bền vững (PEFC) chưa được cụ thể hóa theo đặc thù của Việt Nam. Toàn bộ hệ thống tài liệu, các quy định đều phải làm theo khuôn mẫu của hệ thống PEFC quốc tế, nên không dễ thực hiện. "Khó nhưng với quyết tâm từ lãnh đạo công ty, nông trường và tổ đội cùng với sự hưởng ứng tích cực của người lao động nên mọi việc đến nay đã đi vào ổn định.

Còn Công ty TNHH MTV Dầu Tiếng đang quản lý tổng diện tích hơn 28.000 ha, nằm trải dài trên 16 xã, thị trấn thuộc huyện Dầu Tiếng, huyện Bàu Bàng và thị xã Bến Cát, tỉnh Bình Dương. Theo bà Nguyễn Thị Thuận, Phó Trưởng phòng kỹ thuật Công ty cao su Dầu Tiếng, từ năm 2019, công ty đã thực hiện Chứng chỉ rừng bền vững với diện tích 4.000 ha tại hai nông trường. Năm 2020, công ty tiếp tục mở rộng thêm diện tích tham gia Chứng chỉ với 4.000 ha tại ba nông trường. Đến nay, công ty được Tổ chức GFA đánh giá và cấp chứng nhận Quản lý rừng bền vững với diện tích 8.000 ha thuộc bốn nông trường: Đoàn Văn Tiến, Trần Văn Lưu, Thanh An và Bến Súc.

Để giữ được chứng chỉ xanh, lãnh đạo nông trường cao su Bến Súc chỉ đạo các tổ, thực hiện bảo đảm vệ sinh môi trường trong vườn cây, cung cấp đầy đủ bảo hộ lao động cho công nhân lao động, bảo đảm chất lượng mủ từ vườn cây khi giao nộp, không để lẫn tạp chất, giao sản phẩm đúng tiêu chuẩn, chất lượng. Nhờ đó, trong đợt đánh giá kiểm tra định kỳ hồi giữa tháng 10/2023, đoàn công tác của Tổ chức GFA đã đánh giá nông trường đạt được yêu cầu chứng chỉ xanh trong năm nay, đại diện nông trường cao su Bến Súc chia sẻ.

Sạch cả nhà máy

Tiêu chí xanh hóa được tập đoàn công nghiệp cao su Việt Nam thực hiện quyết liệt từ vườn cây đến cả hoạt động sản xuất của các nhà máy chế biến cao su thuộc tập đoàn. Theo đó, ý thức 5S trong hoạt động sản xuất được triển khai khắp đội ngũ công nhân nhà máy, ý thức bảo vệ môi trường của người lao động chuyển biến rõ rệt, công nhân không còn vứt rác bừa bãi trong lô cao su, mà thu gom gọn gàng.

Không những vậy, doanh nghiệp chế biến cao su cũng xử lý những phụ phẩm cao su sang lợi ích kinh tế thấp hơn, thay vì phải bỏ đi và tiêu tốn kinh phí xử lý. Theo ông Đàm Duy Thảo, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Cao su kỹ thuật Đồng Phú (nệm Đồng Phú) thuộc Công ty cổ phần Cao su Đồng Phú, hiện nhà máy đã thu hồi được 100% phụ phẩm sau sản xuất để xử lý bằng cách xay nhỏ, sấy khô cung cấp cho những đơn vị sản xuất có yêu cầu chất lượng nguyên liệu thấp hơn nệm như lốp xe, tấm lót thú cưng, tấm lót chống trượt trong nhà xưởng… giảm lượng rác thải ra môi trường. Sản phẩm của Đồng Phú 100% cao su thiên nhiên nên thân thiện với môi trường, có thể tái chế và dễ dàng phân hủy khi thải ra môi trường nên là lợi thế lớn khi chào hàng sang những thị trường khó tính như Mỹ, châu Âu, Nhật Bản khi đòi hỏi sản phẩm phải sản xuất xanh, nguyên liệu bền vững và mức độ an toàn cao.

Chế biến cao su hiện cho ra một lượng nước thải rất lớn, nếu chỉ xử lý mà không tái sử dụng sẽ gây thêm một tầng lãng phí nguồn nước. Chính vì vậy, các nhà máy chế biến mủ cao su cũng đã thực hiện cải thiện tỷ lệ tái sử dụng nguồn nước. Theo ông Nguyễn Hồng Thái, Phó Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Cao su Tây Ninh (Taniruco), Nhà máy Chế biến Cao su Hiệp Thạnh, thuộc Taniruco, bình quân mỗi ngày có tổng lưu lượng nước thải phát sinh khoảng 373,44 m3 (7,14m3 nước thải sinh hoạt và 366,3 m3 nước thải sản xuất).

Toàn bộ lượng nước thải đều đã được xử lý đạt tiêu chuẩn cột A (có thể đổ vào các thủy vực thường được làm nguồn nước sinh hoạt). Một nửa lượng nước thải sau khi xử lý này được thu gom về mương oxy hóa, sau đó được bơm theo đường ống nhựa cung cấp nước cho công đoạn rửa nguyên liệu cao su mủ tạp trong dây chuyền sản xuất cao su SVR 10, SVR 20.

Việc tái sử dụng nước thải sau xử lý được áp dụng cho toàn bộ dây chuyền sản xuất cao su SVR 10, SVR 20 từ nguyên liệu mủ tạp từ đầu vụ cho đến khi hết vụ sản xuất không hạn chế các mùa trong năm. Điều này cho thấy việc tái sử dụng nguồn nước thải đang được Taniruco thực hiện khá tốt, qua đó giúp tiết kiệm đáng kể chi phí và góp phần sử dụng tài nguyên nước một cách hiệu quả hơn.
 
Như vậy, thông qua từng khâu từ vườn cây đến nhà máy, ngành cao su đang dần khẳng định việc xanh hóa, bảo vệ môi trường, bào vệ sức khỏe con người, hướng đến con đường phát triển bền vững, tăng khả năng cạnh tranh trên thị trường thế giới.

Trinh Hoàng Nhan (TTXVN)
Ngành cao su vượt khó về đích
Ngành cao su vượt khó về đích

Sau nhiều năm giá mủ cao su xuống thấp, thì năm 2022 là năm thứ 2 ngành cao su vực dậy, vượt qua nhiều khó khăn do biến động thị trường, lạm phát kinh tế, sự chậm trễ về hoàn thuế gây thiếu vốn lưu động và biến động tỷ giá, duy trì sự phát triển, mang lại động lực cho người trồng cao su, cũng như doanh nghiệp chế biến, xuất khẩu cao su Việt Nam.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN